67 nhà giáo tiêu biểu trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” vừa được Sở GD-ĐT Phú Yên tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2017). Báo Phú Yên giới thiệu 4 nhà giáo tiêu biểu trong số này.
CÔ TRƯƠNG THỊ THẠCH THẢO, GIÁO VIÊN TRƯỜNG MẦM NON BÔNG SEN, TX SÔNG CẦU: Nhiều sáng kiến giúp trẻ phát triển toàn diện
Năm 2006, cô Thảo về Trường mầm non Bông Sen giảng dạy cho đến nay. Ý thức được rằng với một cô giáo nuôi dạy trẻ, ngoài kiến thức, thì điều quan trọng nhất là phải có tính chịu khó và sự bền bỉ, nên cô luôn lấy tình yêu nghề làm động lực, rèn luyện đạo đức và tác phong của một nhà giáo sao cho chuẩn mực. Cô Thảo bộc bạch: “Tôi rất yêu trẻ nhỏ.
Chỉ cần nhìn ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên của các em, mọi lo âu, mệt nhọc trong tôi đều tan biến. Tôi rất thích thú trước những suy nghĩ và cách thể hiện của các em về cuộc sống xung quanh. Tất cả đều rất dễ thương và sinh động, cuốn hút tôi đến lớp mỗi ngày để dạy dỗ các em”.
Cho rằng bậc học mầm non rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách và thói quen của học sinh, nên cô Thảo luôn đầu tư đổi mới phương pháp dạy học. Cô cùng các giáo viên ở trường tận dụng những nguyên liệu tái chế, phế liệu, sáng tạo ra nhiều bộ đồ dùng, đồ chơi đẹp mắt cho trẻ. Từ những kiến thức được học và tìm tòi nghiên cứu, cô đã thiết kế nhiều sáng kiến mới với các chuyên đề dạy học khác nhau; tăng cường các hoạt động ngoài trời, giúp trẻ trải nghiệm với môi trường xung quanh và phát triển toàn diện.
Đặc biệt, năm học 2015-2016, cô Thảo thực hiện sáng kiến “Tăng cường biện pháp phối hợp phụ huynh giúp trẻ mẫu giáo lớn phát triển toàn diện” được ngành Giáo dục đánh giá cao. Cô Thảo cho hay: “Khi vào năm học, tôi được phân công chủ nhiệm lớp Mẫu giáo lớn với 35 trẻ. Sau một tuần quan sát, tôi thấy một số em có dấu hiệu biếng ăn, hành động lạ, không chịu chơi với các bạn khác…
Đầu tiên, tôi dành thời gian trò chuyện với các em để tìm hiểu nguyên nhân. Sau đó, tôi trực tiếp liên hệ với phụ huynh để nắm tình hình cũng như tính cách của từng em. Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cuối năm học đó, lớp tôi đạt 100% trẻ khỏe mạnh, tăng cân đều; 100% trẻ tiếp thu kiến thức tốt, hăng hái tham gia các hoạt động, có nề nếp, thói quen và kỹ năng tốt”.
Những cống hiến với nghề của cô đã được nhiều cấp, ngành tôn vinh, ghi nhận. Cô từng đạt giải xuất sắc Hội thi Giáo viên dạy giỏi ngành học mầm non cấp tỉnh năm học 2012-2013; được UBND tỉnh tặng bằng khen năm học 2013-2014; được Bộ trưởng GD-ĐT tặng bằng khen năm học 2015-2016 vì có thành tích xuất sắc trong dạy học.
Ngoài ra, cô còn được LĐLĐ TX Sông Cầu khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Lao động giỏi” giai đoạn 2010-2015; được Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh khen vì có thành tích xuất sắc phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” giai đoạn 2010-2015…
THẦY NGUYỄN NHƯ SƠN, GIÁO VIÊN TRƯỜNG THCS LÊ LỢI, HUYỆN TÂY HÒA: “Tiếp lửa” đam mê nghiên cứu khoa học cho học sinh
Đam mê nghiên cứu khoa học từ khi mới bước vào nghề giáo (năm 2000), nhưng mãi đến năm 2013, sau khi tốt nghiệp cao học tại Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, thầy Sơn mới có điều kiện bắt tay thực hiện những điều mình yêu thích và tâm huyết. Là giáo viên dạy Công nghệ của Trường THCS Lê Lợi, một trường đóng trên địa bàn xã miền núi Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa), còn gặp nhiều khó khăn, nhưng thầy Sơn luôn có tinh thần vượt khó, đổi mới, sáng tạo trong dạy và học.
Năm 2012, khi Bộ GD-ĐT phát động phong trào nghiên cứu khoa học trong nhà trường cũng là lúc thầy Sơn bắt đầu ươm mầm ý tưởng cho học sinh. Thầy Sơn bộc bạch: “Trường đóng ở vùng nông thôn, phần lớn phụ huynh học sinh làm nông nên các em rất mong muốn chế tạo ra những sản phẩm phục vụ nông nghiệp để góp phần giảm bớt nỗi vất vả cho cha mẹ. Tôi động viên các em triển khai các ý tưởng gần gũi với cuộc sống, hướng dẫn kiến thức và giúp các em tìm kiếm linh kiện, thiết bị từ việc tận dụng phế phẩm… Để tạo sân chơi cho các em, tôi tham mưu nhà trường thành lập và duy trì CLB Nghiên cứu khoa học gần 3 năm qua”.
Trong hai năm học liên tiếp, năm học 2015-2016 và 2016-2017, thầy Sơn tham gia hướng dẫn học sinh dự thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật các cấp, đạt nhiều thành tích cao. Năm học 2015-2016, 2 học sinh do thầy hướng dẫn đạt giải nhì cấp huyện, giải nhì cấp tỉnh và giải nhì cấp quốc gia với đề tài “Hệ thống điều khiển tưới nước tự động cho vườn rau và vườn ươm gia đình”.
Năm học 2016-2017, thầy tiếp tục hướng dẫn 2 học sinh khác đạt giải nhất cấp huyện, giải nhất cấp tỉnh và giải khuyến khích cấp quốc gia với đề tài “Hệ thống điều khiển nhiệt độ tự động sưởi ấm gà con”. Riêng thầy được Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Phú Yên và UBND huyện Tây Hòa cấp giấy chứng nhận, tặng bằng khen, giấy khen.
Thầy Sơn chia sẻ: “Công tác nghiên cứu khoa học và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông là việc làm rất quan trọng, giúp giáo viên và học sinh nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng vận dụng kiến thức, qua đó kích thích tính chủ động và sáng tạo trong công việc và cuộc sống. Cho nên, ngành Giáo dục và các trường cần quan tâm, đầu tư hơn cho công tác này.
Ngoài ra, giáo viên cần đi đầu đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học kỹ thuật để làm gương, truyền lửa và tiếp thêm đam mê cho các em. Đây là cách làm thiết thực để góp phần tạo bước đột phá, nâng cao chất lượng toàn diện GD-ĐT”.
CÔ LÊ THỊ CẨM NA, GIÁO VIÊN TRƯỜNG TIỂU HỌC SUỐI TRAI, HUYỆN SƠN HÒA: Hết lòng vì học sinh thân yêu
Cô Mé Bi là cái tên quen thuộc mà nhiều học sinh người đồng bào đang theo học tại Trường tiểu học Suối Trai vẫn thường gọi cô giáo Lê Thị Cẩm Na. Với học sinh nơi đây, cô Mé Bi chẳng khác gì người mẹ hiền thứ hai. 21 năm gắn bó với nghề giáo cũng là ngần ấy thời gian cô Mé Bi cống hiến cho Trường tiểu học Suối Trai. Yêu trường, mến trẻ, cô giáo người dân tộc Ê Đê này luôn trăn trở đổi mới phương pháp dạy học, đưa chất lượng giáo dục dân tộc của nhà trường đi lên. Cô Mé Bi bộc bạch: “Mình muốn trở thành cô giáo để dạy chữ cho đồng bào trong làng, giúp họ hòa nhập với xã hội rộng lớn thay vì chỉ biết cặm cụi vác gùi lên rẫy, trồng cây, nhổ sắn”.
Từ khi gắn bó với nghề giáo, hầu như cô Mé Bi được phân công giảng dạy tại các điểm trường lẻ, nơi có phần lớn học sinh người dân tộc thiểu số theo học. Cơ sở vật chất trường lớp còn khó khăn, nhưng với quyết tâm, cô cùng các giáo viên luôn cố gắng duy trì nề nếp học tập, nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần tạo động lực để nhà trường phát triển.
Với lợi thế là người địa phương, thông thạo tiếng phổ thông và tiếng đồng bào nên nhiều năm liền cô phụ trách giảng dạy lớp 1. Vì đa phần học sinh đầu cấp người dân tộc nói tiếng Kinh còn bập bẹ, nên việc tiếp thu bài giảng gặp khó khăn. Để giúp các em, cô Mé Bi không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học. Trong tiết dạy, cô tăng cường đưa các đồ dùng trực quan, khơi gợi cho các em phát huy tính chủ động, tích cực. Những từ phổ thông nào khó hiểu, cô dùng tiếng đồng bào để giải thích cho học sinh. Không chỉ truyền đạt kiến thức, dạy học sinh cách đọc, viết tiếng Việt, cô còn trao đổi kinh nghiệm, dạy kỹ năng sống giúp các em người đồng bào mạnh dạn, tự tin hơn trong cuộc sống.
Là người nhạy bén, luôn quan sát, gần gũi học sinh, cô Mé Bi rất quan tâm tới các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học yếu, có nguy cơ bỏ học giữa chừng. Năm nào, cô cũng nhận đỡ đầu từ 1-2 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, kèm cặp, giúp đỡ, động viên các em vươn lên. Thời gian qua, cô đã giúp đỡ, kèm cặp 10 em học sinh từ chưa hoàn thành và hoàn thành lên hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và rèn luyện. Bên cạnh đó, cô còn phát động học sinh trong lớp tích cực tham gia các hoạt động “tương thân tương ái”, tặng tập vở, sách giáo khoa cũ, tặng áo cho bạn nghèo…
THẦY TRẦN TRỌNG TRÍ, TỔ TRƯỞNG TỔ ĐỊA - NGHỆ THUẬT, TRƯỜNG THCS VÀ THPT VÕ THỊ SÁU, HUYỆN TUY AN: Truyền cảm hứng cho học sinh bằng những tiết dạy sinh động
Năm 1999, tốt nghiệp Khoa Địa lý, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, thầy Trí về quê, giảng dạy tại Trường THPT Trần Phú (huyện Tuy An). Năm 2001, Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu thành lập, thầy giáo SN 1977 này được điều động về làm Tổ trưởng Tổ Địa - Nghệ thuật.
Với tâm niệm, người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức cho học sinh mà còn phải là người truyền lửa cho các em có niềm đam mê khám phá tri thức, phát triển bản thân, hình thành những kỹ năng sống cần thiết, thầy Trí luôn tìm tòi, đổi mới sáng tạo phương pháp giảng dạy để mang đến cho các em những bài học bổ ích. Liên tục trong vòng 5 năm (từ năm 2013-2017), thầy đều có đề tài nghiên cứu khoa học được ngành Giáo dục Phú Yên công nhận.
Một số đề tài tiêu biểu của thầy như: Kỹ thuật xác định kiến thức cơ bản trong thiết kế bài dạy học Địa lý THPT; Đánh giá kết quả học tập của học sinh thông qua các bài tập rèn luyện kỹ năng Địa lý lớp 12; Một vài kinh nghiệm nhằm phát huy tính tích cực của học sinh trong kiểm tra thường xuyên đối với môn Địa lý THPT; Dạy học theo chủ đề tích hợp qua bài “Lao động và việc làm” Địa lý lớp 12… Năm học 2016-2017, thầy đạt giải khuyến khích cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp” cấp tỉnh.
Ngoài ra, nhiều năm liền, thầy còn tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 12, đạt giải cấp tỉnh. Thầy Trí tâm sự: “Sản phẩm của giáo dục chính là con người. Muốn có trò giỏi thì trước hết phải có thầy giỏi. Cho nên, tôi luôn tự nhủ bản thân phải không ngừng học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và rèn luyện phẩm chất, đạo đức. Còn ngày nào phục vụ cho ngành Giáo dục, tôi sẽ còn đổi mới, sáng tạo trong dạy học, nỗ lực cống hiến cho ngành”.
Thầy Nguyễn Trung Bình, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu, cho biết: Thầy Trí là một giáo viên rất vững chuyên môn, có nhiều đổi mới trong giảng dạy và hết lòng gắn bó với nghề. Trên cương vị là giáo viên bộ môn, Tổ trưởng Tổ Địa - Nghệ thuật, Phó Chủ tịch Công đoàn trường, thầy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được Bam giám hiệu và đồng nghiệp tin tưởng, quý mến. Liên tục từ năm học 2012-2013 đến năm học 2016-2017, thầy đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
HÀ MY