Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ 7 cho thấy sự lan tỏa mạnh mẽ khi thu hút được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của đông đảo tầng lớp nhân dân; đồng thời quy tụ nhiều giải pháp có khả năng ứng dụng cao, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội tích cực. Từ khi được tổ chức lần thứ nhất cho đến nay, hội thi đã thực sự trở thành sân chơi ý nghĩa của những người có chung niềm đam mê nghiên cứu.
Tác giả Nguyễn Duy Tâm (phải) giới thiệu sản phẩm igloves - găng tay hỗ trợ giao tiếp cho người câm điếc đến ban giám khảo - Ảnh: THÁI HÀ |
Lan tỏa mạnh mẽ
Cứ hai năm một lần, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lại được tổ chức nhằm chọn lựa và vinh danh những tác giả có giải pháp sáng tạo hội tụ các tính mới, tính ứng dụng thực tiễn cao và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Qua 7 lần diễn ra, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh đã trở thành một sân chơi ý nghĩa, nơi những người có niềm đam mê sáng tạo kỹ thuật có thêm động lực để biến ý tưởng thành hiện thực. Không phân biệt tuổi tác của các tác giả; đối tượng tham gia hội thi hoạt động đa dạng ở mọi ngành nghề, lĩnh vực; số lượng giải pháp năm sau nhiều hơn năm trước… Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh đã cho thấy sức hút và sự lan tỏa mạnh mẽ.
Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 7 quy tụ hơn 80 giải pháp đến từ các địa phương trên toàn tỉnh. Trong số đó, có nhiều tác giả là những gương mặt quen từ các hội thi trước nhưng cũng có nhiều tác giả mới chỉ lần đầu tham gia nên còn rất bỡ ngỡ. Nổi bật trong hội thi năm nay là các giải pháp đến từ các tác giả hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn có một số giải pháp của các tác giả là người dân lao động phổ thông, đã nảy ra sáng kiến từ chính trong đời sống và sản xuất.
Anh Đặng Xuân Thanh là giáo viên dạy môn Vật lý Trường THCS Suối Trai, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa. Quê anh nổi tiếng với món thịt bò vàng một nắng chấm muối kiến vàng. Thế nhưng, nếu như trước đây, thịt bò phơi một nắng theo kiểu thủ công tốn rất nhiều thời gian, công sức và không đảm bảo vệ sinh thì nay, anh Thanh đã tự chế tạo ra chiếc máy sấy thịt bò cho ra chất lượng sản phẩm giống như phơi truyền thống nhưng có nhiều ưu điểm hơn. Để thực hiện giải pháp này, anh Thanh cho dòng điện chạy qua điện trở để phát sinh nhiệt. Sau đó, anh Thanh lắp thêm những cánh quạt để tản nhiệt từ điện trở ra các khay phơi thịt bò. Cuối cùng, anh lắp thêm một quạt hút để hút phần hơi ẩm từ trong thịt đi ra tránh cho việc hơi ẩm đọng thành nước rơi xuống lại các khay thịt. Giải pháp trên được anh Thanh áp dụng từ hai năm nay, phục vụ việc sấy gia công thịt bò, chuối khô, dưa món và cho thấy hiệu quả kinh tế rất rõ rệt.
Hội thi năm nay có sự “tái xuất” của tác giả Ngô Huỳnh Ngọc Khánh, đã từng tham gia hội thi lần thứ 5 và lần này Khánh tham gia với giải pháp kLaser Cutter - Máy cắt laser công nghệ IoT từng được Khánh giới thiệu trước Tổng thống Mỹ Obama khi ông đến thăm Việt Nam vào năm 2016. Đây là máy cắt laser có công nghệ tiên tiến với độ chính xác cao, cắt được những hoa văn được thiết kế phức tạp. Giải pháp trên được ban tổ chức đánh giá cao và mang về cho Khánh giải nhất tại hội thi.
Giải pháp được chú trọng đầu tư
Theo ThS Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh, những hội thi lần sau, các giải pháp tham gia càng công phu và được các tác giả đầu tư kỹ lưỡng. Điều này cho thấy Hội thi Sáng tạo kỹ thuật không những có sức lan tỏa mạnh mà còn đi vào chiều sâu, tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực.
Bác sĩ Lê Bá Thính, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên mất 6 năm làm việc miệt mài, nghiêm túc để tạo ra giải pháp Thư viện e book y dược. Theo tác giả Lê Ba Thính, giải pháp này là sự tổng hợp của rất nhiều sách y học có giá trị, tương đương với khoảng 6 tấn sách hoặc 500 đĩa CD và nếu mua sách giấy sẽ mất khoảng 6 tỉ đồng. Trong Thư viện e book y dược có tất cả các loại sách tiếng Việt, tiếng nước ngoài, sách y dược của cả Đông và Tây y. Với giải pháp này, bác sĩ Lê Bá Thính cho biết có thể để dữ liệu trong bộ nhớ để sử dụng cá nhân, hoặc cho vào máy tính chủ sử dụng qua mạng LAN nội bộ ở các bệnh viện hoặc lập một trang web trên internet để mọi người có thể truy cập. Đây là một “kho” tài liệu được tập hợp từ rất nhiều website y tế, thư viện của các trường đại học, các sách, báo tạp chí trong và ngoài nước và là tài liệu hữu ích cho sinh viên ngành Y, cho giới nghiên cứu khoa học tham khảo; đồng thời người dân cũng có thể khai thác các thông tin y học thường thức phục vụ việc chăm sóc sức khỏe. Giải pháp của bác sĩ Lê Bá Thính đạt giải nhì tại hội thi.
Giải pháp sấy bò một nắng của tác giả Đặng Xuân Thanh đang được phát huy tốt trong thực tiễn. Hiện anh Thanh đang dự định tìm đối tác để đặt cơ sở sấy gia công bò khô và thực phẩm khác tại TP Tuy Hòa. Bà Huỳnh Thị Kim Ánh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường đánh giá rất cao giải pháp của anh Đặng Xuân Thanh. Bà Ánh cho rằng giải pháp này có nguyên lý hoạt động mang tính khoa học, giá thành không cao nhưng mang lại hiệu quả xã hội cao và đã áp dụng thành công trong thực tế.
Nhận xét về hội thi năm nay, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Phụ sản cho rằng, các giải pháp dự thi càng về sau càng có chiều sâu hơn các năm trước. Vì vậy, ban tổ chức cần chọn lựa, phân loại các giải pháp theo nhiều cấp độ để có sự đánh giá chính xác và cần có sự kết nối với lãnh đạo tỉnh, các chuyên gia, nhà sản xuất để nếu có giải pháp xuất sắc, họ sẽ có định hướng để hoàn chỉnh, phát triển thêm và đưa giải pháp ứng dụng vào thực tế.
Phát biểu tại lễ tổng kết và trao giải hội thi năm nay, đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Hội thi đã làm dấy lên một phong trào thi đua lao động sáng tạo sâu rộng trong các cơ quan, trường học, doanh nghiệp và người lao động với đầy đủ các thành phần tham gia như: sinh viên, giáo viên, giảng viên, nông dân, công nhân, kỹ sư, bác sĩ… Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Ban tổ chức hội thi cần chủ động, tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương; các hội, đoàn thể và đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đảm bảo hội thi được triển khai sâu, rộng và kịp thời đến từng địa bàn dân cư nhằm khơi dậy phong trào thi đua, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của mọi tầng lớp nhân dân để áp dụng vào sản xuất và đời sống; góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. |
AN NAM