Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức tập huấn và hỗ trợ thành lập CLB STEM - Sáng tạo kỹ thuật cho 4 trường THPT trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này không chỉ tạo hứng thú, khơi mầm nghiên cứu khoa học trong học sinh mà còn thúc đẩy phong trào giảng dạy theo phương pháp STEM trong các trường phổ thông.
Hoạt động ngoại khóa vui học
Đam mê nghiên cứu khoa học nên em Lê Đức Đạt, học sinh lớp 11 Toán 2, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh tìm hiểu nhiều tài liệu trên internet và ấp ủ dự định sẽ chế tạo các sản phẩm phục vụ học tập và cuộc sống.
Tuy nhiên, em không biết nên bắt đầu từ đâu và liên hệ với nơi nào để tìm mua các linh kiện, thiết bị lắp ráp. Khi nghe tin nhà trường phối hợp với Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức tập huấn và hỗ trợ thành lập CLB STEM - Sáng tạo kỹ thuật, Đạt rất hào hứng.
Em chăm chú nghe các giảng viên là chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ hướng dẫn cách sử dụng một số cảm biến, cách lắp ráp và vận hành robot tránh vật cản, xe chạy năng lượng mặt trời, lập trình cơ bản Arduino, sau đó sôi nổi thực hành cùng các bạn.
Đạt bộc bạch: “Đây là một chương trình rất bổ ích và ý nghĩa. Sau khi được các thầy tập huấn, em đã hình thành trong đầu một số ý tưởng về khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin. Em sẽ kết nối với các bạn có chung ý tưởng để cùng sáng chế sản phẩm tham dự Hội thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh sắp tới”.
Ngoài Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, đợt này, Trường THPT Lê Trung Kiên (huyện Đông Hòa) cũng được Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh chọn là nơi tập huấn và hỗ trợ thành lập CLB STEM.
Theo thầy Lê Văn Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Trung Kiên, sau một ngày được các giảng viên hướng dẫn, học sinh của nhà trường rất hào hứng. Giáo viên và học sinh như được tiếp thêm đam mê, có định hướng rõ ràng trong việc sáng chế ra các dự án khoa học kỹ thuật, công nghệ.
“Những năm gần đây, nhà trường có một số học sinh đạt giải tại Hội thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh và cấp quốc gia. Điều này đã tạo động lực cho thầy trò nhà trường thành lập CLB Sáng tạo khoa học kỹ thuật để học sinh có thêm sân chơi lành mạnh, nuôi dưỡng đam mê và phát triển năng khiếu. Sau chương trình tập huấn và và hỗ trợ thành lập CLB STEM, chúng tôi sẽ phát triển mạnh mẽ hơn phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật trong nhà trường”, thầy Hoàng chia sẻ.
TS Trần Thanh Thưởng, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho hay: “Tại Phú Yên, chúng tôi tập huấn và hỗ trợ thành lập CLB STEM tại 4 trường THPT, gồm: chuyên Lương Văn Chánh, Lê Trung Kiên, Trần Phú (huyện Tuy An) và Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa). Ngoài hướng dẫn trực tiếp cho giáo viên và học sinh, chúng tôi còn kết nối qua zalo, facebook để hỗ trợ về kỹ thuật và cung cấp thiết bị để sáng chế các mô hình, dự án. Hè này, Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức Trại hè sáng tạo, cấp 30 suất học bổng cho học sinh khơi mầm đam mê, giúp các em phát triển ý tưởng thành các sản phẩm có tính ứng dụng cao vào cuộc sống”.
Đưa phương pháp STEM vào trường học
Bên cạnh tập huấn, một nội dung quan trọng không kém được Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh triển khai trong chương trình là hỗ trợ thành lập CLB STEM - Sáng tạo kỹ thuật trong trường phổ thông. Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, STEM là từ viết tắt các chữ cái đầu bằng tiếng Anh các môn học: Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học).
Với phương pháp này, học sinh chủ yếu được thực hành và tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, từ đó phát triển tư duy phản biện, kỹ năng làm việc theo nhóm, khả năng giao tiếp, kỹ năng quản lý thời gian… Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục STEM rất được coi trọng.
PGS-TS Dũng nói: “Tại nước Mỹ, quốc gia gần như nắm giữ nhiều quyền lực công nghệ trên thế giới, giáo dục STEM được chú trọng đưa vào dạy cho học sinh từ bậc mẫu giáo. Một số tỉnh, thành phố của Việt Nam cũng đã đưa phương pháp này vào giảng dạy ở các trường. Trong năm nay, chúng tôi hỗ trợ thành lập 100 CLB STEM trong các trường phổ thông. Với các CLB này, chúng tôi mong muốn ươm mầm đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật trong học sinh, giúp các em có thêm sân chơi lành mạnh để vận dụng những điều đã học vào cuộc sống”.
Đánh giá cao phương pháp giáo dục STEM, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương bày tỏ: “Gần đây, chúng ta nói rất nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0. Trong cuộc cách mạng này, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật đóng một vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Cùng với các môn học khác, công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật cần có một phương pháp giáo dục mới và đó chính là phương pháp STEM. Phương pháp này mang lại cho các em sự hiểu biết, mô phỏng toàn bộ hoạt động công nghệ của thế giới trong một lớp học”.
Để giáo dục STEM được đưa vào giảng dạy trong các trường học mang lại hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương đề nghị: Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 yêu cầu tập trung thúc đẩy đào tạo về khoa học; công nghệ; kỹ thuật và toán học (STEM); ngoại ngữ; tin học trong chương trình giáo dục phổ thông…
Ngành Giáo dục Phú Yên cần đưa phương pháp STEM vào giảng dạy trong nhà trường để học sinh tiếp cận; giúp các em vừa nắm vững lý thuyết, vừa thực hành, tạo ra sản phẩm thực tế, ứng dụng vào cuộc sống.
HÀ MY