Thứ Sáu, 04/10/2024 00:17 SA
Vang bóng ngôi trường trung học đầu tiên của Phú Yên
Thứ Bảy, 15/10/2016 13:00 CH

Một tiết học Ngoại ngữ của cô và trò Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh - Ảnh: THÚY HẰNG

Những năm chúng tôi bước vào bậc trung học đầu thập niên 70 thế kỷ trước vẫn vang bóng một thời ngôi trường trung học đầu tiên của tỉnh. Thời ấy, tôi có vinh dự được hầu chuyện các bậc tiền bối như Huỳnh Ảnh, Lê Nguyên Thẩm, Lê Kỉnh Hứa… Trong câu chuyện hàn huyên, các cụ luôn ví Trường Lương Văn Chánh thời 9 năm như “thánh đường” giáo dục của Phú Yên.

 

Ngôi trường mang tên vị thành hoàng mở đất

 

Các cụ nói rằng, trước Cách mạng Tháng Tám, phủ Tuy Hòa chỉ có trường dạy đến lớp 3, muốn học hết bậc tiểu học (lớp 5) phải ra trường tiểu học Pháp - Việt duy nhất ở tỉnh lỵ Sông Cầu. Muốn theo học cấp 2 để nhận bằng thành chung phải ra Trường Collège Quy Nhơn, muốn học cấp 3 ra Trường Lycée Khải Định (kinh đô Huế) hoặc ra Trường Bưởi (Lycée Protectorat - Hà Nội).

 

Các cụ kể vanh vách rằng, trước khi có Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), Phú Yên chỉ có 26 người đậu bằng tiểu học Pháp - Việt. Duy nhất có một người đậu bằng thành chung (Diplome) năm 1929 là thầy Trần Sĩ - vị khai khoa bậc trung học Pháp - Việt tỉnh Phú Yên năm 19 tuổi. Trước Cách mạng Tháng Tám, ngoài thầy Trần Sĩ có hai vị có bằng thành chung là Huỳnh Thượng Thạch (1930) và Đào Sịa (1942). Gần 10 năm sau mới có 4 vị đậu bằng tú tài Tây học là Nguyễn Tích, Trần Kỳ Doanh, Trần Ngũ Phương (1939) và Trần Suyền (1943).

 

Nguyên khí chữ nghĩa, học hành của tỉnh Phú Yên trước Cách mạng Tháng Tám chỉ có vậy. Các cụ giảng giải thêm rằng, cộng đồng dân cư Phú Yên hầu hết là hậu duệ của lưu dân (người nghèo không sản nghiệp) theo Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh khai khẩn vùng đất mới nên ít có điều kiện cho con cái học hành. Mặt khác do thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân để dễ cai trị nên họ không muốn mở nhiều trường lớp. Ngoài ra còn có cả yếu tố địa lý Phú Yên nằm giữa hai đèo, giao thông cách trở, các bậc phụ huynh không muốn cho con cái đi học xa nhà. Khi tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội hình thành ở Phú Yên năm 1928-1929 và sau đó là sự ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên năm 1930, những người cộng sản Phú Yên rất quan tâm đến phát triển giáo dục. Những hội viên Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên như Phan Thanh, Trần Chương, Võ Thi Trang… và một số Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên như Trần Toại, Huỳnh Nựu, Nguyễn Chấn, Lê Đài… đều là nhà giáo.

 

Sau này, trên bước đường đời, tôi có vinh dự được hầu chuyện các thầy giáo của Trường Lương Văn Chánh từ những ngày đầu thành lập. Các thầy Trần Suyền, Trần Sĩ, Bùi Xuân Các, Võ Hồng… đều rất hào hứng kể lại “cái buổi ban đầu hưng quốc ấy”.

 

Sau Cách mạng Tháng Tám, phiên họp đầu tiên của HĐND tỉnh tháng 5/1946 quyết định thành lập trường trung học đầu tiên của tỉnh Phú Yên. Chủ tịch tỉnh Lê Duy Trinh giao nhiệm vụ cho thầy Trần Suyền (sinh viên năm thứ 2 Trường cao đẳng Nông lâm Đông Dương, Hà Nội), thầy Bùi Xuân Các (tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Hà Nội, đang làm Trưởng ty Thông tin tuyên truyền) là hai bậc trí thức lớn, là đảng viên, cùng thầy Trần Sĩ (Đốc học trước Cách mạng Tháng Tám, đang làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Tuy Hòa) xây dựng trường trung học đầu tiên. Ba thầy thống nhất đặt tên ngôi trường mang tên vị Thành hoàng mở đất Phú Yên Lương Văn Chánh và cũng thống nhất đề cử thầy Trần Sĩ làm Hiệu trưởng đầu tiên. Thầy Trần Suyền chỉ tham gia trong giai đoạn đầu, sau đó được Tỉnh ủy điều động làm công tác khác. Chỉ trong một thời gian ngắn, “Chính ủy” Bùi Xuân Các và “Tư lệnh” Trần Sĩ đề xuất lãnh đạo tỉnh điều động một số trí thức đang công tác ở các ngành về làm giáo viên như thầy Đinh Nho Bát, Đặng Ngọc Cư.

 

Lễ khai giảng năm học đầu tiên ngày 15/10/1946 tại Trường tiểu học Tuy Hòa (nay là Trường THCS Lê Lợi) có 3 lớp đệ nhất niên (lớp 6) với tổng số 120 học sinh.

 

Những bậc thầy tài hoa

 

Chiến tranh ác liệt, nhà trường chuyển đến nhiều nơi như Hóc Lá (Định Phong, An Nghiệp, Tuy An - quê hương thầy Trần Sĩ), An Thổ (An Dân, Tuy An), chùa Phổ Bảo (dưới chân núi Ngang, Đồng Me, Tuy An)…

 

Đội ngũ giáo viên nhà trường là những bậc trí thức lớn lúc bấy giờ như thầy Trần Sĩ, Bùi Xuân Các, Võ Hồng, Huỳnh Diệu, Nguyễn Khải, Trần Kỳ Doanh, Trần Văn Kỳ, Bửu Thọ, Trần Thiện Căn, Hồng Hà, Trần Xuân Nam, các cô giáo Phan Diệu Báu, Lê Trinh, Phan Thị Nga… Học trò Lương Văn Chánh thời ấy nay đã bước vào tuổi “bát tuần thượng thọ”, đều thành nhân và thành danh, vun đắp thêm niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của ngôi trường 70 năm như TS Thái Phụng Nê, GS Nguyễn Quốc Lộc, TS Nguyễn Xuân Đàm, họa sĩ Đặng Ngọc Trân, nhà thơ Trần Huiền Ân, đại tá Phan Văn Kỉnh…

 

Học sinh Lương Văn Chánh thời ấy đều viết chữ rất đẹp. Đó là công lao rèn chữ rèn người của “ông nghè bút thiếp” Bùi Xuân Các có nét chữ đẹp nhất Đông Dương. Học sinh Lương Văn Chánh thời ấy rất nhiều người giỏi văn bởi người thầy rèn văn chương là thầy Bùi Xuân Các và đặc biệt là thầy Võ Hồng (sau này là nhà văn tên tuổi), một câu văn không nên câu thì thầy gọi là “văn chương mõ”.

 

Học sinh Lương Văn Chánh thời ấy rất nhiều người giỏi toán, ngoại ngữ và các môn khoa học tự nhiên… Nhiều người trong số đó đã trở thành những nhà khoa học nổi tiếng, cả trong kỹ thuật quân sự…

 

Từ Trường Lương Văn Chánh thời 9 năm đến Trường Lương Văn Chánh vĩ thanh trong kháng chiến chống Mỹ, Trường Lương Văn Chánh phục sinh sau ngày tái lập tỉnh đã viết tiếp bài ca lao động hùng tráng trong sự nghiệp trồng người.

 

Năm tháng qua đi, tôi vinh dự có 6 năm tham gia Hội Cha mẹ học sinh lớp Toán của Trường Lương Văn Chánh. Một thế hệ mới đang hình thành, thông minh hơn, tài hoa hơn, sức bật mạnh hơn với hàng ngàn trí thức đang cống hiến xuất sắc trên các lĩnh vực. Đó là niềm tự hào không chỉ của thầy và trò nhà trường mà là niềm tự hào lớn lao của người Phú Yên về ngôi trường mang tên vị thành hoàng mở đất.

 

Những bậc thầy Trường Lương Văn Chánh trong hai cuộc chiến tranh và hôm nay để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng phụ huynh và học sinh xứng đáng được tôn vinh 8 chữ vàng “Hối nhân bất quyện, vạn đại vi sư” (Một đời dạy học không mệt mỏi, mãi mãi là thầy).

 

PHAN THANH

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek