Thứ Hai, 06/01/2025 12:38 CH
Giữ gìn và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo”
Thứ Hai, 20/11/2017 09:18 SA

"Tôn sư trọng đạo" là một truyền thống quý báu của người Việt Nam từ xưa đến này. Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) trở thành ngày hội "tôn vinh nghề giáo" của toàn dân.

 

Vào ngày này, các em học sinh, sinh viên lại cùng nhau đến chúc mừng các cô giáo, thầy giáo, bày tỏ lòng biết ơn đối với những người đã có công dạy dỗ mình. Trong đó, có không ít những người đã trưởng thành, trên đầu hai thứ tóc cũng tìm đến những cô giáo, thầy giáo đã dìu dắt mình từ hồi cấp một, cấp hai. Thật là cảm động khi được chứng kiến những cuộc sum họp thầy trò như thế trong bộn bề những lo toan trong cuộc sống.

 

Trên khắp đất nước, từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi đến miền ngược, người dân Việt Nam đều yêu quý, tôn trọng người thầy, đều dành cho thầy những tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc. Người thầy được tôn vinh thì nghề dạy học cũng được coi trọng.

 

Truyền thống “tôn sư trọng đạo” trước hết xuất phát từ vai trò của người thầy dạy trong xã hội. Câu nói: “Không thầy đố mày làm nên” đã nói lên điều đó. Thật vậy, cha mẹ sinh con, nuôi dưỡng, giáo dục con theo đạo lý, đạo đức xã hội và truyền thống gia đình, góp phần quyết định sự phát triển thể chất và hình thành các phẩm chất đạo đức của con. Tuy nhiên, muốn phát triển nhân cách, kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với các vấn đề của cuộc sống… để có được tri thức sâu rộng, có thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn thì không thể thiếu vai trò của giáo dục nhà trường nói chung và các thầy dạy nói riêng. Nhà trường và thầy giáo không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, trong đó dạy làm người được đặt ở vị trí hàng đầu. Vì thế công lao của thầy giáo được đặt ngang hàng với công lao cha mẹ - “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” và do đó mà phải “mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”.

 

Hơn thế, cổ nhân còn dạy rằng: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, nghĩa là một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy, không được coi thường và vô ơn với thầy. Các hành vi coi thường, xúc phạm, phỉ báng, thiếu trung thực với thầy đều bị xã hội lên án mạnh mẽ. Tất nhiên, để dành được sự tôn kính của người học và xã hội như vậy, người thầy phải rất mô phạm, mẫu mực về nhân cách, đạo đức và có hiểu biết sâu rộng về nhiều mặt của đời sống xã hội.

 

Bài học về những nét đẹp của truyền thống nhà giáo Việt Nam đã luôn luôn giúp các thế hệ nhà giáo tu dưỡng rèn luyện, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp cao cả mà từ ngàn xưa luôn được nhân dân ta tôn vinh kính trọng. Nguyễn Trãi đã từng viết: “Người thầy giáo không những dạy chữ mà còn dạy đạo làm người”, đó là đào luyện tâm hồn, đào tạo lớp lớp thế hệ trẻ, lớp sau kế tiếp lớp trước bước vào đời, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. TaGo, nhà hiền triết và thi hào vĩ đại của Ấn Độ đã viết: “Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình, giáo dục một người thầy giáo được một thế hệ”. Có lẽ câu này đúng với mọi dân tộc, mọi quốc gia và mọi thời đại. Còn đối với Việt Nam, nơi xứ sở của truyền thống tôn sư trọng đạo, quý mến thầy giáo thì điều đó vô cùng to lớn, vì nó đã đi sâu vào trong ca dao “Qua sông phải bắc cầu Kiều - Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.

 

Người thầy luôn là một tấm gương sáng cho học trò noi theo, ngoài việc có kiến thức uyên bác thì người thầy phải có đạo đức lối sống mẫu mực, có lòng yêu thương học trò, yêu nghề, sống nhân ái nghĩa tình, trọng đạo lý được mọi người kính trọng. Có vậy mới xứng đáng được gọi là thầy, được các bậc cha mẹ tin tưởng giao con cái cho thầy dạy dỗ. Vì lẽ đó mà người Việt ta luôn nhắc nhở nhau phải “Tôn sư trọng đạo”, phải biết yêu kính thầy, nghe lời thầy dạy dỗ. Vào những ngày này cùng với niềm hạnh phúc và tự hào khi đón nhận những tình cảm biết ơn của các thế hệ học trò, các nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không thể không nghĩ về nghề thầy, về trách nhiệm của mình trong việc giáo dục thế hệ trẻ, lớp người sẽ gánh vác nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước trong tương lai.

