Hội đồng phản biện Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh vừa tổ chức Hội nghị khoa học phản biện dự án “Quy hoạch cấp nước vùng trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050”. Dự án do Sở Xây dựng Phú Yên làm chủ đầu tư.
Hội đồng phản biện được giao nhiệm vụ phân tích, đánh giá toàn diện nội dung của dự án; đánh giá mức độ cụ thể, rõ ràng, phù hợp, độ tin cậy, xác thực, cập nhật các số liệu, tư liệu; đánh giá những vấn đề mới có giá trị khoa học và thực tiễn, tính khả thi của dự án quy hoạch; các kiến nghị sửa đổi bổ sung về nội dung dự án cho phù hợp với yêu cầu thực tế quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Phú Yên đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.
TS Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên hội đồng phản biện cho rằng trong dự thảo báo cáo quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Phú Yên đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, tư tưởng của nhà lập quy hoạch vẫn chưa thoát khỏi tình trạng đi theo lối mòn. Cụ thể, nhà lập quy hoạch chưa cập nhật tiến bộ, ứng dụng thiết bị công nghệ mới trong chọn lựa thiết bị công nghệ nhà máy, vẫn ứng dụng các thiết bị lạc hậu, trong khi đó, hiện nay Singapore là quốc gia láng giềng của Việt Nam đã lọc nước biển thành nước ngọt và đáp ứng được 75% nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, quy hoạch cần chọn lựa, giới thiệu một số mẫu thiết bị cấp nước mini phù hợp với thị trấn, thị tứ, khu vực đông dân tập trung, có quy mô đầu tư nhỏ và dễ huy động nguồn xã hội hóa. Quy hoạch cũng cần xây dựng ý thức tiết kiệm nước, tái chế nước và bảo vệ an toàn nguồn nước.
Việc lập quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Phú Yên đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 hoặc lâu hơn nữa được các thành viên hội đồng phản biện nhận định là cần thiết, giúp cho việc đề ra chiến lược, quản lý xây dựng trong cung cấp nước đạt hiệu quả trong tương lai. Tuy nhiên, báo cáo đưa ra chưa thuyết phục, những đề xuất còn chung chung và còn mang tính chủ quan nên nhóm tác giả cần chỉnh sửa, bổ sung để làm rõ các vấn đề; đồng thời hoàn thiện theo ý kiến các thành viên hội đồng đã nêu.
THÁI HÀ