Thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐ-TB-XH, các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang tiến hành xây dựng chuẩn đầu ra cho các cấp đào tạo của trường mình. Đây được xem là yếu tố then chốt để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện định hướng đào tạo gắn với nhu cầu xã hội.
Sinh viên học nghề tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên - Ảnh: THÚY HẰNG |
Xây dựng chuẩn đầu ra theo ngành học
Những năm gần đây, chất lượng và hiệu quả đào tạo giáo dục nghề nghiệp đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng kể. Đào tạo từng bước chuyển từ “cái mình có” sang nhu cầu mà xã hội cần, gắn với dự báo nguồn nhân lực, dự báo về việc làm, yêu cầu của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đứng trước một thị trường lao động năng động và thay đổi nhanh chóng trong quá trình phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa thay đổi theo kịp với yêu cầu.
Thực tế cho thấy, chất lượng, hiệu quả đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương; mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp còn lỏng lẻo; học sinh, sinh viên tốt nghiệp còn yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm…
Để tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đào tạo chất lượng cao; phát triển quy mô tương ứng với các điều kiện đảm bảo chất lượng; đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các cấp trình độ đào tạo; xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng người học; phát triển các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm quốc gia, khu vực và quốc tế,…
Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH) đã phê duyệt dự toán kinh phí Xây dựng quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng (gọi tắt là chuẩn đầu ra) cho 127 ngành, nghề.
Tại Phú Yên, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung và Trường cao đẳng Nghề Phú Yên được Bộ LĐ-TB-XH chọn xây dựng chuẩn đầu ra 3 ngành, nghề. Trong đó, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung xây dựng chuẩn đầu ra ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học; Trường cao đẳng Nghề Phú Yên xây dựng chuẩn đầu ra hai nghề Cơ điện lạnh thủy sản và Vận hành sửa chữa thiết bị điện lạnh. Hiện hai trường đã hoàn chỉnh nội dung chuẩn đầu ra và tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia.
Công khai hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn dạy và học
Trường cao đẳng Nghề Phú Yên vừa tổ chức hội thảo xây dựng chuẩn đầu ra nghề Cơ điện lạnh thủy sản và Vận hành sửa chữa thiết bị điện lạnh với sự tham dự của gần 30 chuyên gia, các nhà khoa học thuộc viện nghiên cứu, hội khoa học và giảng viên các trường đại học, cao đẳng chuyên đào tạo về lĩnh vực cơ điện lạnh và vận hành sửa chữa thiết bị lạnh trong và ngoài tỉnh.
Tại hội thảo, TS Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng, Chủ nhiệm Ban xây dựng chuẩn đầu ra Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, cho biết chuẩn đầu ra tương ứng với mỗi trình độ giáo dục nghề nghiệp, là sự công khai hóa các tiêu chí, tiêu chuẩn nhằm đảm bảo và khẳng định về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cả về kiến thức, kỹ năng, vị trí và khả năng đảm đương công việc của sinh viên tốt nghiệp.
Chuẩn đầu ra là cơ sở để nhà trường xây dựng chương trình, thiết kế nội dung, tổ chức các hoạt động đào tạo và cam kết về chất lượng đầu ra của quá trình đào tạo đó. Chuẩn đầu ra chung được ban hành sẽ tạo khung tiêu chuẩn thiết yếu giúp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có cơ sở đánh giá và chứng nhận chất lượng đào tạo.
Có thể nói, chuẩn đầu ra giáo dục nghề nghiệp là yêu cầu tối thiểu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, trách nhiệm nghề nghiệp và những phẩm chất khác mà người học cần phải đạt được sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ở mỗi cấp trình độ, mỗi ngành, nghề đào tạo; được cơ sở giáo dục nghề nghiệp cam kết với người học, xã hội và công bố công khai cùng với các điều kiện đảm bảo thực hiện.
Để xây dựng chuẩn đầu ra cho hai nghề đào tạo trên, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên đã khảo sát thực tế tại 46 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh các ngành dược, rượu bia, thực phẩm, may mặc, thủy sản, các nhà thầu cơ điện lạnh… trong cả nước.
Tương tự, Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung cũng đã khảo sát thực tế tại nhiều công ty, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất các lĩnh vực liên quan đến công nghệ hóa học như nhà máy đường, nhà máy bia, công ty dược, các trung tâm kiểm định… Qua đó, có cơ sở để xây dựng các tiêu chí về vị trí việc làm, công việc tương ứng với từng vị trí việc làm, khối lượng kiến thức chuyên môn mà người học cần có…
Khi nói tới chuẩn đầu ra thì đúng là liên quan đến việc học của sinh viên, liên quan tới người dạy, người tuyển dụng, là sự gắn kết các chủ thể. Do đó, việc xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra là một việc làm cần thiết. Việc làm này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình đổi mới, giúp cho giáo dục nghề nghiệp nâng cao được chất lượng của mình và hoàn thành sứ mệnh đáp ứng nhu cầu CNH-HĐH.
Tuy nhiên, các trường cho rằng, mặc dù rất cần thiết nhưng để xây dựng lại toàn bộ chương trình đào tạo theo hướng chuẩn đầu ra là việc làm không dễ đối với mỗi trường. Vậy nên, việc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chọn các trường để xây dựng chuẩn đầu ra cho 127 ngành, nghề sẽ là cơ sở để các trường dựa vào đó xây dựng chương trình đào tạo. Mỗi ngành nghề có một khung chuẩn đầu ra sẽ tiện lợi hơn nhiều.
ThS LÊ QUANG LIỆU, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHỆ, KINH TẾ VÀ THỦY SẢN (HẢI PHÒNG): Cam kết của nhà trường đối với người học
Công tác dạy nghề đã từng bước được đổi mới và phát triển, đạt được nhiều thành tựu nổi bật cả về quy mô, số lượng, chất lượng, loại hình đào tạo, cơ cấu ngành nghề, đào tạo với sử dụng lao động theo nhu cầu của thị trường lao động để đáp ứng nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, xét ở góc độ chất lượng và hiệu quả đào tạo so với sự quan tâm, đầu tư của xã hội thì kết quả đạt được chưa thực sự tương xứng.
Với chuẩn đầu ra mà trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp xây dựng hiện nay có thể được hiểu là sự cam kết của trường đối với người học, gia đình và xã hội. Hệ thống các tiêu chí của chuẩn đầu raquy định đối với sinh viên tốt nghiệp là một trong những căn cứ quan trọng để nhà trường chuẩn hóa các khâu trong quá trình đào tạo như: xây dựng chương trình và kế hoạch đào tạo, xây dựng kế hoạch giảng dạy và đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên, xây dựng quy trình quản lý kết quả học tập của sinh viên, xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học và tổ chức các biện pháp thực hiện... Chuẩn đầu ra không phải là bất biến mà nó thường xuyên được cập nhật, chỉnh sửa để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và phù hợp với sự phát triển của trường trong từng giai đoạn.
TS NGUYỄN XUÂN TIÊN, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI KHOA HỌC KỸ THUẬT LẠNH VIỆT NAM: Tránh trường hợp đào tạo lại
Tôi tán thành quy trình xây dựng chuẩn đầu ra, là phải xuất phát từ yêu cầu về kỹ năng, thái độ của từng công việc, từng nghề, hồ sơ năng lực… Chuẩn đầu ra là cơ sở để xây dựng chương trình đào tạo. Sản phẩm đào tạo ra mới đáp ứng yêu cầu việc làm, xã hội. Việc xây dựng chuẩn đầu ra chung cho từng ngành sẽ giúp các trường minh bạch hơn trong đào tạo. Chẳng hạn cùng đào tạo nghề Cơ điện lạnh thủy sản thì không thể kỹ sư đào tạo ở các thành phố lớn lại khác so với kỹ sư được đào tạo tại các trường địa phương. Đã là học cùng một nghề thì phải có chuẩn chung, tránh trường hợp đào tạo ra lại không đạt chuẩn.
Chất lượng và hiệu quả trong đào tạo nghề có thể xem là giá trị sản phẩm mà quá trình đào tạo mang lại lợi ích cho xã hội, nhà trường, gia đình và người học. Trong điều kiện nền kinh tế nhiều thành phần hiện nay, chất lượng đào tạo là một khái niệm tương đối, nó phụ thuộc cả vào yêu cầu khách quan của người sử dụng lao động chứ không do ý chí chủ quan của người làm công tác đào tạo. Chất lượng đào tạo nghề chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố và mức độ tác động của các yếu tố không giống nhau. Do đó, việc xây dựng chuẩn đầu ra cho các ngành nghề đào tạo sẽ góp phần thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường và các đơn vị sử dụng lao động, tránh trường hợp phải đào tạo lại.
PGS-TS BÙI VĂN HỒNG, PHÓ VIỆN TRƯỞNG PHỤ TRÁCH VIỆN SƯ PHẠM KỸ THUẬT (TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM KỸ THUẬT TP HỒ CHÍ MINH): Khẳng định chất lượng đào tạo của mỗi trường
Đào tạo và sử dụng nhân lực có mối quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau, tác động lẫn nhau theo quan hệ cung - cầu. Các cơ sở đào tạo đã nhận thức rõ về vấn đề này, tuy nhiên do chưa có những chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển nên mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp hiện nay đang là mối quan hệ tự nhiên dựa trên nhu cầu của hai bên, chưa có một tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm pháp lý giúp cho mối quan hệ này phát triển bền vững. Một nghịch lý đang tồn tại là trong khi các xí nghiệp, các khu chế xuất đang cần hàng vạn công nhân, kỹ thuật viên, kỹ sư thì vẫn có hàng vạn học sinh, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, phải chăng là chất lượng nguồn nhân lực qua đào tạo hiện nay là chưa phù hợp. Việc xây dựng chuẩn đầu ra sẽ giúp cho nhà trường và cả doanh nghiệp xác định được năng lực người học có thể làm được cái gì trong một tình huống lao động nhất định. Các năng lực mà người học sẽ thu nhận trong đào tạo phù hợp với công việc mà những người hành nghề thực tế phải làm hoặc dưới dạng các hành vi và thái độ nghề nghiệp. Hay nói một cách khác, chuẩn đầu ra là lời khẳng định của những điều mà trường muốn sinh viên của trường có khả năng làm, biết, hoặc hiểu (thực hiện được một vị trí công việc hoặc là có khả năng thể hiện được kết quả một việc được giao và kết quả đó mang tính định lượng) sau khi hoàn thành khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp. |
THÚY HẰNG