 

Để có một bài giảng tốt, một lời khuyên hay, người thầy trước tiên phải là tấm gương sáng, và đã phải trăn trở, nghĩ suy biết bao đêm ngày, lo lắng tất cả mọi thứ từ việc dặn dò học sinh học bài cũ, soạn bài mới cho đến việc thiết kế, soạn giáo án lên lớp. Đó là chưa kể đến những thầy cô nhà ở rất xa trường, phải đi rất nhiều cây số mới đến được lớp học, rồi lại có những thầy cô có hoàn cảnh rất khó khăn, cha mẹ già yếu, con cái đau ốm... Nhưng vượt lên tất cả sự vất vả, người thầy luôn dành những gì tốt nhất mà mình chuẩn bị, dành hết cái tâm của mình để học sinh có thể hiểu bài, với một hy vọng giản đơn là mỗi học sinh sẽ trở thành một người có ích cho xã hội. Chính vì vậy mà hình ảnh người thầy đã khắc sâu vào tâm hồn của những ai từng là học sinh. Rồi trong một khoảng thời gian dài làm học sinh, biết bao người đã được thầy cô uốn nắn từng chữ viết, dạy cho cách làm người, cung cấp bao nhiêu kiến thức. Viên phấn trên tay thầy cô càng ngắn dần, tóc thầy cô càng điểm nhiều sợi bạc thì học sinh càng được mở rộng thêm về kiến thức, về sự hiểu biết. Trong miền ký ức của học sinh, thầy cô là người cha, người mẹ thứ hai, là ngọn gió mơn man mùa hạ, là bếp lửa hồng sưởi ấm mùa đông giá rét.

 

Trong giai đoạn hiện nay, vị trí, vai trò người thầy không ngừng được nâng lên và những người thầy chân chính luôn được xã hội tôn vinh, kính trọng. Tuy nhiên, những năm gần đây xã hội đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự “xuống cấp” đạo đức của học sinh và truyền thống tôn sư trọng đạo đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều hành vi vô lễ, xúc phạm, hành hung thầy cô giáo được phản ánh trên các phương tiện truyền thông gây bức xúc cho dư luận. Trong đó, xu hướng thương mại hóa giáo dục đã tạo ra vòng xoáy cuốn một bộ phận giáo viên rời xa truyền thống và tôn chỉ của nghề sư phạm. Có những thầy, cô giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật… làm ảnh hưởng đến truyền thống “tôn sư trọng đạo”, làm tổn thương đến bao nhà giáo chân chính.

 

Vậy làm thế nào để giữ gìn và phát huy truyền thống “tôn sư trọng đại” trong giai đoạn hiện nay?

 

Thứ nhất, cần tăng cường và nâng cao hiệu quả giáo dục từ gia đình. Đây là môi trường giáo dục đầu tiên mà các em tiếp xúc, sống và phát triển. Sự giáo dục từ phía gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thậm chí giữ vai trò quyết định tới sự hình thành nhân cách, đạo đức của mỗi con người.

 

Thứ hai, nhà trường cần chú trọng giáo dục truyền thống và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

 

Nhà trường phải quan tâm giáo dục đạo đức, giáo dục các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho học sinh ngay từ khi mới cắp sách đến trường và phải thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình giáo dục theo phương châm “mưa dầm thấm sâu”.

 

Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cả về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp là vấn đề có ý nghĩa quan trọng để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Người thầy không chỉ là người truyền thụ tri thức, kỹ năng mà phải là những tấm gương về đạo đức, lối sống, tự học, tự rèn luyện, tận tụy, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc và hết lòng yêu thương học sinh.

 

Các cơ sở giáo dục phải đánh giá đúng về trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và hiệu quả công việc của người thầy; kịp thời động viên, khen thưởng và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm đạo đức nhà giáo; kiên quyết loại bỏ những người thoái hóa, biến chất, vi phạm nghiêm trọng đạo đức ra khỏi đội ngũ nhà giáo.

 

Thứ ba, xử lý nghiêm các hành vi thiếu tôn trọng, xúc phạm, vô lễ với nhà giáo.

 

Hiện nay, vẫn tồn tại thực trạng là các hành vi thiếu tôn trọng, vô lễ, côn đồ… với thầy cô của một số học sinh, sinh viên chưa được pháp luật xử lý một cách nghiêm minh và thỏa đáng nên chưa đạt được hiệu quả làm gương, giáo dục cho học sinh, sinh viên khác.

 

Thứ tư, các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể phải định hướng dư luận xã hội về giữ gìn, phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc; đấu tranh, lên án mạnh mẽ với các hành vi bất kính, vô lễ với thầy cô giáo.

 

Truyền thống “tôn sư trọng đạo” cùng với truyền thống hiếu học của nhân dân ta đã góp phần làm nên một nước Việt Nam “ngàn năm văn hiến” và mãi mãi giữ nguyên giá trị ở hiện tại và cả trong tương lai.

 

PHẠM THỊ LỆ THANH

(Ban Dân vận Tỉnh ủy)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek