Việc tư vấn tâm lý học đường có một vai trò rất quan trọng trong giáo dục. Làm tốt công tác này sẽ góp phần hạn chế những tiêu cực gây nhức nhối trong xã hội, góp phần giữ gìn nề nếp, kỷ cương và chuẩn mực cho nhà trường.
Chúng tôi đến Trường THCS Nguyễn Thế Bảo (huyện Phú Hòa) khi thầy trò nhà trường đang tổ chức sinh hoạt đầu tuần dưới cờ. Nói chuyện với học sinh toàn trường, Hiệu trưởng Nguyễn Thành Nhơn nhắc đi nhắc lại rằng nếu gặp bất kỳ vướng mắc hay mâu thuẫn gì trong học tập hay cuộc sống, các em không nên tự giải quyết, mà nên chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm hoặc thầy cô giáo trong Tổ Tư vấn tâm lý học đường của nhà trường.
Thầy Nhơn nói: “Các em đang trong độ tuổi mới lớn nên tâm sinh lý thường không ổn định, gặp chuyện dễ hành động dại dột, thiếu suy nghĩ. Cho nên, các em hãy cứ coi thầy cô giáo là người thân; gặp chuyện, cứ mạnh dạn giãi bày và nhờ cho lời khuyên giải”.
Kết thúc giờ sinh hoạt dưới cờ, trong khi các học sinh vào lớp để nghe giáo viên chủ nhiệm dặn dò, hai em Lê Ngọc Thuận (lớp 6A6) và Nguyễn Khánh Trình (lớp 6A7) dẫn nhau đến gặp các thầy cô giáo trong Tổ Tư vấn tâm lý học đường để nhờ phân giải. Trước đó, trong khi xếp ghế cất vào kho, hai học sinh này đã trêu chọc và xô đẩy nhau.
Sau khi nghe các em trình bày nguyên nhân, cô Tổng phụ trách Đội Nguyễn Thị Bích Liễu cùng Hiệu trưởng Nguyễn Thành Nhơn đã phân tích, khuyên nhủ các em. Nhờ đó, Thuận và Trình đã thấy cái sai của mình, xin lỗi và hứa sẽ không tái phạm. Cô Liễu cho hay, những sự việc như thế này thường xuyên xảy ra trong nhà trường bởi lứa tuổi học sinh tinh nghịch, dễ bốc đồng. Các thầy cô giáo trong Tổ Tư vấn tâm lý học đường luôn kịp thời có mặt để tham vấn, giúp đỡ, giải quyết mâu thuẫn cho các em.
“Tổ Tư vấn tâm lý học đường của trường có ba cán bộ, giáo viên, phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm sâu sát nắm bắt tình hình và theo dõi các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt để kịp thời tư vấn, động viên các em tiến bộ”, cô Liễu chia sẻ.
Thầy Nguyễn Thành Nhơn cho biết thêm: “Hoạt động từ năm 2012 đến nay, Tổ Tư vấn tâm lý học đường của nhà trường đã tích cực tham vấn, khuyên nhủ học sinh. Nhờ đó, học sinh của trường không vi phạm pháp luật, nề nếp, kỷ cương của nhà trường được giữ vững, tỉ lệ bỏ học thấp”.
Những năm gần đây, cùng với cả nước, ngành Giáo dục Phú Yên đã chú trọng hơn đến vấn đề tư vấn học đường. Trong nhiệm vụ đầu mỗi năm học, Sở GD-ĐT đều yêu cầu các trường thành lập Tổ Tư vấn tâm lý học đường trong nhà trường để kịp thời hỗ trợ cho các em.
Ông Ngô Ngọc Thư, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, cho biết: Theo quy định mới nhất của Bộ GD-ĐT, mỗi nhà trường sẽ có một tổ tư vấn tâm lý cho học sinh do hiệu trưởng hoặc ít nhất là một hiệu phó làm tổ trưởng, các thành viên tùy theo điều kiện, khả năng, năng lực có số lượng khoảng từ 3-7 người. Tất cả giáo viên tham gia đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng về công tác tư vấn tâm lý. Sở GD-ĐT đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh phối hợp với Trường đại học Quy Nhơn mở lớp bồi dưỡng giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý trong tháng 10 này.
“Ở lứa tuổi học sinh trung học và phổ thông, các em có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý, rất cần được hỗ trợ, tư vấn. Thêm vào đó, hiện nay, tình hình xã hội khá phức tạp, nhiều cạm bẫy, tệ nạn, trong khi nhận thức của các em học sinh còn hạn chế, dễ bị dao động, kích động… Cho nên, cần thiết phải có tổ tư vấn tâm lý trong trường học. Bên cạnh đó, các giáo viên chủ nhiệm cũng cần phải trang bị kiến thức về tâm lý học sinh và có kỹ năng để tư vấn, giúp đỡ, làm chỗ dựa tinh thần cho các em”, ông Thư nói.
KHÁNH HÀ