Ngày 20/12, Ấn Độ đã đưa vào thử nghiệm "vòi rồng chống khói" ở thủ đô New Delhi. Nhà chức trách hy vọng sáng chế mới này sẽ làm trong sạch bầu trời đang ô nhiễm nghiêm trọng tại đây.
Theo đó, vòi rồng trên, có hình dạng giống một máy sấy tóc phiên bản phóng đại được đặt sau một xe tải, đã được đưa vào thử nghiệm tại khu vực Anand Vihar ở phía Đông thủ đô New Delhi, tiếp giáp một khu công nghiệp và thường xuyên phải hứng chịu bầu không khí dày đặc khói bụi.
Trang web của Đại sứ quán Mỹ tại Ấn Độ ghi nhận chỉ số chất lượng không khí PM 2,5 (các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet có thể gây ra các cơn đau tim, đột quỵ, ung thư phổi và các bệnh khác về đường hô hấp khi hít phải chúng) trong ngày 20/12 tại Anand Vihar là 308, cao hơn 15 lần so với tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Nhà sản xuất Cloud Tech cho biết với việc phun nước ở tốc độ cao 100 lít/phút, vòi rồng chống khói có thể gột rửa sạch tới 95% các chất gây ô nhiễm trên không trung. Nhờ tính năng vượt trội được thiết kế nhằm chống khói bụi tại các khu khai mỏ và công trường xây dựng, sáng chế này có trị giá lên tới 31.000 USD.
Tuy nhiên, Cloud Tech cũng thừa nhận chỉ 1 hoặc 2 vòi rồng chống khói sẽ không thể ngăn chặn hiệu quả bầu không khí ô nhiễm ở mức cao hiện nay tại New Delhi, thay vào đó phải cần tới 30 đến 40 vòi rồng loại này.
Lãnh đạo Sở Môi trường New Delhi nhấn mạnh nếu cuộc thử nghiệm thành công, chính quyền thành phố sẽ xem xét triển khai trên khắp các tuyến đường ở New Delhi sớm nhất có thể. Tuy nhiên, Tổ chức môi trường Hòa bình Xanh nhận định đây "hoàn toàn không phải là một giải pháp" để có thể ngăn chặn hiệu quả tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng vào mùa đông ở New Delhi từng được người đứng đầu chính quyền thành phố mô tả như "một căn phòng đầy khí độc gây chết người".
Lý giải cho nhận định này, đại diện của tổ chức trên cho rằng các giải pháp thực sự để ngăn chặn ô nhiễm môi trường nằm ở việc kiểm soát tận gốc khí thải độc hại, thay vì phun nước gột rửa chúng. Các giải pháp này cũng cần đảm bảo tính bền vững hơn là tạo lợi thế kinh doanh cho một vài công ty.
Kể từ đầu tháng 11, chính quyền thủ đô New Delhi đã tuyên bố tình trạng ô nhiễm khẩn cấp khi lượng khói độc vượt ngưỡng cho phép trong nhiều ngày liên tiếp do hoạt động đốt rơm rạ sau vụ mùa tại các bang làm nông nghiệp lân cận, khí thải từ các phương tiện vận tải cùng lượng khói bụi từ các công trình xây dựng.
Trước đó, năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá New Delhi là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới, nơi mà không khí sạch "gần như không có" khi luôn chìm trong khói bụi.
Dù giới chức Ấn Độ đã đóng cửa tạm thời các nhà máy điện và thử nghiệm giải pháp hạn chế ô tô lưu thông trên đường theo ngày chẵn lẻ nhưng những biện pháp tình thể này vẫn chưa thu được hiệu quả cao.
Theo TTXVN, Vietnam+