Nghị định 119/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/12/2017 bổ sung một số quy định trong việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hàng hóa. Song song với việc tổ chức tập huấn, tuyên truyền để các đơn vị sản xuất, kinh doanh nắm rõ quy định mới, hoạt động thanh tra, kiểm tra cũng sẽ được Sở KH-CN Phú Yên phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh nhằm góp phần đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh đi vào nề nếp.
Nhiều quy định mới trong xử lý vi phạm
Theo Nghị định 119/2017/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 119) có hiệu lực từ 15/12, những tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải chịu hình thức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Ông Phan Minh Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Bộ KH-CN), cho biết tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt như: tước quyền sử dụng có thời hạn từ 1-6 tháng những giấy chứng nhận, giấy phép liên quan đến hoạt động kinh doanh; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1-3 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Ngoài hình thức xử phạt chính, Nghị định 119 còn quy định các hình thức xử phạt bổ sung như: buộc các cá nhân, tổ chức tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa, phương tiện đo, chuẩn đo lường vi phạm gây hại sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện vi phạm; cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh; nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật; thu hồi sản phẩm, hàng hóa hoặc phương tiện đo, chất chuẩn, chuẩn đo lường vi phạm đã lưu thông; thu hồi những giấy chứng nhận, chứng chỉ liên quan đến sản phẩm hàng hóa vi phạm; thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng …
Ngoài các quy định trên, một trong những nội dung mới, đáng chú ý của nghị định này là quy định về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong sản xuất mũ bảo hiểm và kinh doanh xăng dầu. Cụ thể, hành vi sản xuất mũ bảo hiểm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm hoặc sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm đã hết hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng; các hành vi sản xuất, pha chế khí, xăng dầu khi chưa được cấp giấy chứng nhận hoặc sử dụng giấy chứng nhận đăng ký cơ sở pha chế khí, xăng dầu đã hết hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 40-60 triệu đồng. Trong cả hai trường hợp vi phạm trên, đối tượng vi phạm sẽ bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, buộc thu hồi các giấy chứng nhận liên quan đến sản phẩm.
Ngoài ra, cũng theo Nghị định 119, hành vi vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa trong kinh doanh sản phẩm, hàng hóa sẽ bị phạt tiền với mức tối thiểu là 500.000 đồng và tối đa là 30 triệu đồng, tùy vào giá trị của hàng hóa; phạt cảnh cáo nếu lợi dụng giải thưởng chất lượng quốc gia được trao tặng để gây hại đến uy tín của giải thưởng; phạt tiền từ 30-70 triệu đồng nếu vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất ô xy hóa, các hợp chất ô xít hữu cơ, các chất ăn mòn khi chưa được cấp giấy phép.
Tăng cường thanh, kiểm tra bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Theo ông Trần Phú Hà, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở KH-CN Phú Yên), việc tổ chức hội nghị tập huấn nhằm tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đến các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để giúp các đơn vị này hiểu rõ quy định pháp luật; qua đó một mặt giúp các cơ sở này thực hiện đúng pháp luật, hoạt động hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, mặt khác giúp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cũng theo ông Trần Phú Hà, để việc thực thi nghị định tạo được sự đồng thuận, hiện các sở, ban ngành liên quan đang đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng hơn cho các cơ sở kinh doanh về các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng bằng cách tổ chức các hội nghị tập huấn, triển khai các quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng; cảnh báo các nguy cơ nếu vi phạm pháp luật (đưa thông tin các cơ sở có hành vi gian lận lên các phương tiện thông tin đại chúng…); khuyến cáo về đạo đức và văn hóa kinh doanh đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Song song với đó, Sở KH-CN vẫn tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo định kỳ, đồng thời tập trung đẩy mạnh hoạt động này vào những tháng cuối năm để góp phần đưa các hoạt động kinh doanh đi vào nề nếp.
Theo số liệu của Sở KH-CN Phú Yên, trong năm 2017, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng đã phối hợp với Thanh tra Sở KH-CN thanh tra 94 phương tiện đo tại 35 cơ sở kinh doanh xăng dầu của TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu và các huyện trên địa bàn tỉnh, đồng thời thanh tra 18 cơ sở kinh doanh hàng hóa gồm: đồ điện, điện tử, vàng trang sức mỹ nghệ và mũ bảo hiểm tại TP Tuy Hòa. Bên cạnh đó, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng còn phối hợp với đoàn thanh tra liên ngành do Sở Công thương Phú Yên chủ trì, kiểm tra 17 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh. Kết quả, 8.180/8.194 phương tiện đo được kiểm định đạt yêu cầu.
Thời điểm cuối năm, hoạt động thanh, kiểm tra tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng các sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường được các ngành chức năng đẩy mạnh nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Hoạt động này sẽ góp phần thiết thực trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh đi vào nề nếp.
THÁI HÀ