Trong khi các trường đại học tuyển sinh ngày càng khó thì trường nghề lại “sống” được với hiệu quả tuyển sinh ngày càng tăng dần. Kết quả này có được, ngoài sự thay đổi nhận thức của người học thì sự nỗ lực của nhà trường trong quá trình đào tạo là một trong những yếu tố quyết định “kéo” học sinh đến với hệ đào tạo nghề.
Học nghề Điện tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên - Ảnh: THÚY HẰNG |
Gia tăng “bỏ thầy làm thợ”
Để Trường cao đẳng Nghề Phú Yên hoàn thành tốt nhiệm vụ, tại lễ khai giảng năm học mới của trường này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng đề nghị Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB-XH, các ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà trường trong công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT để nhà trường được thuận lợi trong công tác tuyển sinh và mở rộng quy mô đào tạo. |
Năm 2016, với điểm thi đại học đạt gần 20 điểm, hai chị em sinh đôi Đặng Ngọc Ánh Quỳnh, Đặng Ngọc Tường Vy ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) có thể bước vào giảng đường đại học. Thế nhưng, Quỳnh và Vy đã chọn học nghề Kiểm nghiệm chất lượng lương thực thực phẩm tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Ánh Quỳnh cho biết: “Lúc đầu, em định tham gia xét tuyển vào một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu về thị trường lao động và những ngành nghề dễ kiếm việc làm, thu nhập ổn định, em đã chọn học nghề Kiểm nghiệm chất lượng lương thực thực phẩm”. Vy thì phân tích: “Nếu học đại học ở TP Hồ Chí Minh thì gia đình em sẽ tốn rất nhiều chi phí để lo cho hai chị em ăn học, điều này quá sức với mức thu nhập từ làm nông của ba mẹ. Nghĩ vậy nên hai chị em chọn học nghề. Thứ nhất, học phí trường nghề thấp, lại học tại “sân nhà”. Thứ hai, sinh viên tốt nghiệp trường nghề rất “rộng cửa” trong quá trình xin việc”.
Tương tự, các em Lê Trương Minh Hiệp, Nguyễn Thành Đô, Nguyễn Thanh My… có điểm thi đại học trên 15 điểm nhưng chọn học nghề Hàn, Quản trị mạng, Quản trị khách sạn… của Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Các tân sinh viên này cho biết, ba mẹ các em ủng hộ ngay quyết định học nghề của con cái và mong muốn các em học thật tốt để sớm có việc làm ổn định, thay vì đổ xô vào đại học để rồi sau khi ra trường phải loay hoay tìm việc và đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.
Tại lễ khai giảng năm học 2016-2017, ThS Trần Khắc Lễ, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, đưa ra những thông tin vui: “Năm nay, nhà trường tuyển sinh được gần 530 học sinh, sinh viên, tăng hơn 100 em. Trong đó có khá nhiều học sinh, sinh viên đủ điều kiện bước vào giảng đường đại học, nhưng các em đã tự tin chọn ngả rẽ vào trường nghề để đeo đuổi đam mê nghề nghiệp, sở trường của mình.
Theo thầy Trần Khắc Lễ, năm nào, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng có đơn đặt hàng tuyển dụng học sinh, sinh viên tốt nghiệp nghề, nhưng nhà trường không đủ học sinh, sinh viên để cung ứng. Vì vậy, các em yên tâm với ngành nghề đã chọn.
Tín hiệu lạc quan
Trước tình trạng thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng nên học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT đã có sự chuyển biến về tư duy, nhận thức đối với việc học nghề. Trong đó, nhiều học sinh đã chủ động và độc lập trong suy nghĩ, không còn phụ thuộc vào cha mẹ trong việc định đoạt hướng đi, nghề nghiệp tương lai. Em Lê Minh Đức, tân sinh viên nghề Kiểm nghiệm chất lượng lương thực thực phẩm, Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, cho hay: “Dựa vào điểm xét học bạ, em có thể vào học ở một trường đại học. Tuy nhiên, em nghĩ với học lực ở mức trung bình thì nếu có chen được vào trường đại học thì chưa chắc em sẽ học tốt. Vậy nên em chọn học nghề cho mau thấy”. Có cùng suy nghĩ này, Kpá Thị Linh ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), nói: “Sau khi hoàn thành chương trình học ở Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đồng Xuân, em thi tuyển vào Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, nhưng không đậu. Ba mẹ bảo em vào học ở Trường THPT Lê Lợi, nhưng em quyết định vào học trung cấp nghề May - thiết kế thời trang, chứ không tiếp tục học THPT. Em nghĩ sau 3 năm học trung cấp, em sẽ có được một nghề để mưu sinh. Điều này giúp em tự tin hơn so với tiếp tục học THPT”.
Lý giải hiện tượng ngày càng có nhiều sinh viên không chọn trường đại học mà rẽ vào trường nghề, Trưởng Phòng Đào tạo Trường cao đẳng Nghề Phú Yên Nguyễn Hồng Phong cho rằng: Ngoài nhận thức của xã hội dần thay đổi thì cơ chế, chính sách mới về việc thống nhất hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng tác động đến người học. Có thể nói, xu hướng chọn trường nghề đang gia tăng là những tín hiệu vui đáng ghi nhận. Hơn ai hết, các bạn trẻ đã dần hiểu rõ bằng cấp sẽ không có ý nghĩa thiết thực bằng hành trang “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Quả thật, trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế, sự dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trong cộng đồng ASEAN sẽ gia tăng. Vậy nên cơ hội và thách thức đặt ra cho các trường nghề là rất lớn. Do đó, cùng với việc tuyên truyền giáo dục để học sinh hiểu rõ thách thức cũng như nhận thức đúng về con đường học nghề thì Nhà nước cũng cần có chính sách, cơ chế phù hợp để phát triển hệ thống trường nghề theo hướng hội nhập quốc tế, tạo cơ hội việc làm bền vững cho người học.
THÚY HẰNG