Thứ Sáu, 25/10/2024 17:23 CH
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp:
Cần đổi mới tư duy, hướng đến con người
Thứ Hai, 20/08/2018 13:00 CH

Sau hai năm triển khai đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Đề án 844), tinh thần khởi nghiệp đã lan tỏa mạnh mẽ, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) thành công. Tại Phú Yên, việc kiến tạo hệ sinh thái KNĐMST được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

Sinh viên thuyết trình ý tưởng khởi nghiệp tại Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2018 do Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung và Báo Phú Yên tổ chức - Ảnh: THÚY HẰNG

 

Đổi mới tư duy

 

Tạo dựng hệ sinh thái KNĐMST là làm cho cộng đồng thay đổi cả một nền tảng tư duy 4.0, nghĩa là chuyển sang cách nhìn sáng tạo. Chính vì vậy, KNĐMST muốn thành công phải bắt nguồn từ thay đổi tư duy của con người.

 

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về phê duyệt Đề án 844, hoạt động của các doanh nghiệp KNĐMST trong cả nước diễn ra rất sôi động; nhiều địa phương đã và đang xây dựng các chương trình, kế hoạch và chính sách để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Tại Phú Yên, ngày 16/5/2018, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 117 “Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST tỉnh Phú Yên đến năm 2025” nhằm triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung của Đề án 844 phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của tỉnh; đồng thời tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới tập trung vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

 

Hiện nay, hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ KNĐMST đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm với hàng chục chính sách mới liên tiếp ra đời. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để KNĐMST thành công, trước tiên các chủ thể KNĐMST cần thay đổi tư duy về cách làm việc, hợp tác. Cụ thể, thay vì trước đây, doanh nghiệp, nhà trường, Nhà nước có những cách làm khác nhau, thì bây giờ cả “ba nhà”: nhà trường, Nhà nước, nhà doanh nghiệp phải hợp tác lại với nhau, và mỗi “nhà” đều có một sứ mệnh riêng cho sự phát triển của xã hội. Thay đổi tư duy cũng chính là thay đổi văn hóa khởi nghiệp, để doanh nghiệp chấp nhận dấn thân, sáng tạo ra các giá trị cho xã hội nhưng vẫn chấp nhận rủi ro, thất bại và có tư duy logic để kiểm soát rủi ro.

 

Theo ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Sông Hàn, để thay đổi được tư duy về cách làm việc, các nhà kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp phải xây dựng các chương trình đào tạo về khởi nghiệp, đào tạo cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý, đào tạo kiến thức và kỹ năng cho các em học sinh, sinh viên trong các trường; đào tạo nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm giúp tăng cường năng lực, kinh nghiệm của các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp. “Quan điểm hình thành doanh nghiệp mới hiện nay đã rất khác so với giai đoạn trước. Trước đây, mục đích của phần lớn doanh nhân khi thành lập doanh nghiệp là để kiếm tiền; còn bây giờ, người trẻ làm kinh doanh bắt nguồn từ đam mê, khát khao, ước mơ xã hội trở nên tốt đẹp hơn. Thay vì chờ đợi các doanh nhân đến đăng ký kinh doanh như trước kia, cách tư duy mới, cách làm mới hiện nay là “ươm doanh nhân”, tạo môi trường cho họ phát huy năng lực cá nhân và cộng hưởng với nhau (trong hệ sinh thái), tạo ra các doanh nghiệp, nếu không phải là doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thì ít nhất cũng là doanh nghiệp vừa và nhỏ mang tính bền vững”, ông Quân cho biết.

 

Nuôi cấy mô tại Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên - Ảnh: PV

 

Hướng đến nền tảng con người

 

Khởi nghiệp, đặc biệt là KNĐMST đang là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là giới trẻ, những con người có sự đam mê, nhiệt huyết, có sức trẻ với mong muốn cống hiến cho xã hội. Tuy nhiên làm thế nào để bước đi thật vững trên con đường khởi nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người. Bởi nhân sự chính là nguồn lực quan trọng nhất tạo nên sự thành công của một doanh nghiệp.

 

Theo ông Lý Đình Quân, để hình thành hệ sinh thái KNĐMST cần rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, để xây dựng môi trường khởi nghiệp thành công cần nhất vẫn là yếu tố con người. Để thu hút được nguồn lực cho KNĐMST, trước hết đơn vị phụ trách kiến tạo cần phải thu hút được nhóm trường đại học, các viện cùng tham gia. Bởi đây chính là “cái nôi” vừa đào tạo nhân lực vừa nghiên cứu công nghệ phục vụ cho xã hội. Bên cạnh đó, đội ngũ hỗ trợ hệ sinh thái hoạt động, nhất là những người ở vị trí lãnh đạo cũng cần được đào tạo bài bản để hiểu rõ cách làm mới.

 

Cũng theo ông Quân, hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm đến đổi mới sáng tạo, nhưng chỉ phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn. Điều này lý giải thực tế hiện trạng doanh nghiệp Việt Nam chưa tạo lập được chuỗi giá trị phát triển bền vững. Để doanh nghiệp tồn tại và phát triển, bên cạnh việc có kế hoạch cụ thể rõ ràng cho sản phẩm, doanh nghiệp phải có đội ngũ nhân sự đam mê với cùng chung mục tiêu phát triển, những người không ngừng học hỏi, dám dấn thân, thấm nhuần văn hóa khởi nghiệp. “KNĐMST cũng không đặt mục tiêu kiếm tiền lên hàng đầu mà phải tạo ra các giá trị, giải quyết các vấn đề xã hội. Để theo đuổi được mục tiêu đó, các cá nhân KNĐMST cần phải tập cho đi trước khi muốn nhận lại. Chính vì vậy, KNĐMST không phải con đường dễ dàng, thậm chí có thể phải hy sinh nhiều thứ trước khi có được thành quả”, ông Quân chia sẻ.

 

Đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, KNĐMST cần những người có trách nhiệm xã hội cùng tham gia kiến tạo để hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp. Việc xây dựng môi trường khởi nghiệp là vấn đề mới và khó nên những người tham gia cần sự kiên cường, bền bỉ, tinh thần dấn thân để những sáng tạo xuất phát từ thực tiễn sẽ quay về phục vụ cuộc sống. Đối với tất cả chúng ta, khởi nghiệp thực sự không dễ dàng, nhưng với sự hỗ trợ của Nhà nước, với những kiến thức và kỹ năng được trang bị, với tinh thần sáng tạo, mạnh dạn, dám chấp nhận rủi ro thì các dự án khởi nghiệp hoàn toàn có cơ hội để thành công.

 

BÀ PHAN HOÀNG LAN, TRƯỞNG PHÒNG KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH, CỤC PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG VÀ KH-CN: Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về KNĐMST

 

 

Hiện nay, phong trào khởi nghiệp đã diễn ra rộng khắp cả nước và được nhiều bộ, ngành, địa phương quan tâm. Điểm nhấn của đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST quốc gia đến năm 2025” là hoạt động khởi nghiệp sẽ gắn với đổi mới sáng tạo, dựa trên tài sản trí tuệ để tạo sự tăng trưởng nhanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên trí tuệ con người thông qua đổi mới sáng tạo, có đơn vị trung gian để kết nối nhà đầu tư với doanh nghiệp khởi nghiệp.

 

Thời gian tới, Bộ KH-CN sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ chế thu hút đầu tư cho KNĐMST từ nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đặc biệt là kiều bào, trí thức Việt Nam ở nước ngoài; nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế hỗ trợ việc thoái vốn đầu tư; nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp KNĐMST thông qua việc khuyến khích khu vực công lắp đặt, mua hàng của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; nghiên cứu, xây dựng chính sách thuận lợi về thị thực cho cá nhân người nước ngoài tới Việt Nam để xây dựng doanh nghiệp KNĐMST hay đầu tư và tìm kiếm cơ hội đầu tư cho KNĐMST.

 

ÔNG LÊ HOÀNG THÔNG, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT VẬT LIỆU XÂY DỰNG BÍCH HỢP: KNĐMST chưa bao giờ là con đường bằng phẳng

 

 

Khởi nghiệp với hầu hết mọi người chưa bao giờ là con đường bằng phẳng. Với tỉ lệ thất bại lên đến 80-90% thì tồn tại và phát triển luôn là mục tiêu hướng tới của doanh nghiệp khởi nghiệp, cũng như các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho hoạt động này.

 

Khởi nghiệp là một hành trình và doanh nghiệp KNĐMST là tổ chức thử nghiệm có tính tạm thời trong quá trình tìm kiếm một mô hình kinh doanh bền vững. Hành trình này đi được đến đâu là dựa vào tầm nhìn của người sáng lập. Tuy nhiên, bản thân người sáng lập cũng không biết rõ con đường mình đi, không thấy điểm đầu, điểm cuối và sự gập ghềnh của nó. Tất cả chỉ có sự phỏng đoán. Vì vậy, để hành trình này kéo dài, cần sự kiểm định, cần sức chịu đựng và lòng dũng cảm.

 

Các nhà KNĐMST thường dựa vào ý chí chủ quan của bản thân và tiếp nhận những ý kiến chủ quan khác nên cho rằng sản phẩm của mình là tốt. Nhưng thực tế, khi đưa ra thị trường, 90% sản phẩm này thất bại vì không phù hợp với khách hàng. Vì vậy, “tốt nghiệp” KNĐMST chỉ mới là bước đầu. Và khó khăn phía trước vẫn còn nguyên vẹn.

 

SINH VIÊN NGUYỄN TRẦN TÚ UYÊN, TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP TP HỒ CHÍ MINH: KNĐMST rất cần sự hỗ trợ

 

 

Em và nhóm bạn cùng tham gia Cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp Phú Yên năm 2018 do Hội LHTN Việt Nam tỉnh và Hội Doanh nhân trẻ Phú Yên tổ chức với sản phẩm Thùng gạo IOT. Em làm sản phẩm này hướng tới mục tiêu khách hàng là các đại lý bán gạo sỉ lẻ.

 

Cụ thể, các đại lý gạo sẽ mua thùng gạo đặt ở nhà khách hàng, khi hết gạo, thùng gạo sẽ báo về đại lý cung cấp để họ tiếp tục đưa gạo tới. Sản phẩm này đã được một đại lý gạo ở đồng bằng Sông Cửu Long đặt hàng nhưng em chưa ký kết cung cấp sản phẩm mà muốn sản phẩm được giới thiệu rộng rãi ra thị trường, được cọ xát và nhận phản hồi của người sử dụng để nhóm em có thể hoàn thiện sản phẩm ở mức cao hơn.

 

Để làm được điều này, tụi em rất cần sự hỗ trợ từ địa phương trong việc tạo cơ hội cho các em tham gia các kỳ hội chợ thương mại, hội chợ triển lãm và hỗ trợ kinh phí để thử nghiệm sản phẩm.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek