Xác định nâng cao chất lượng giáo dục có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp “trồng người”, nhiều năm qua, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ngành GD-ĐT Phú Yên không ngừng đổi mới về mọi mặt, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường. Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2017), Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với TS Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên về nội dung này.
TS Phạm Văn Cường |
* Theo ông, đâu là điểm mạnh của ngành Giáo dục Phú Yên trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT?
- Trong những năm qua, với sự quyết tâm thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, thầy và trò toàn ngành đã hết sức quyết tâm tìm mọi biện pháp để triển khai thực hiện đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng GD-ĐT và đã đạt được những kết quả mang tính đột phá. Đó là đã tạo được động lực và khí thế mới cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành quyết tâm đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT.
Quy mô trường lớp ngày càng được củng cố, mở rộng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngày càng được tăng cường đảm bảo đủ để học sinh học tập, nghiên cứu, thực hành. Toàn tỉnh hiện có 160/446 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 35,9%; chất lượng giáo dục được giữ vững và từng bước nâng cao.
Hàng năm, học sinh Phú Yên đạt nhiều giải cao về cá nhân và toàn đoàn trong tất cả các kỳ thi cấp quốc gia và khu vực được Bộ GD-ĐT tặng nhiều bằng khen và huy chương. Đặc biệt là năm học 2016-2017, toàn tỉnh có 15 học sinh đạt học sinh giỏi cấp quốc gia; tốt nghiệp THPT đạt 97,13% (tăng 12,3% so với năm học 2015-2016); có hàng ngàn học sinh các cấp đã vượt khó học tập và đạt học sinh xuất sắc trong các kỳ thi quốc gia, khu vực…
Hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS được giữ vững và từng bước nâng cao mức độ; giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên và phong trào xã hội học tập từng bước được củng cố, phát triển, mở rộng đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên của nhân dân.
Kết quả này không chỉ thể hiện sự phấn đấu, nỗ lực của thầy và trò trong dạy và học, đó còn là sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh.
* Trong đổi mới, đội ngũ nhà giáo được coi là yếu tố quyết định thành công. Đội ngũ nhà giáo của tỉnh ta đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới?
- Nâng cao chất lượng giáo dục trước hết phải xuất phát từ chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên (CBGV). Xác định rõ điều này, ngành Giáo dục tỉnh đã tích cực triển khai, đổi mới các chuyên đề, hội thảo, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để CBGV tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Hiện toàn ngành có khoảng 12.000 CBGV, nhân viên với 99,5% có trình độ đạt chuẩn, trong đó tỉ lệ CBGV trên chuẩn đạt 70,1%. Toàn ngành hiện có 245 thạc sĩ, 2 tiến sĩ, đang học nghiên cứu sinh 8 CBGV.
Triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, những năm học qua, đội ngũ CBGV tỉnh nhà không ngừng nỗ lực vượt khó, tích cực nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học. Nhiều CBGV chủ động bồi dưỡng, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Công tác thi đua dạy tốt, học tốt được CBGV hưởng ứng mạnh mẽ, tạo không khí thi đua sôi nổi, góp phần nâng cao chất lượng quản lý, giảng dạy. Nhiều tập thể, giáo viên đạt thành tích cao, được các cấp tuyên dương, khen thưởng.
Thực hành hóa học tại Trường THCS Hùng Vương - Ảnh: THÚY HẰNG |
* Những năm học gần đây, tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng trên địa bàn tỉnh giảm là nhờ các trường thực hiện tốt cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo nhận đỡ đầu ít nhất một học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học”. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Trong 5 năm qua (2012-2017), với tình thương yêu của người thầy, với ý thức trách nhiệm của mình: vì sự nghiệp“trồng người”, vì đàn em thân yêu, đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo toàn ngành đã tích cực thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo nhận đỡ đầu ít nhất một học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học”. Qua cuộc vận động này, toàn ngành đã có trên 5.300 CBGV nhận đỡ đầu cho trên 49.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Các thầy, cô giáo đã không quản ngại khó khăn, gian khổ đã tự nguyện chăm sóc, dìu dắt, nâng bước cho hàng ngàn học sinh vượt qua hoàn cảnh khó khăn của gia đình và bản thân để đến trường.
Các nhà trường và cá nhân nhiều thầy cô giáo đã hỗ trợ gần 8 tỉ đồng; tổ chức dạy bồi dưỡng học sinh yếu, kém trên 823.000 tiết; tặng trên 25.000 quyển vở, 17 xe đạp, 212 máy vi tính cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bỏ học… Nhân 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Sở GD-ĐT và Công đoàn ngành xét biểu dương 28 tập thể và 42 thầy cô giáo đã có tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp trong cuộc vận động này.
* Nâng cao chất lượng giáo dục là việc làm xuyên suốt của ngành Giáo dục trong quá trình phát triển. Để sự nghiệp “trồng người” không ngừng phát triển trong giai đoạn mới, ngành Giáo dục tỉnh đề ra những mục tiêu gì, thưa ông?
- Trong thời gian tới, ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục tập trung vào việc nâng cao kỷ cương nề nếp, đạo đức lối sống để thầy ra thầy, trò ra trò. Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn, học đi đôi với hành, quan tâm tới trang bị kỹ năng nhất là kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho học sinh…
Toàn ngành đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua trọng tâm của ngành. Đây được coi là tiền đề quan trọng, là nhiệm vụ cần thiết để nâng cao chất lượng GD-ĐT, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của ngành trong giai đoạn hội nhập và phát triển.
* Xin cảm ơn ông!
THÚY HẰNG (thực hiện)