Thứ Năm, 03/10/2024 11:37 SA
Nhân giống sâm Phú Yên để tạo ra sản phẩm đặc thù
Thứ Hai, 31/10/2016 14:05 CH

Công nhân của Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung thu hoạch nhân sâm - Ảnh: THIÊN LÝ

Sau gần 2 năm triển khai, dự án Nghiên cứu quy trình nhân giống nhân sâm Phú Yên (Abelmoschus sagittifolius Kurz) bằng phương pháp nuôi cấy mô và trồng khảo nghiệm theo tiêu chuẩn GACP-WHO, do Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung phối hợp với Sở KH-CN Phú Yên thực hiện đã góp phần bảo vệ nguồn dược liệu quý của địa phương, tạo ra sản phẩm đặc thù của tỉnh trong tương lai.

 

Nhân sâm Phú Yên có tên gọi khác là sâm bố chính, tên khoa học Abelmoschus sagittifolius, họ bông (Malvaceae). Theo Đông y, sâm bố chính có công dụng chữa cơ thể bị suy nhược, ít ngủ, lao phổi, kém ăn, trẻ em chậm lớn, sốt và ho dai dẳng, viêm phế quản... Sự phân bố, sinh thái cây nhân sâm Phú Yên rộng khắp tại các xã An Hiệp, An Xuân, An Lĩnh, An Thọ (huyện Tuy An), xã An Phú (TP Tuy Hòa), xã Sơn Hà, Sơn Xuân (huyện Sơn Hòa). Hiện nay, nhân sâm Phú Yên được trồng nhiều ở Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung và Trạm thực nghiệm sinh học Hòa Quang.

 

Ông Bùi Ngọc Duy, Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung, cho biết: “Trong quá trình khảo sát và chọn vùng trồng khảo nghiệm, chúng tôi chọn vùng đất Tuy An, nhất là tại chùa Long Sơn, thôn Phú Hòa (xã An Mỹ) vì nơi đây phù hợp với thổ nhưỡng, cây sâm mọc nhiều ngoài tự nhiên, chất lượng tốt”.

 

Theo ông Duy, thời vụ trồng nhân sâm Phú Yên từ tháng 9-10, sau 18 tháng là có thể thu hoạch. Trong quá trình trồng, cần bón lót 15-20 tấn phân bò hoai, kết hợp với 100kg trichoderma, lên luống cao 25-30cm, rộng 1,2m, dài tùy vào địa thế đất, mật độ trồng 40x40cm. Giai đoạn đầu (6 tháng) thường xuyên làm cỏ để tránh cỏ chụp, lấn át nhân sâm phát triển và thường xuyên theo dõi sâu bệnh; cách nhau từ 2-3 ngày phải tưới nước cho cây, tuyệt đối không tưới vào mùa mưa. Gần đến thời điểm thu hoạch thì để cây và đất khô, vận chuyển về nơi chế biến không quá 8 giờ.

 

Dự án triển khai trên 500m2, sau 2 năm Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung thu được 400kg. Giá 1kg củ tươi 50.000 đồng, ước tính thu được 20 triệu đồng. Như vậy, trồng 1ha nhân sâm Phú Yên trong 18 tháng sẽ thu được 400 triệu đồng. Tuy chi phí đầu tư, công sức trồng loại dược liệu này cao hơn hơn trồng các loại cây nông nghiệp truyền thống như lúa, đỗ, bắp... nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 6-7 lần.

 

Kỹ sư Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung, cho biết: “Ban đầu, trung tâm trồng 2.000 cây nhân sâm Phú Yên và nhân giống nuôi cấy mô theo phương pháp quang tự dưỡng, đến khi đưa ra trồng ngoài tự nhiên thì tỉ lệ cây sống cao. Trung tâm đang xây dựng quy trình phân tích hàm lượng hoạt chất chính trong củ sâm bằng phương pháp HPLC để đánh giá chất lượng. Việc mở rộng trồng cây nhân sâm Phú Yên hứa hẹn sẽ cung cấp sản phẩm cho thị trường, dần thay thế sâm nhập khẩu”.

 

MỸ AN

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek