Thứ Năm, 03/10/2024 22:29 CH
Ðề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia 2017:
Ðiểm tựa để định hướng cách dạy và học
Chủ Nhật, 16/10/2016 09:39 SA

Bộ GD-ÐT vừa công bố đề thi minh họa Kỳ thi THPT quốc gia 2017 với 14 môn. Theo nhận xét của nhiều giáo viên, đề thi minh họa có cấu trúc, mức độ, phân bố kiến thức hợp lý, chủ yếu thuộc chương trình lớp 12 nên đã xóa tan phần nào những băn khoăn, lo lắng của giáo viên và học sinh, nhất là với những bộ môn có nhiều thay đổi về hình thức thi trong năm 2017. Báo Phú Yên xin giới thiệu những nhận xét của các nhà giáo về đề thi minh họa này.

 

ÔNG DƯƠNG BÌNH LUYỆN, TRƯỞNG PHÒNG GIÁO DỤC TRUNG HỌC (SỞ GD-ÐT PHÚ YÊN): Ðề Toán “quét” hết chương trình lớp 12 nhưng không quá khó

 

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ là năm đầu tiên môn Toán được tổ chức thi theo hình thức trắc nghiệm nên giới chuyên môn lẫn giáo viên, học sinh đều lo lắng. Tuy nhiên, ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề thi minh họa gồm 30 câu dễ (chiếm 60%) và 20 câu khó (chiếm 40%), tôi cho rằng đề thi minh họa môn Toán khá hợp lý. Điều dễ nhận thấy nhất là toàn bộ kiến thức trong đề thi chỉ gói gọn trong kiến thức lớp 12, khác xa với nhiều năm trước đây là đủ 3 lớp 10, 11, 12. (Có lẽ do năm đầu chuyển sang thi trắc nghiệm nên Bộ GD-ĐT lo học sinh không kịp thích ứng từ những năm học trước). Trong 30 câu dễ có rất nhiều câu học sinh có thể bấm máy tính cầm tay là có thể tìm ra ngay kết quả. Điều này sẽ phần nào khắc phục được tình trạng điểm liệt ở môn học này.

 

Đề minh họa môn Toán thể hiện tính phân hóa tốt khi có đầy đủ các câu hỏi ở 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Các nội dung trong chương trình lớp 12 được rải đều, hỏi rất chi tiết với nhiều ý tưởng lẫn kiến thức khác nhau - đây là điều đối lập hoàn toàn với hình thức tự luận (hình thức tự luận thường theo thiên hướng học tủ). Đặc biệt, đề minh họa năm nay có rất nhiều dạng bài mới chưa từng xuất hiện trong các đề thi năm trước, có sự xuất hiện của các câu mang tính lý thuyết, có sự kết hợp giữa những bài toán đại số và hình học chỉ trong 1 câu hỏi, có những bài toán mang tính thực tế như tính lãi suất, tính vận tốc… rất hay. Vậy nên, để làm tốt đề thi năm nay, học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản thuộc phần kiến thức lớp 12, thành thạo giải các dạng toán thường gặp, hình thành các kỹ năng, tư duy giải nhanh, thành thạo và tận dụng tốt công cụ tính toán nhanh bằng máy tính.

 

CÔ TRẦN THỊ LỆ THỦY, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT NGUYỄN THỊ MINH KHAI (HUYỆN TÂY HÒA): Học sinh cần rèn luyện kỹ năng viết văn

 

Cấu trúc đề thi minh họa THPT quốc gia 2017 môn Ngữ văn cơ bản giống đề thi năm trước gồm 3 phần: đọc hiểu văn bản, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Chỉ có khác là đề thi minh họa lần này đã giảm đi 4 câu hỏi trong phần đọc hiểu; phần nghị luận xã hội, điểm số giảm từ 3 điểm xuống còn 2 điểm; phần nghị luận văn học từ 4 điểm tăng lên 5 điểm. Dù số lượng câu hỏi giảm nhưng nội dung và lượng kiến thức được thể hiện trong đề thi minh họa vẫn đảm bảo sự phân hóa thí sinh. Việc giảm số lượng câu hỏi từ 10 câu còn 6 câu sẽ có lợi cho học sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, vì các em chỉ cần đạt điểm trung bình. Còn với những học sinh giỏi văn, với thời gian hạn chế (120 phút), các em sẽ không có cơ hội để bày tỏ cảm xúc và thể hiện những sáng tạo trong nhìn nhận đánh giá vấn đề.

 

Với sự thay đổi rõ nét của đề thi minh họa môn Ngữ văn, các em cần nắm vững các kiến thức và kỹ năng cơ bản trong chương trình Ngữ văn THPT, nhất là chương trình Ngữ văn lớp 12. Các em cũng cần rèn luyện kỹ năng viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ về một vấn đề xã hội trong khoảng 200 chữ. Riêng đối với những thí sinh xét tuyển các ban C, D và các tổ hợp có môn Ngữ văn, các em cần phải rèn luyện cách viết sâu sắc, đi vào trọng tâm, ngắn nhưng tinh tế, tránh lối viết dài dòng lan man. Với cách ra đề như đề thi minh họa này, học sinh có học lực khá, giỏi môn Ngữ văn có thể đạt được điểm 7, 8, 9. Còn để đạt được điểm 10 sẽ rất khó.

 

NHÀ GIÁO ƯU TÚ, THẠC SĨ TRẦN QUỐC NHUẬN, TRƯỜNG THPT CHUYÊN LƯƠNG VĂN CHÁNH: Rèn luyện cho các em cả phần kênh chữ lẫn kênh hình

 

Với thời lượng 50 phút thí sinh cần hoàn thành bài thi môn Địa lý gồm 40 câu hỏi. Áp lực lớn nhất ở đây vẫn là khống chế thời gian, yêu cầu thí sinh phải phản ứng nhanh, có óc phán đoán tốt, phân bố thời gian phù hợp. Câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau, không được bỏ sót câu nào.

 

Để đáp ứng yêu cầu theo hình thức thi trắc nghiệm mới đối với môn Địa lý, giáo viên trong quá trình dạy kiến thức cơ bản cho học sinh cần chú ý rèn luyện cho các em nắm phần kênh chữ (lý thuyết) lẫn phần kênh hình (phân tích, nhận xét nhận dạng bảng số liệu, biểu đồ, kỹ năng sử dụng khai thác bản đồ khi làm bài) một cách chính xác. Với cấu trúc đề thi minh họa, thì đề thi không quá khó, nhưng hơi dài. Phần nhận biết và thông hiểu chiếm khoảng 24 câu (60%), phần vận dụng và vận dụng cao khoảng 16 câu (40%). Như vậy học sinh trung bình, trung bình khá có thể làm đạt từ 5-6 điểm, còn học sinh có học lực khá - giỏi khả năng cũng sẽ đạt điểm 7, 8 , 9. Điểm 10 sẽ bị khống chế vì một số câu hỏi đòi hỏi học sinh phải có tư duy địa lý trong vận dụng nâng cao.

 

Thi theo hình thức thi trắc nghiệm, yêu cầu nội dung các câu hỏi trong đề thi kiểm tra mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao nhằm phân hóa học sinh giỏi, khá, trung bình và yếu, nên giáo viên hướng dẫn cho học sinh, cũng như học sinh trong quá trình tiếp thu kiến thức, kỹ năng phải tuyệt đối chính xác, rõ ràng, có sự điều chỉnh cho phù hợp, vì trong một số câu hỏi các phương án đúng rất giống nhau. Có làm được như thế thì việc dạy và học để thi THPT quốc gia năm 2017 mới đạt kết quả cao.

 

NHÀ GIÁO ƯU TÚ NGUYỄN THỊ HIỀN, TRƯỜNG THPT NGUYỄN HUỆ (TP TUY HÒA): Hạn chế tình trạng học tủ

 

Đề minh họa môn Lịch sử chủ yếu tập trung chương trình của lớp 12, gồm cả kiến thức lịch sử Việt Nam và thế giới, giống kết cấu của mọi năm. Thí sinh phải làm 40 câu hỏi trong thời gian 50 phút. Các câu hỏi được thiết kế dưới 3 dạng chủ yếu: điền khuyết, sắp xếp (sắp xếp theo trật tự thời gian) và tìm lựa chọn đúng. Vậy nên, thay vì tập trung ôn tập vào một số phần trọng tâm như mọi năm, các em sẽ phải hướng đến toàn bộ kiến thức lớp 12 để đảm bảo không bỏ sót. Vì đề thi nặng về kiến thức nên buộc học sinh phải học nhiều, học kỹ; đi ngược lại cách dạy trên lớp - yêu cầu về kiến thức, về tư tưởng, về kỹ năng; ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá, sáng tạo.

 

Lần đầu tiên môn Lịch sử thi bằng hình thức trắc nghiệm. Tuy nhiên, cách ra đề như đề thi minh họa này sẽ giúp học sinh cùng một lúc vận dụng kiến thức ở diện rộng, bao quát hơn. Học sinh phải rèn luyện năng lực tư duy, vì phải so sánh, lựa chọn các dữ liệu để trả lời theo yêu cầu của câu hỏi, điều này góp phần tránh tình trạng học tủ, đoán đề. Mặt khác, cách thi này có kết quả điểm chính xác, vì không theo ý kiến chủ quan của giáo viên chấm bài. Học sinh có thể biết kết quả ngay nên tạo sự hứng thú và tích cực học tập.

 

Vì các câu hỏi của đề thi minh họa chủ yếu kiểm tra khả năng ghi nhớ của học sinh nên nếu dựa vào kết quả bài thi này để tuyển lấy sinh viên vào những ngành học cần đến tư duy lịch sử thì kết quả sẽ rất hạn chế vì đề thi này chưa đáp ứng được. Trong 40 câu trắc nghiệm có chưa đến 5 câu hỏi tương đối khó. Các câu đòi hỏi khả năng tư duy, phân tích, tổng hợp, vận dụng thực tế dường như chưa có. Nên chăng có sự điều chỉnh, tăng câu hỏi mang tính tư duy, đòi hỏi mức độ thông hiểu, vận dụng kiến thức.

 

Để giúp học sinh thích ứng với cách thi mới, giáo viên sẽ phải điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Trước hết là sẽ phân loại kỹ lưỡng học sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội chỉ để xét tốt nghiệp và học sinh lựa chọn tổ hợp này thi đại học để có phương án dạy phù hợp, tránh gây chán nản cho cả thầy và trò.

 

THẦY NGÔ MÃ THIÊN, TRƯỜNG THPT LÊ THÀNH PHƯƠNG (HUYỆN TUY AN): Học sinh phải biết vận dụng kiến thức bài học vào thực tiễn

 

Trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, môn Giáo dục công dân (GDCD) là một cấu phần trong tổ hợp môn thi Khoa học xã hội. Đây cũng là lần đầu tiên môn học này được đưa vào thi dưới hình thức trắc nghiệm. Đề thi minh họa có 40 câu hỏi trắc nghiệm khách quan, mỗi câu hỏi có 4 phương án lựa chọn, và có 1 phương án trả lời đúng. Đề thi có các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản, phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và khoảng 40% câu hỏi vận dụng để phân hóa, phục vụ mục đích xét tuyển đại học, cao đẳng. Nội dung đề thi trắc nghiệm thường rất rộng và nằm trong tất cả các bài học (trừ những phần giảm tải - không học). Bởi vậy, để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi này, học sinh cần phải học đều và rộng. Nếu học sinh học tủ hoặc coi trọng bài này xem thường bài kia thì kết quả thi sẽ không như ý muốn.

 

Với các em, ngoài việc nắm vững các khái niệm, định nghĩa, nội dung trong sách giáo khoa, học sinh phải vận dụng nội dung kiến thức bài học vào việc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội phù hợp với lứa tuổi. Khi ôn luyện, học sinh nên học theo từng bài. Mỗi bài cần chú ý đến nội dung tích hợp về các lĩnh vực như: vấn đề phòng chống tham nhũng, giao thông, môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu... Với giáo viên, trong từng bài học, tiết dạy, bên cạnh việc truyền đạt đầy đủ nội dung kiến thức, giáo viên cần phải đưa ra nhiều tình huống thật gần gũi với cuộc sống để học sinh nhận xét, xử lý, lựa chọn. Sau mỗi tình huống, giáo viên chỉ ra cho học sinh thấy được vấn đề đúng, sai. Thông qua mỗi tình huống, đối chiếu với nội dung bài học, học sinh đưa ra phương án để giải quyết. Làm theo cách này học sinh vừa rất thích vừa giúp các em bám sát đề thi mà mình sắp phải thi.

 

Sau mỗi tiết dạy, người thầy cũng cần dành ít phút để củng cố bài học bằng hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm khách quan để học sinh từng bước làm quen với đề thi. Điều quan trọng nhất là người thầy phải tự đổi mới mình, phải đầu tư, nghiên cứu, hợp tác với các giáo viên trong tổ bộ môn để xây dựng đề cương, xây dựng ngân hàng đề trắc nghiệm khách quan theo từng bài học nhằm cung cấp cho học sinh sau mỗi tiết dạy để các em dần tiệm cận với đề thi quốc gia sắp tới.

 

THÚY HẰNG (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek