Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Điểm nổi bật của dự thảo lần này là cho phép các trường có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu được kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh.
Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, Bộ GD-ĐT cũng bổ sung để nhấn mạnh quy định: Việc tuyển sinh THCS phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn. Điều này có nghĩa tất cả học sinh được quyền vào học trường THCS đúng tuyến có thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS. Chỉ trường không thực hiện nhiệm vụ phổ cập mới được kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực để chọn lựa học sinh.
Theo ông Dương Bình Luyện, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Phú Yên), lâu nay các trường THCS trên địa bàn tỉnh đều áp dụng theo phương thức xét tuyển thông thường theo quy định của từng huyện, thị, thành phố. Trong đó tiêu chí cao nhất là bố trí chỗ học lớp 6 cho học sinh là theo hộ khẩu. Tuy nhiên, chính điều này cũng làm cho nhiều học sinh chủ quan, đồng thời chưa đánh giá phân loại được học sinh, nhất là khi hiện nay việc đánh giá học sinh ở bậc tiểu học phần lớn mang tính chất động viên là chủ yếu. Vậy nên, nếu việc tuyển sinh vào lớp 6 có thêm phần kiểm tra, đánh giá năng lực thì càng tốt, qua đó giúp công tác phân loại học sinh được tốt hơn. Tuy nhiên, để việc kiểm tra, đánh giá năng lực mang tính khách quan, công bằng thì bộ cần phải đưa ra tiêu chí, hình thức cụ thể trong kiểm tra, đánh giá năng lực, tránh tình trạng mỗi trường làm mỗi kiểu.
Thông thường để đảm bảo công tác phổ cập THCS, hầu hết các trường xét tuyển học sinh theo địa bàn cư trú, phân bổ chỉ tiêu để đảm bảo hài hòa chỗ học cho học sinh. Vậy nên, theo các trường, việc khảo sát năng lực chỉ nên áp dụng với trường chuyên để chọn lọc theo tiêu chí. Còn lại các nơi tổ chức phân tuyến, phân bổ, thống kê từ cuối các năm học để học sinh đủ chỗ học theo địa bàn, tránh việc học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu. Cách tuyển sinh vào lớp 6 như hiện nay khá ổn định. Nhà giáo Ưu tú Dương Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản, cho hay: Với cách tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực sẽ tạo điều kiện cho các trường thuận lợi hơn trong việc tuyển sinh một cách khách quan, công bằng và hiệu quả. Tuy nhiên, trên thực tế có thể thấy việc nhận được số hồ sơ vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh của các trường chủ yếu xảy ra ở một số trường ở các thành phố lớn. Còn tỉnh ta, việc phổ cập học sinh cấp THCS được thực hiện ở tất cả các địa phương nên học sinh cơ bản đều được đảm bảo trường lớp để được đi học. Vậy nên theo tôi việc áp dụng hình thức xét tuyển bằng việc kiểm tra năng lực là không cần thiết để tránh áp lực cho học sinh.
Cùng quan điểm này, thầy Nguyễn Xuân Sơn, Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương, chia sẻ: Nếu dự thảo này được áp dụng, đối với những em không vượt qua khảo sát dù vẫn đúng tuyến ở các trường THCS công lập sẽ đi đâu, về đâu? Bởi không phải ở tất cả các tỉnh, thành phố, hệ thống trường ngoài công lập đều phát triển. Thậm chí một số trường được tuyển sinh theo hình thức khảo sát năng lực sẽ gây thêm áp lực cho học sinh và phụ huynh. Khi đó, vô tình chúng ta tạo ra trường “điểm” và phụ huynh, học sinh sẽ làm mọi cách như ôn luyện, luyện thi để vào được đây.
Theo dự thảo, các trường muốn tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực cần xây dựng đề án tuyển sinh riêng trình các cấp quản lý tại địa phương phê duyệt. Đối với các trường THCS trên địa bàn tỉnh, TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, cho hay: Tỉ lệ cạnh tranh vào lớp 6 ở các trường THCS không nhiều, nếu có chăng cũng chỉ một vài trường ở địa bàn TP Tuy Hòa. Nếu dự thảo này được thông qua, Sở GD-ĐT sẽ căn cứ vào tình hình thực tế tuyển sinh của các địa phương để có sự chỉ đạo cụ thể.
MẠNH THÚY