Thứ Sáu, 25/10/2024 17:25 CH
Thực hiện Chương trình hành động số 07 của Tỉnh ủy:
Đáp ứng tốt hơn yêu cầu về nhân lực
Thứ Ba, 21/08/2018 07:00 SA

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020; xác định tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong xây dựng và phát triển tỉnh nhà, ngày 26/4/2016, Tỉnh ủy đã đề ra Chương trình hành động số 07 về “Tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và thu hút nhân lực trình độ cao, gắn đào tạo với sử dụng” (gọi tắt là CTHĐ số 07). Qua hơn 2 năm thực hiện đã đạt được một số kết quả.

 

Dạy tiếng Việt cho học sinh tiểu học ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa - Ảnh: VĂN NGỌC

 

Sau khi CTHĐ số 07 được ban hành, các cấp ủy đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Trong đó, ngày 8/7/2016, Thành ủy Tuy Hòa đề ra Chương trình hành động số 07 “Về chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và đào tạo nhân lực có trình độ cao, gắn đào tạo với sử dụng; nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân”; UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch 96, đề ra các chỉ tiêu và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban ngành tỉnh, UBND cấp huyện thực hiện, đồng thời chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị và chỉ đạo cấp dưới thực hiện…

 

Chất lượng nguồn nhân lực chuyển biến tích cực

 

Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 13 vừa qua, các đại biểu tham dự hội nghị đều thống nhất với đánh giá: Qua hơn 2 năm thực hiện CTHĐ số 07 của Tỉnh ủy, một số chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; một số chỉ tiêu như đào tạo nghề, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề… thực hiện tốt và có khả năng vượt kế hoạch đề ra. Chất lượng nguồn nhân lực xã hội có chuyển biến tích cực, từng bước phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là ở một số ngành, lĩnh vực quan trọng. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, công tác xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa các loại hình đào tạo - giáo dục (ĐT-GD), dạy nghề bước đầu đạt được một số kết quả nhất định. Mạng lưới cơ sở ĐT-GD, cơ sở dạy nghề có bước phát triển về số lượng, chất lượng, quy mô. Tỉ lệ người lao động qua đào tạo liên tục tăng; trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật, năng suất lao động từng bước được nâng lên...

 

Đầu tư nâng cao chất lượng, năng lực GD-ĐT là một trong những giải pháp để phát triển nguồn nhân lực. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng, thời gian qua, ngành GD-ĐT của tỉnh tiếp tục được đầu tư phát triển cả về số lượng và chất lượng. Mạng lưới trường, lớp từ mầm non đến bậc đại học trên địa bàn phát triển hợp lý, tương đối hoàn chỉnh. Toàn tỉnh hiện có 141 trường mầm non, trong đó có 42 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 13 trường); 169 trường tiểu học (81 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 6 trường); 107 trường THCS (44 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 14 trường); 33 trường THPT (4 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 1 trường so với năm 2016) và 4 trường dân tộc nội trú. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên được đầu tư, nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập. Các huyện miền núi đều có trường THPT, dân tộc nội trú, bán trú và được xây dựng khang trang. Việc kết nối mạng internet, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy được áp dụng rộng rãi tại các trường học, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Có 99,5% cán bộ quản lý và giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn theo quy định. Quy mô các cấp học, ngành học được mở rộng, chất lượng dạy học và số học sinh theo học được nâng lên theo từng năm, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học ở các bậc học, cấp học.

 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; kịp thời ban hành các nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật và bố trí ngân sách phù hợp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thu hút trí thức có trình độ sau đại học, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc bố trí công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh và tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, hỗ trợ kinh phí cho CBCCVC đi học.

 

“Nhờ làm tốt công tác quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nên các cơ quan đã chủ động trong việc tạo nguồn cán bộ để thực hiện việc bố trí, bổ nhiệm, giới thiệu tham gia cấp ủy đảm bảo yêu cầu. Ý thức, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, chất lượng đội ngũ CBCCVC của tỉnh được nâng lên, cơ bản đạt chuẩn về trình độ, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”, Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Tấn Việt cho biết.

 

Đào tạo tin học ở Trường đại học Phú Yên - Ảnh: TRẦN LÊ

 

Gắn đào tạo với sử dụng

 

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Nguyễn Phất, việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp gắn đào tạo với sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội trong thời gian qua luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng. Trong 2 năm (2016-2017), Sở LĐ-TB-XH đã khảo sát 118.000 hộ gia đình và 200 doanh nghiệp về nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và nhu cầu sử dụng lao động (SDLĐ) của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch đào tạo nghề ngày càng thực tế và sâu sát, gắn với nhu cầu SDLĐ của các doanh nghiệp. Nhiều nội dung, hình thức cũng đã được tổ chức vì người lao động, như hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về quan hệ lao động - tiền lương; về bảo hiểm xã hội; việc làm - an toàn lao động; giáo dục nghề nghiệp và tranh chấp lao động… góp phần nâng cao năng lực chỉ số cạnh tranh về đào tạo và SDLĐ, thu hút đầu tư. Đồng thời, tỉnh cũng đã khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề lao động nông thôn tại các huyện miền núi và nhu cầu SDLĐ qua đào tạo nghề tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội thảo chuyên đề về “công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu SDLĐ của các doanh nghiệp” với 80 doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia; hội giảng nhà giáo, giáo dục nghề nghiệp tỉnh; tổ chức thành công hội thi tay nghề tỉnh Phú Yên; tham gia hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc; tập huấn công tác đào tạo nghề lao động nông thôn cho 437 cán bộ cấp xã…

 

Bí thư Thành ủy Tuy Hòa Lương Mộng Sanh chia sẻ: Nhìn chung, UBND TP Tuy Hòa và cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Thành ủy; UBND các phường, xã và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của thành phố đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch của cấp mình, đơn vị mình để triển khai thực hiện CTHĐ số 07 của Tỉnh ủy và Thành ủy phù hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, đơn vị. Một số cơ chế, chính sách theo CTHĐ 07 của Thành ủy đề ra được kịp thời triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong đó, một số chỉ tiêu đến nay đã được thực hiện hoàn thành đúng tiến độ; có chỉ tiêu nhiệm vụ hoàn thành vượt so với kế hoạch. Chất lượng nguồn nhân lực xã hội có chuyển biến tích cực, nhất là một số ngành, lĩnh vực quan trọng, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu về nhân lực thời kỳ CNH-HĐH.

 

Tuy nhiên, theo người đứng đầu cấp ủy thành phố, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, đội ngũ CBCCVC tuy từng bước được chuẩn hóa nhưng tính chuyên nghiệp chưa cao theo yêu cầu của nền công vụ. Một bộ phận chưa phát huy hết năng lực, sở trường của mình hoặc thiếu chủ động trong công tác; vận dụng chủ trương, chính sách còn chậm, thụ động, máy móc; còn thiếu gương mẫu trong lối sống, sinh hoạt; năng lực chỉ đạo, điều hành còn hạn chế và chưa thực sự tự lực vươn lên trong học tập, rèn luyện; chưa có nhiều sáng kiến, sáng tạo đóng góp cho thành phố. Một số ngành, nhất là ngành Y tế thiếu cán bộ có trình độ đại học, chuyên môn cao. Trình độ ngoại ngữ, tin học của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới; chưa thu hút được lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật, quản lý và lao động có trình độ tay nghề cao…

 

Trong 2 năm (2016-2017) trên địa bàn tỉnh đã có 13.730 người được tuyển mới để đào tạo nghề (trung cấp, cao đẳng 3.224 người; đào tạo ngắn hạn 10.506 người); tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 61,2%, tăng 6,19% so với đầu năm 2016, trong đó lao động qua đào tạo nghề 45,01%, tăng 4,01%, đạt 88,2% so với kế hoạch đề ra. Tạo việc làm cho 49.230 lao động, trong đó có 32.205 lao động làm việc trong tỉnh; số có việc làm mới tăng thêm 9.700 lao động. Đến nay, bình quân khoảng 284 sinh viên/vạn dân, đạt 88,7% so với chỉ tiêu đề ra. Đến cuối năm 2017, 100% cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn theo Thông tư 06 của Bộ Nội vụ. Tỉ lệ giáo viên các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn về chuyên môn nâng từ 99,4% (đầu năm 2016) lên 99,9%; 3 giảng viên có học hàm phó giáo sư…

 

(Nguồn: Văn phòng Tỉnh ủy)

 

XUÂN HIẾU

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek