Chủ Nhật, 27/10/2024 03:25 SA
Kết thúc Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018: An toàn, nghiêm túc, đúng quy chế
Thứ Năm, 28/06/2018 08:24 SA

Kết thúc Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Cụm thi 37 của tỉnh Phú Yên không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi - Ảnh: THÚY HẰNG

Ngày 27/6, các thí sinh làm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội gồm các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Đây là bài thi cuối cùng trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018. Theo ghi nhận, tình hình thi bài thi tổ hợp Khoa học xã hội trong ngày thi cuối cùng tại các điểm thi tiếp tục được duy trì trong an toàn, trật tự, không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi. Như vậy, kết thúc 2,5 ngày thi, toàn tỉnh không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi.

 

Tại Cụm thi tỉnh Phú Yên, năm nay, số lượng thí sinh đăng ký dự thi bài thi tổ hợp Khoa học xã hội cao nhất, chiếm hơn 50% số lượng thí sinh dự thi. Cụ thể, môn Lịch sử có 6.874 thí sinh đăng ký dự thi, môn Địa lý có 6.680 thí sinh đăng ký dự thi và môn Giáo dục công dân có 6.441 thí sinh đăng ký dự thi. Theo báo cáo của cụm thi, trong bài thi cuối cùng này có 108 thí sinh vắng thi.

 

Mỗi môn thành phần của bài thi Khoa học xã hội có 40 câu hỏi trắc nghiệm, làm trong 50 phút. Đa số thí sinh nhận định, đề thi vừa sức nhưng vẫn có tính phân loại thí sinh. Đề thi môn Lịch sử lần đầu xuất hiện câu hỏi thuộc chương trình Lịch sử lớp 11 trong đề thi THPT quốc gia với 8 câu hỏi (chiếm 20%). Các câu hỏi này chủ yếu ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Các câu hỏi nằm trong chương trình lớp 12, tập trung hỏi về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1945-1975. Đề thi môn Địa lý có nhiều câu hỏi mở, hỏi về khoáng sản, tiềm năng kinh tế trên biển Đông. Đề thi môn Giáo dục công dân có nhiều câu hỏi tình huống, trong đó có nhiều câu về quyền công dân có thể thực hiện và những điều bị pháp luật điều chỉnh.

 

Thí sinh Huỳnh Bảo Yên, Trường THPT Lê Thành Phương và mẹ phấn khởi khi đã hoàn thành kỳ thi - Ảnh: HÀ MY

 

Tại điểm thi Trường THCS Hùng Vương, trao đổi với nhau sau khi kết thúc giờ làm bài, nhóm thí sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cho rằng ngoài môn Lịch sử khó, môn Địa lý và môn Giáo dục công dân vừa sức. Thí sinh La Bá Thị Sen chia sẻ: “Đề môn Lịch sử dàn trải các phần kiến thức của chương trình lớp 12, trong đó có 15 câu về lịch sử thế giới. Đề thi bao quát, có khoảng 10-12 câu hỏi so sánh phải suy luận mới làm được. Đề Địa lý không khó, mấy câu hỏi trong Atlat dễ. Đề môn Giáo dục công dân có mấy câu tình huống hơi dài, còn lại là kiến thức cơ bản. Em thi được khoảng 50-60%/môn”.

 

Thí sinh Nguyễn Phạm Minh Ngọc, Trường THPT Ngô Gia Tự, cho hay: “Em thi khối D, dùng bài thi Khoa học xã hội để xét tốt nghiệp THPT. Hai môn Địa lý và Giáo dục công dân, em làm được trên 50%. Môn Lịch sử hơi khó, em chỉ làm được khoảng 40%. Nếu ôn kỹ và nắm chắc kiến thức thì có thể đạt điểm 6-7 môn Địa lý và môn Giáo dục công dân. Còn môn Lịch sử khó lấy được điểm 8 trở lên”.

 

Đề thi THPT quốc gia gắn liền hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào cao đẳng, đại học. Vì vậy, cũng như các bài thi trước, các môn thi của bài thi Khoa học xã hội gồm 60% là kiến thức cơ bản, 40% kiến thức nâng cao để phân loại thí sinh. Năm 2018, kỳ thi được mở rộng ra với nội dung 20% lớp 11. Do đó, thí sinh nắm chắc kiến thức mới làm được bài.

 

TS PHẠM VĂN CƯỜNG, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG THI CỤM THI CỦA TỈNH: 

Ngày 11/7 sẽ công bố kết quả thi 

 

Ngay sau khi môn thi cuối cùng kết thúc, Báo Phú Yên đã có trao đổi với TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, đơn vị chủ trì Cụm thi 37 của tỉnh. TS Phạm Văn Cường cho biết: Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, quán triệt tinh thần và quy chế thi nên việc tổ chức thi tại 25 điểm thi trên địa bàn tỉnh được bảo đảm. Kết thúc 2,5 ngày thi, không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi. Thí sinh làm bài thi nghiêm túc, giám thị coi thi nêu cao tinh thần trách nhiệm nên không có tình trạng buông lỏng, dễ dãi trong quá trình coi thi. Đặc biệt, sự phối hợp nhịp nhàng của chính quyền các địa phương, các trường đại học, các lực lượng công an, y tế, điện lực, thông tin - truyền thông… đã góp phần tạo nên thành công của kỳ thi.

 

Hôm nay (28/6), Cụm thi 37 bắt đầu công tác chấm thi với số lượng giáo viên chấm thi hơn 110 người được lựa chọn từ đội ngũ giáo viên có nhiều kinh nghiệm thuộc các trường THPT trong tỉnh. Hội đồng chấm thi đặt tại Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Năm nay, việc chấm bài thi tự luận được thực hiện chặt chẽ hơn, đó là bố trí cán bộ chấm thi lần thứ nhất và lần thứ hai ngồi ở hai phòng chấm khác nhau. Mỗi bài thi tự luận được hai cán bộ chấm thi chấm độc lập. Cán bộ chấm thi lần thứ nhất chấm trên phiếu chấm cá nhân; cán bộ chấm thi lần thứ hai chấm trên bài thi và ghi điểm vào phiếu ghi điểm. Trưởng môn chấm thi nghiêm túc kiểm tra, giám sát việc chấm thi của các cán bộ chấm thi trong tổ chấm thi. Cán bộ chấm thi không được sửa chữa điểm trên phiếu chấm, phiếu ghi điểm và trên bài thi trong quá trình thống nhất điểm. Quá trình chấm thi dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 10/7. Ngày 11/7 sẽ công bố kết quả thi THPT quốc gia 2018.

 

Ngay sau khi công bố kết quả thi, mọi thí sinh đều có quyền phúc khảo bài thi. Thí sinh đăng ký dự thi ở đâu thì nộp đơn phúc khảo ở nơi đó. Trường phổ thông, nơi thí sinh đăng ký dự thi, nhận đơn xin phúc khảo của thí sinh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi và chuyển dữ liệu thí sinh xin phúc khảo đến hội đồng thi. Chậm nhất đến ngày 28/7, hội đồng thi sẽ công bố và gửi kết quả phúc khảo cho thí sinh.

 

QUỲNH ANH (thực hiện)

 

CÔ NGUYỄN THỊ CẨM GIAO, TỔ TRƯỞNG TỔ LỊCH SỬ TRƯỜNG THPT NGUYỄN THỊ MINH KHAI: Đề Lịch sử đáp ứng được mục tiêu giáo dục phát triển năng lực 

 

Trong 40 câu của đề Lịch sử có 8 câu là kiến thức lớp 11, đều là phần kiến thức cơ bản và học sinh đã được thầy cô ôn luyện nhiều; các câu hỏi còn lại trải đều ở các giai đoạn lịch sử của chương trình Lịch sử thế giới và Việt Nam lớp 12. Với thể thức ra đề như hiện nay, học sinh phải biết khái quát kiến thức một cách cơ bản và có hệ thống, không thể học lệch, học tủ.

 

Các câu hỏi của đề Lịch sử thiết kế rất hay, theo 4 cấp độ nhận thức của học sinh là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Để đạt điểm tuyệt đối, đòi hỏi học sinh phải có kiến thức lịch sử sâu, rộng, biết vận dụng, liên hệ tốt. Với cách ra đề như năm nay, tôi đánh giá tích cực về đề, đó là bên cạnh sự phân hóa rất tốt thí sinh, đề thi cũng đã chuyển tải được nội dung cơ bản, định hướng được học sinh và đáp ứng được mục tiêu giáo dục phát triển năng lực.

 

Theo tôi, đề Lịch sử năm nay không yêu cầu học sinh ghi nhớ máy móc, định hướng được công tác giảng dạy môn Lịch sử trong trường THPT.

 

THẠC SĨ TRẦN THỊ THANH THU, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT NGUYỄN TRƯỜNG TỘ: Đề thi không đánh đố thí sinh 

 

Cấu trúc đề thi Địa lý năm nay giống với đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT đã công bố trước đó. Vì thế không có gì bất ngờ đối với thí sinh. Tuy nhiên, do đề bao quát kiến thức cả chương trình lớp 11, 12 nên hơi dài, yêu cầu học sinh phải biết kỹ năng đọc hiểu và tổng hợp kiến thức. Ngoài những câu hỏi chỉ cần kiến thức cơ bản, đề thi còn yêu cầu thí sinh phải biết vận dụng và có tư duy liên hệ thực tiễn bằng kiến thức địa lý.

 

Mức độ khó của đề năm nay tăng so với đề năm 2017. Số lượng câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải tư duy nhiều hơn. 40 câu hỏi được sắp xếp theo mức độ khó tăng dần, trong đó 20 câu đầu phù hợp với các thí sinh lựa chọn thi tốt nghiệp THPT, các câu hỏi về sau dùng để phân loại thí sinh muốn lấy điểm xét đại học. Đặc biệt là các câu hỏi cuối của đề thi, thí sinh phải đọc kỹ, phải có tư duy phản biện và hiểu rõ bản chất vấn đề mới có thể đưa ra được phương án trả lời đúng.

 

Nếu so sánh với các đề lần trước thì đề lần này mang tính tư duy cao hơn và có sự phân hóa các đối tượng học sinh ở mức độ trung bình, khá và giỏi rõ nét hơn. Phổ điểm trung bình sẽ nhiều, còn đạt điểm 9-10 sẽ không nhiều.

 

THẦY NGUYỄN PHI TÍN, GIÁO VIÊN MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN TRƯỜNG THPT CHUYÊN LƯƠNG VĂN CHÁNH: Học sinh phải biết suy luận, tổng hợp kiến thức đã học 

 

Đề thi năm nay hay, vừa sức với học sinh, có sự phân hóa hơn so với đề thi năm trước. Cấu trúc đề tương tự như đề thi minh họa do Bộ GD-ĐT công bố trước đó với các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

 

Đề có 8 câu hỏi thuộc về chương trình lớp 11, còn lại là chương trình lớp 12. Nội dung rất phong phú, trải đều trong các bài học, tập trung vào các quyền của công dân và những điều công dân không được làm, trong đó có câu hỏi liên quan đến việc phòng chống tham nhũng.

 

So với đề thi năm trước, số lượng các câu tình huống ở đề thi năm nay nhiều hơn, độ khó cũng cao hơn. Một số tình huống liên quan đến nhiều bài học khác nhau nên để trả lời được, học sinh phải chú ý đọc kỹ câu dẫn đề, nắm vững các quyền của công dân để từ đó có suy luận, tổng hợp các kiến thức đã học, xác định được chủ thể vi phạm.

 

Với đề thi này, học sinh khó đạt điểm tối đa, phổ điểm 5-7 nhiều. Khả năng năm nay điểm sẽ thấp hơn năm trước.

  

THÚY HẰNG - HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek