Chủ Nhật, 06/10/2024 03:05 SA
Liên kết, hợp tác cùng phát triển
Thứ Hai, 22/08/2016 13:00 CH

Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, nhiều năm qua, năng suất nông sản không ngừng tăng lên nhưng lợi tức của nông dân lại không tăng lên tương ứng. Trước thực trạng đó, mới đây, Bộ KH-CN và UBND tỉnh đã tổ chức hội thảo khoa học nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, đổi mới công nghệ sản xuất các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị của vùng Nam Trung Bộ. Báo Phú Yên ghi lại ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học xoay quanh vấn đề này.

 

GS HOÀNG VĂN PHONG, PHÁI VIÊN CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KH-CN, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG CHÍNH SÁCH KH-CN QUỐC GIA: Tăng số lượng doanh nghiệp để giải quyết đầu ra cho nông sản

 

Công nghệ là phương tiện, công cụ và bí quyết để cạnh tranh trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, công nghệ cần có doanh nghiệp mới tồn tại và phát triển. Bởi vậy, doanh nghiệp chính là chủ thể, là trung tâm của quá trình đổi mới công nghệ sản xuất, là người tìm kiếm nhu cầu của xã hội và tạo ra sản phẩm có giá trị để đáp ứng nhu cầu đó. Qua việc nắm bắt tình hình sản xuất của địa phương, nhu cầu của thị trường, chính các doanh nghiệp sẽ phát hiện ra địa phương có những sản phẩm gì nổi bật? Thị trường cần sản phẩm gì?... Để từ đó, doanh nghiệp đề xuất kịch bản sản xuất và dẫn dắt người dân cùng tham gia sản xuất.

 

Từ những phân tích trên cho thấy, điều cần làm hiện nay là tạo ra càng nhiều doanh nghiệp càng tốt. Muốn vậy, từ lãnh đạo tỉnh đến các cơ quan chức năng, cộng đồng doanh nghiệp cần tạo động lực, thổi khát vọng làm giàu, tinh thần khởi nghiệp vào những người dân có tâm huyết đang sinh sống ở vùng Nam Trung Bộ để họ đứng ra đảm đương vai trò tổ chức sản xuất. Đồng thời, với những cá nhân, đơn vị không tham gia sản xuất trực tiếp thì vẫn có thể thể hiện sự quan tâm của mình bằng cách hỗ trợ về cơ chế chính sách, về vốn và công nghệ để giúp các doanh nghiệp vượt khó, tạo ra sản phẩm. Việc tăng số lượng doanh nghiệp sẽ giải quyết đầu ra cho nông sản, tạo công ăn việc làm cho người lao động và giải quyết hàng loạt vấn đề khác. Trong quá trình đó, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn và các điều kiện khác.

 

ÔNG TRẦN VĂN TÙNG, THỨ TRƯỞNG BỘ KH-CN: Liên kết để phát triển sản phẩm đặc thù của địa phương

 

Thời gian qua, KH-CN được ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp đã góp phần đáng kể trong việc làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, để ứng dụng KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp nhanh và bền vững, nhà quản lý, nhà nông, doanh nghiệp cần chú trọng đến vai trò của sự liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực, trọng điểm quốc gia. Để xây dựng chuỗi liên kết này, trước tiên, cơ quan chức năng cần phải tăng cường chuyển giao KH-CN cho doanh nghiệp, người nông dân bằng cách đẩy mạnh hợp tác giữa hệ thống nghiên cứu KH-CN Nhà nước với tư nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân.

 

Thế nhưng, trước khi nói đến liên kết hay hợp tác, địa phương cần xem xét các sản phẩm chủ lực của vùng Nam Trung Bộ là gì để đề ra biện pháp ứng dụng tiến bộ KH-CN phát triển các sản phẩm trên. Khi đã tìm ra được sản phẩm đặc thù, các nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học sẽ cùng tham gia vào quá trình hỗ trợ để doanh nghiệp, người dân đang sinh sống tại vùng Nam Trung Bộ mạnh dạn đưa các sản phẩm này đi vào sản xuất, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng.

 

TS HỒ HUY CƯỜNG, VIỆN TRƯỞNG VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘ: Đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ

 

Hiện nay, nông dân là những người trực tiếp tạo ra sản phẩm nhưng lợi nhuận họ thu được chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Lý do là vì việc ứng dụng KH-CN trong sản xuất nông nghiệp chưa được người dân thực hiện đồng bộ; việc nhanh chóng đưa các giống mới vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn; việc tưới tiết kiệm nước chưa được triển khai rộng rãi khiến lượng nước thất thoát nhiều mà năng suất cây trồng lại không cao. Bên cạnh đó, việc người dân quá lạm dụng phân vô cơ cũng gây tốn kém và làm cho nền sản xuất nông nghiệp phát triển không bền vững. Các sản phẩm chủ lực chỉ mới tiêu thụ ở dạng thô, giá trị gia tăng không cao dẫn đến thu nhập của người dân thấp. Chuỗi liên kết giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ còn thiếu sự chặt chẽ làm cho nền sản xuất bấp bênh...

 

Để tháo gỡ những vấn đề trên, người dân vùng Nam Trung Bộ cần chuyển đổi các cây trồng nước kém hiệu quả sang những cây trồng cạn; phát huy lợi thế lệch vụ lúa của vùng Nam Trung Bộ so với các tỉnh Bắc Trung Bộ để cung cấp lúa cho các địa phương này; phát huy lợi thế lệch vụ cây ăn quả so với các tỉnh phía Nam để có kế hoạch xây dựng các vùng trồng cây ăn quả và cung cấp ra thị trường vào những thời điểm khan hiếm. Muốn làm được những điều trên, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân cần phải xây dựng, hoàn thiện chuỗi liên kết từ khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ để nâng cao giá trị nông sản, mang lại lợi ích cho các bên.

 

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH PHAN ĐÌNH PHÙNG: Hợp tác để phát huy tiềm năng và thế mạnh của vùng

 

Trong nhiệm vụ KH-CN đến năm 2020, UBND tỉnh đã xác định sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động KH-CN, đưa KH-CN trở thành động lực thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển; ưu tiên nguồn lực cho phát triển KH-CN. Phú Yên phấn đấu đến năm 2020, trình độ KH-CN trong tỉnh đạt khá so với các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và trung bình khá so với cả nước; từng bước hình thành phát triển thị trường KH-CN. Để làm được những điều trên, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất và đời sống; mở rộng hợp tác KH-CN nhằm thu hút, tiếp nhận công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhất là các lĩnh vực tỉnh đang cần.

 

Tỉnh mong muốn các nhà khoa học, nhà quản lý tích cực đóng góp ý tưởng, đề xuất các giải pháp để Phú Yên có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả nhằm phát triển sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị, hình thành mạng lưới mô hình hợp tác nghiên cứu, đổi mới công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới và làm chủ công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch và chế biến sản phẩm nông nghiệp… Qua đó phát huy tiềm năng và thế mạnh về nông nghiệp của vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

 THÁI HÀ (ghi)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek