Thứ Sáu, 04/10/2024 00:24 SA
70 năm sinh thành trường Lương Văn Chánh:
Những bông hồng tri ân
Thứ Sáu, 14/10/2016 09:24 SA

Thầy cô và cựu học sinh về tham dự hội trường - Ảnh: CTV

LTS: Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, Nhà giáo Ưu tú, TS Nguyễn Xuân Đàm có bài viết về lịch sử hình thành và phát triển của ngôi trường này. Báo Phú Yên trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

 

Trong gió thu mát dịu của đất trời, nghe rộn rã tưng bừng tiếng trống trường đón gần 20 vạn học sinh vào năm học mới và lắng nghe trong đó có tiếng trống mừng 70 năm sinh thành của Trường Lương Văn Chánh. Là một học sinh cũ của trường, lòng tôi biết bao xúc động bồi hồi, biết bao tự hào và luyến nhớ. Nhớ về một cuộc hành trình đầy vẻ vang và gian truân, về đồng đội, về những bông hoa lung linh đầy sắc màu được kết dệt nên từ mồ hôi, nước mắt, từ tình yêu và trí tuệ của nhiều thế hệ thầy trò và người mẹ hiền Phú Yên!

 

1. Niềm vui đầu tiên - tự hào và thử thách

 

Sau niềm vui bất tận về sự đổi đời của cả dân tộc, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Với bao nhiêu công việc bộn bề và khó khăn để xây dựng chính quyền non trẻ, để thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” ngay cuộc họp đầu tiên, HĐND tỉnh (tháng 5/1946) đã quyết định thành lập trường trung học đầu tiên của tỉnh để nâng cao dân trí, đào tạo đội ngũ cán bộ, bồi dưỡng nhân tài để “vừa kháng chiến vừa kiến quốc”. Ông Lê Duy Trinh, Chủ tịch Ủy ban hành chánh tỉnh, đã giao trách nhiệm cho ông Tú Suyền (đại biểu HĐND) và thầy Trần Sĩ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tuy Hòa, chuẩn bị việc xây dựng trường trung học. Ông chủ tịch nói “Cách mạng mới thành công, mọi việc đều khó khăn, thiếu thốn, tỉnh giao cho hai thầy làm sao thì làm!...”

 

Chỉ không đầy 4 tháng sau, ngày 15/10/1946, Trường trung học Lương Văn Chánh ra đời, thầy Trần Sĩ làm hiệu trưởng. Đây là một ngày lịch sử đáng ghi nhớ, một mốc son đánh dấu bước nhảy vọt của nền giáo dục tỉnh Phú Yên (Trước Cách mạng Tháng Tám, cả Phú Yên chỉ có 39 trường tiểu học với 48 giáo viên và 1.200 học sinh. Một số ít người có điều kiện khá giả thì phải ra Bình Định hoặc Huế mới được học ở bậc trung học).

 

Trường khai giảng chưa đầy 2 tháng với 125 học sinh thì lệnh toàn quốc kháng chiến ban ra. Thực hiện tiêu thổ kháng chiến, trường học, cơ quan ở thành thị đều phải tản cư về nông thôn. Trường dời về Hóc Lá, Định Phong, An Nghiệp, Tuy An chỉ còn 17 học sinh theo học, thầy và trò vừa dạy - học vừa tham gia mọi công tác kháng chiến, cày ruộng, trồng khoai, sản xuất tự túc, đi xóa mù chữ, tuyên truyền đời sống mới… Trường cuốn hút vào cuộc kháng chiến, gắn vào đó rồi dần dần cũng phục hồi và phát triển được.

Chiến sự xảy ra nóng bỏng. Trường dời về An Thổ, Ngân Sơn rồi lại về Đồng Me, Núi Ngang, chùa Phổ Bảo… Cuối năm 1949, cuộc kháng chiến chống Pháp chuyển sang giai đoạn chuẩn bị tổng phản công. Hưởng ứng lời kêu gọi của tiền tuyến, với tình yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sục sôi, gần 400 học sinh của trường kéo nhau lên tỉnh xin “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Năm ấy tôi mới được vào lớp đệ nhất niên, còn bé tí, cũng theo các anh đòi đi bộ đội… Nhưng ở trên chỉ chọn 40 anh lớn đủ lập một trung đội vệ quốc quân, còn lại phải trở về lo nhiệm vụ học tập để kiến thiết Tổ quốc mai sau.

 

Năm 1950, quy mô trường có 1 lớp đệ tứ, 2 lớp đệ tam, 3 lớp đệ nhị và 5 lớp đệ nhất. Để giữ trọn lời hứa với đàn anh ra đi cứu nước, anh chị em chúng tôi khắc phục mọi khó khăn, bão lụt, đói kém, địch bắn phá ác liệt, mà nỗ lực học thật tốt và sẵn sàng chờ lệnh khi Tổ quốc cần.

 

Năm ấy, Trường Lương Văn Chánh đạt kết quả xuất sắc, tham gia kỳ thi Hội toàn Liên khu 5, anh Cao Chi lớp đệ tứ đạt thủ khoa, đem lại niềm vinh dự tự hào cho Phú Yên. Còn khối lớp đệ nhất, anh Nguyễn Đình Điện được chọn thi môn Toán, tôi thi môn Văn. Anh Điện đoạt giải nhất, còn tôi không được giải, chỉ được tuyên dương. Học sinh lớp đệ tứ thi tốt nghiệp đậu 100%, học sinh các khối đều được lên lớp. Sau 4 năm cuốn hút, rèn luyện và trưởng thành trong cuộc kháng chiến, Trường Lương Văn Chánh đã hoàn thành xuất sắc trọn vẹn một chu trình cấp 2. Nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến, Trường Lương Văn Chánh và thầy hiệu trưởng được tuyên dương toàn Liên khu 5.

 

2. Chia đàn, sự nảy nở sinh sôi

 

Trong năm ấy, năm học 1950-1951, một sự kiện lịch sử lại đến với trường chúng tôi. Thực hiện công cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất của Hội đồng Chính phủ (tháng 7/1950) nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề giáo dục từ tính chất, mục tiêu, phương châm giáo dục đến hệ thống tổ chức trường lớp, bộ máy quản lý ngành. Đồng thời để phù hợp với tình hình của cuộc kháng chiến ngày càng ác liệt, việc để một trường trung học tập trung đông đảo học sinh là không an toàn, Ủy ban Hành chánh tỉnh đã quyết định chia tách Trường trung học Lương Văn Chánh thành 3 trường cấp 2:

 

- Trường cấp 2 Tuy An (từ Đồng Me chuyển xuống Chợ Len và cũng là cái gốc nên vẫn được gọi là Trường cấp 2 Lương Văn Chánh. Thầy Trần Sĩ tiếp tục làm hiệu trường đến năm 1952, sau đó chuyển về làm Trưởng ty Giáo dục. Từ 1952 đến 1955 là thầy Bùi Xuân Các, thầy Võ Hồng, thầy Nguyễn Chí Thống. Thầy Nguyễn Canh là hiệu trưởng cuối cùng (năm 1954). Trường cấp 2 Tuy Hòa đóng ở thôn Định Thành, Tuy Hòa, thầy Huỳnh Diệu làm hiệu trưởng; Trường cấp 2 Đồng Xuân đóng ở Xuân Lộc, thầy Phạm Bôn làm hiệu trưởng.

 

Cuối năm 1950, Trường cấp 2 Tuy Hòa lại tách làm 2, thành Trường cấp 2 Tuy Hòa 2 đóng ở thôn Phong Niên, Hòa Thắng (thầy Trần Xuân Nam làm hiệu trưởng) và Trường cấp 2 Tuy Hòa 1 đóng ở Cảnh Phước, Hòa Tân (thầy Trần Thiện làm làm hiệu trưởng).

 

Thầy Trần Sĩ, người cha đẻ của Trường trung học Lương Văn Chánh, đồng thời cũng là Trưởng Ty Giáo dục Phú Yên phát biểu trong niềm hân hoan: “Đây là một cuộc chia đàn” - Chia đàn vui vẻ và tự hào. Ong chia tổ, cội nảy cành. Thật sự sinh sôi nảy nở ngoạn mục. Trong chiến tranh ác liệt mà chỉ từ một trường trung học đệ nhất cấp, 4 năm sau đã phát triển thành một hệ thống 5 trường cấp 2 với 1.350 học sinh, 34 lớp và 46 giáo viên thì thật là một chiến thắng vẻ vang trên mặt trận văn hóa giáo dục.

 

Các anh lớp đệ tứ vừa tốt nghiệp (tương đương lớp 9 hiện nay) hầu hết đều được đi học lớp sư phạm cấp tốc, trở thành thầy giáo để dạy ở các trường cấp 2 mới thành lập.

 

Như vậy từ năm 1950 trở về sau, Trường Lương Văn Chánh không còn độc tôn nữa mà vinh dự được làm con chim đầu đàn, làm người anh cả cầm cờ đầu trong đội ngũ trường cấp 2 có 5 anh em cùng sánh bước tiến lên. Mỗi trường đóng ở một địa phương, thành một đơn vị cơ sở giáo dục, không phải là phân hiệu của nhau mà bình đẳng, độc lập phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình cho đến ngày hòa bình lập lại tháng 9/1954(1).

 

Thực hiện Hiệp định Geneva, đất nước ta, nhân dân tỉnh nhà phải chấp nhận một cuộc chia tay lịch sử và lại bắt đầu một cuộc chiến đấu mới, vô cùng ác liệt. Nhà đương cục miền Nam cùng với quan thân Pháp - Mỹ bằng mọi thủ đoạn đàn áp vô cùng dã man hòng xóa bỏ mọi thành tựu của 9 năm kháng chiến chống Pháp, xóa cả thành quả của ngành Giáo dục cách mạng, thực hiện âm mưu chia cắt đất nước ta lâu dài. Song nhân dân miền Nam, tỉnh Phú Yên ta quyết không can tâm một lần nữa làm nô lệ, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bùng lên dữ dội trong máu lửa. Và ngày càng giành nhiều thắng lợi cùng với sự chi viện mạnh mẽ toàn diện của miền Bắc XHCN, trong đó có các thầy cô giáo cùng vào chia lửa, chia chữ với bà con miền Nam, với đồng nghiệp Phú Yên. Đến năm 1965, nhiều vùng giải phóng được mở ra, nhu cầu học tập văn hóa lại được nhen nhóm và phát triển, từ những nhóm học bình dân đến các lớp học cấp 1 và tiến lên cấp 2 được tổ chức và mở rộng.

 

Lần lượt các trường cấp 2 Chân Bầu (Hòa Thịnh), cấp 2 Tuy An, cấp 2 Sông Cầu, cấp 2 Đồng Xuân được thành lập. Thầy và trò kiên cường, dũng cảm bám lớp, bám trường dạy và học trong lửa đạn chiến tranh, nhiều hy sinh mất mát nhưng vẫn đứng vững như một mũi giáp công góp phần vào chiến thắng vẻ vang - Đại thắng mùa Xuân 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông về một nhà, ngành Giáo dục Việt Nam về một mối. Thầy trò cả hai miền Nam Bắc cùng chung sức, chung lòng, chung trí tuệ xây dựng nền giáo dục cách mạng thống nhất theo tinh thần cuộc cải cách giáo dục lần thứ 3 của Đảng và Nhà nước (1979). Trong 16 năm sáp nhập tỉnh Phú Yên với Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh, giáo dục bắc Phú Khánh (Phú Yên) vẫn tiếp tục giữ vững và phát triển trong cuộc hồi sinh không ít vất vả gian lao song vẫn đạt được những thành tích vượt trội so với phong trào nam Phú Khánh. Nhưng trong những thành tựu đạt được trong giai đoạn này vẫn vắng mặt Trường Lương Văn Chánh.

 

3. Châu về hợp phố

 

Chim xa bầy vẫn thương cây nhớ cội. Ong chia đàn vẫn nhớ tổ xưa. Qua các nẻo đường giông bão máu lửa của hai cuộc kháng chiến cứu nước, và những ngày đầu của sự hồi sinh đầy vất vả, gian truân, nhân dân và thanh niên, học sinh thời kháng chiến muốn có được một mái trường để làm nơi đoàn tụ. Ngày 5/9/1988, UBND tỉnh Phú Khánh ra quyết định thành lập mới Trường cấp 2 đặt tại TX Tuy Hòa mang tên trường Lương Văn Chánh. Một niềm vui, niềm hạnh phúc vỡ òa! Thế là từ ngày chia đàn đến ngày vui tái lập phải mất 38 năm dài! (1950-1988).

 

Thầy trò cùng bà con Tuy Hòa ríu rít bắt tay xây dựng trường mới từ việc mượn ngôi trường tiểu học tư thục Bình Mỹ của cụ Trần Đắc Khoa, tuy đơn sơ, chật hẹp nhưng ấm cúng, gợi nhớ lại Trường Lương Văn Chánh xưa nằm ở góc đường Phan Đình Phùng - Yersin, Trường tiểu học Tuy Hòa số lượng học sinh ban đầu cũng khoảng 100 em do thầy Nguyễn Ngọc Ảnh làm Hiệu trưởng.

 

Năm 1989, Phú Yên tái lập. Tháng 10, UBND tỉnh Phú Yên ra quyết định thành lập Trường cấp 3 Lương Văn Chánh. Năm học 1993-1994 hợp nhất 2 trường thành Trường năng khiếu cấp 2-3 Lương Văn Chánh. Đến năm học 1998-1999 lại tách bộ phận cấp 2 thành lập Trường THCS Lương Thế Vinh, và Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh chính thức đứng vào đội hình các trường chuyên cả nước.

 

Với tất cả tình cảm và lòng tin cậy, cùng những điều kiện cao nhất có thể, Tỉnh ủy, UBND tỉnh dành mọi ưu ái cho Trường Lương Văn Chánh để đạt được mục tiêu của trường chuyên do Bộ Giáo dục đề ra. Muốn Trường Lương Văn Chánh có một ngôi trường đàng hoàng để thầy trò khỏi phải chạy vạy tá túc ngược xuôi tội nghiệp, cụ Trần Suyền, cựu Bí thư Tỉnh ủy, người sáng lập Trường Lương Văn Chánh năm xưa, vẫn đau đáu về “đứa con” đầu đời của mình. Anh và tôi cùng liên hệ xin lấy địa điểm Trường cấp 2 phường 4 để xây dựng Trường Lương Văn Chánh. Dẫu bằng mọi sự thuyết phục và chuyển đổi tốt đẹp nhưng lãnh đạo phường 4 vẫn không đồng ý. Hai anh em tôi ra ngồi xổm ở sân Bưu điện Tuy Hòa trong đêm không điện chỉ có ánh sao mờ mà bàn tìm địa điểm khác cho trường. Tháng sau, Chủ tịch Lê Văn Hữu cùng tôi đặt viên đá mở móng xây trường chuyên trên bãi cát nắng gió mịt mù. Nhiều thầy cô tỏ ý e ngại, băn khoăn cho khí hậu khắc nghiệt, sức khỏe không đảm bảo. Phó Chủ tịch Trần Minh Mạch nói dí dỏm: Ủy ban đã tìm được nơi long mạch địa linh để mời quý thầy cô về. Nếu ai muốn tìm nơi kín gió, êm mưa xin mời lên Sông Hinh, Phú Mỡ! Và đầu năm 1995, một ngôi trường khang trang, đẹp đẽ, hiện đại nhất lúc bấy giờ, một lâu đài giáo dục đã được trao cho Trường Lương Văn Chánh cũng là trao cả niềm ký ức, một truyền thống vẻ vang và nhiệm vụ mới trọng đại.

 

Lịch sử Trường Lương Văn Chánh không như một dòng sông gió xuôi chảy êm đềm liên tục theo thời gian, mà nó vẫn còn là dòng sông trẻ đang tìm đường, vượt qua nhiều ghềnh thác quanh co, có thời gian dài nó lặng chìm trong bão tố chiến tranh, luồn sâu trong lòng đất mẹ, không còn hiện hữu một cái tên, một ngôi trường, một đơn vị giáo dục, rồi một ngày như một định mệnh nó lại bật lên phun trào. Nước đã tìm được dòng xưa, rồi chảy chan hòa cùng những dòng sông khác xuôi ra biển cả. Hạt ngọc đã tìm về dòng hợp phố! Trường Lương Văn Chánh năm xưa trở lại, có mặt trong hệ thống giáo dục quê hương (từ năm 1988 đến nay)!

 

4. Những bông hồng tri ân

 

Nói là 70 năm sinh - thành Trường Lương Văn Chánh, nhưng thực sự nhà trường chỉ hoạt động trong chính danh mới được 32 năm. Giai đoạn đầu, trong kháng chiến chống Pháp, từ ngày thành lập năm 1946 đến “chia đàn” theo cải cách giáo dục lần 1 (1950) mới được 4 năm. Giai đoạn từ ngày tái lập đến nay (1988-2016) được 28 năm. Với 32 năm tổng cộng hoạt động là một ngôi trường đang độ trưởng thành. Với 70 năm ra đời và phát triển trong nền giáo dục dân tộc gắn liền với lịch sử cách mạng nước nhà, Trường Lương Văn Chánh là một trong 13 trường trung học được thành lập sớm nhất sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công: Nó là sản phẩm lâu đời quý giá của nền quốc học nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (Hà Nội: 1, Khu 3: 1, Khu IV: 3, Việt Bắc: 2, Khu 5: 3, Nam Bộ: 2)(2) Trường Lương Văn Chánh là trường trung học đệ nhất cấp (cấp 2), Trường Nguyễn Huệ (Bình Định: trường cấp 3, nhưng chỉ có lớp 8), Trường Lê Khiết (Quảng Ngãi, cấp 3 - toàn cấp có cả lớp 8, lớp 9) nhưng trường ta được đánh giá là trường tốt, chất lượng cao trong công tác dạy và học, phục vụ kháng chiến có tiếng trong cả liên khu 5 và cả nước. Chỉ trong 4 năm, nhà trường đã đào tạo được trên 400 học sinh trở thành những công dân tốt, lao động cần cù, chiến sĩ dũng cảm và những cán bộ có năng lực hoạt động tốt trên các mặt công tác trên các chiến trường. Ở đâu cũng có những tấm gương xuất sắc, những dấu ấn tiêu biểu từ học sinh Lương Văn Chánh.

 

Trên mặt trận quân sự, Trương Lợi Định, trong trận chống càn ở ga Gò Mầm, đã anh dũng chiến đấu tiêu diệt hàng chục tên Pháp. Anh bị thương nặng, bị địch bắt, chúng xăm nát cả người anh, vứt xác anh vào đám gai xương rồng. Dân làng thương tiếc anh, đưa anh về chôn cất và làm miếu thờ cúng anh. Anh là người chiến sĩ cuối cùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã ngã xuống trên quê hương khi chỉ còn 19 ngày nữa là Hiệp định Geneva được ký kết, hòa bình được lập lại. Anh ra đi khi trên tay còn ôm tấm bằng tốt nghiệp lớp 7 của Trường Lương Văn Chánh giữa tuổi 19 xuân xanh!

 

Anh Lê Công Hậu, người học sinh đệ tam niên khóa 1949-1950 trong trung đội vệ quốc quân 40 chiến sĩ Lương Văn Chánh lên đường chuẩn bị tổng phản công đã trở thành một sĩ quan pháo binh tài giỏi dội bão lửa xuống đầu quân Pháp trong trận thắng mở đầu Him Lam đến trận cuối cùng ở Đồi A1 đem lại toàn thắng Điện Biên lừng lẫy địa cầu. Anh vượt Trường Sơn mong ước được về giải phóng quê hương Phú Yên, tiếc thay anh lại hy sinh trong cuộc chiến đấu trên đường hành quân qua Đắk Lắk năm 1963. Ở tuổi 32, anh chưa thực hiện được tâm nguyện của mình, đành gửi lại cho trên 20 sĩ quan cao cấp hàm đại tá và những chiến sĩ đồng môn thân yêu!

 

Lứa học sinh ưu tú đầu tiên của nhà trường đã đạt nhiều thành công lớn trên đường học vấn. Đã có trên 50 người trở thành giáo sư, tiến sĩ, những chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật - công nghệ, khoa học xã hội nhân văn… của nước nhà. GS Cao Chi, cậu học sinh thủ khoa kỳ thi Hội của Khu 5 năm 1950 là một trong bốn nhà khoa học nguyên tử dẫn đầu của Việt Nam, là một trong tám tác giả của nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận trong tương lai. GS.TSKH Trần Mạnh Trí, con trai của thầy Hiệu trưởng Trần Sĩ, là chuyên gia đầu ngành về hóa dầu, là thành viên của gia đình có 4 tiến sĩ. GS.TS - Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Đình Điện, người sáng lập ra môn học “Hình học Họa hình”. Anh qua đời ở tuổi 60, để lại một khoảng trống chưa biết bao giờ được lấp kín. GS.TSKH Phan Thanh Phượng, nhà khoa học nữ hiếm hoi của Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Thú y Việt Nam, đạt giải thưởng Koralevskaia, 2 giải thưởng VIFOTEX. PGS.TS - Nhà giáo Nhân dân Trần Minh Quang, chuyên gia đầu ngành cảng biển Việt Nam. TS Trương Đình Hiển, cha đẻ của Nhà máy lọc dầu Dung Quất và cả hệ thống cảng nước sâu Chân Mây, Vũng Áng, Nhơn Hội…, người được mệnh danh là người mở đường ra biển lớn. Và nổi bật như là một hiện tượng người công dân mẫu mực, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy xuất sắc của quê hương - TS Thái Phụng Nê, Anh hùng Lao động, Bắc đẩu bội tinh cấp Hiệp sĩ nước Cộng hòa Pháp. Ông là “người hùng thủy điện” từ thủy điện Thác Bà, Hòa Bình, Sông Hinh, Y-a-li, đến Sơn La, Lai Châu…, người thắp sáng các dòng sông, đem lại nguồn nước mát lành cho đồng ruộng xanh tươi, một tấm gương đạo đức về cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư, rực rỡ sáng ngời tấm Huân chương Hồ Chí Minh.

 

Nhiều học sinh Lương Văn Chánh trở thành thầy giáo, suốt đời cần mẫn, âm thầm đem ánh sáng văn hóa cho người dân trong phong trào xóa nạn mù chữ, xây dựng trường phổ thông qua 2 cuộc kháng chiến như thầy Nguyễn Chư, Nguyễn Cách, Nguyễn Tài Sum… Có người lặn lội vào tận bưng biền Đồng Tháp, Tây Ninh, Mỹ Tho để đào tạo giáo viên, cán bộ giáo dục ở Nam Bộ, vừa luồn sâu trong vùng địch, vùng yếu gầy dựng phong trào, vừa cầm phấn, vừa cầm súng chiến đấu bảo vệ hàng chục học sinh ở Giềng Trôm, Bến Tre nên xót lòng bao nhiêu khi nghe tin các em bé quê mình bị máy bay Mỹ tàn sát ở Trường cấp 2 Chân Bầu (Hòa Thịnh), mà càng nóng lòng được trở về với Trường Lương Văn Chánh.

 

Có bao nhiêu bạn khác không có điều kiện thoát ly thì bám trụ làng quê làm người nông dân làm ra hạt thóc, củ khoai nuôi quân kháng chiến như chị Huỳnh Thị Phẩm, anh Diệp Văn Biên, Nguyễn Tưởng. Người ở đô thị thì tham gia các hội, đoàn yêu nước, ủng hộ phong trào sinh viên học sinh như Nguyễn Đảm, Đặng Chí Hồi, Nguyễn Chiêu, Nguyễn Thị Hảo, Tô Thị Én…Các bạn vẫn giữ vững niềm tin ở tương lai về một quê hương thống nhất đã ươm mầm từ những ngày Hóc Bé, Lò Tre, từ tình thương của cô Nga, cô Báu, từ lời giảng của các thầy Bùi Xuân Các, Võ Hồng, Nguyễn Thiện Căn, Nguyễn Lòng… Biết bao ký ức của một thời đã níu kéo, gìn giữ, thắt chặt tình yêu và trí tuệ để chuyển lại cho thế hệ Lương Văn Chánh tươi mới sau này.

 

Tại ngôi trường tọa lạc ở ngã tư Phan Lưu Thanh - Trường Chinh (phường 7, TP Tuy Hòa), những hàng cây cổ thụ đã vươn lên tươi xanh, tỏa bóng mát, chim đã về làm tổ. Đã 26 mùa gieo hạt, và những mùa vàng bội thu… Hơn nửa vạn học sinh THPT đã tốt nghiệp, hàng trăm em đạt giải thưởng trong các kỳ thi quốc gia, khu vực. Trường luôn giữ vững lá cờ đầu trong chất lượng dạy và học. Học sinh Lương Văn Chánh, học sinh Phú Yên nổi tiếng là cần cù, chịu khó, thông minh, học giỏi. Đến nay đã có gần 30 em đạt học vị tiến sĩ, có em đạt chức danh Phó giáo sư, nhiều em là thạc sĩ, nhà báo, doanh nhân, cán bộ công chức viên chức hoạt động thành công trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội ở trong tỉnh, trong nước, nước ngoài. Và hơn thế nữa, nhiều em trở thành công nhân, nông dân cần cù lao động sáng tạo xây dựng nông thôn mới, những chiến sĩ trẻ đang cầm chắc tay súng giữ vững biên cương đất liền, giữ biển đảo trên các nhà giàn DK. Những kỹ sư lao động gian khổ trên các giàn khoan, khai thác dầu khí làm giàu cho Tổ quốc, và ngày đêm thắp sáng ngọn lửa FAKEN soi sáng biển Đông làm rát mặt kẻ thù…

Tôi đã thuộc lớp người “cổ lai hy”, không biết đủ, không quen biết những gương mặt tươi non, thông minh, đáng yêu, thân thiện của lớp bạn hậu sinh. Song tôi tin chắc rằng, tất cả chúng ta đều xứng đáng là những công dân tốt, lao động tốt, chiến sĩ tốt của đất nước, quê hương như Bác Hồ đã căn dặn, xứng đáng là những bông hồng tươi đẹp dâng lên Ngày lễ trọng đại - 70 năm sinh thành của Trường Lương Văn Chánh,

 

xứng đáng là những “bông hồng tri ân báo hiếu” với các bậc tiền nhân, ông bà cha mẹ, các thế hệ lãnh đạo ngành Giáo dục, lãnh đạo nhà trường, các thầy cô giáo - những tinh hoa giáo dục của cả nước hội tụ từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Cảm ơn Hội Thầy trò Lương Văn Chánh, các vị phụ huynh học sinh đã gửi trọn tình yêu và sự chăm sóc ân cần, sinh thành dưỡng dục, để các thế hệ học sinh chúng ta giữ vững, phát huy truyền thống “yêu nước - học giỏi - kính thầy - mến bạn”, để chúng ta nên người hôm nay! Xứng đáng là hậu duệ của Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh mà trường chúng ta vinh dự được mang tên, xứng đáng người công dân của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời hội nhập quốc tế.

 

Chúng ta không tự bằng lòng với xứ sở chỉ có “hoa vàng và cỏ xanh”, không tự so sánh mình với ngày hôm qua, mà phải hỏi mình đang ở vị trí nào trong đội hình 64 trường chuyên trong cả nước, để có đủ ý chí, nghị lực và trí tuệ vươn lên tầm cao thời đại, để có khát vọng và những hoạt động cụ thể để biến mảnh đất và “mỗi tấc giang sơn - một dòng máu đỏ” thành mảnh đất đáng sống của muôn đời con cháu!

 

… Chúng ta con cháu “Phù Nghĩa hầu”

từ bùn lầy lau lách bước ra

từ ngày sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

Như một chùm pháo hoa

trong ngày vui đại thắng

Chụm vào

rồi lại xòe ra

Lấp lánh…

Muôn màu

Ánh sáng!

------

(1) Lịch sử giáo dục Phú Yên trang 111-113

(2) Theo 50 năm lịch sử giáo dục cách mạng Việt Nam - NXB Giáo dục

 

 

NGƯT-TS NGUYỄN XUÂN ĐÀM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek