Chủ Nhật, 06/10/2024 15:18 CH
Chuyển giao kỹ thuật trồng rong nho:
Tạo nghề mới cho người dân Sông Cầu
Thứ Hai, 08/08/2016 12:39 CH

Trước thực tế nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng dịch bệnh gây tổn thất cho người dân, đối tượng rong nho với khả năng cải tạo nền đáy của ao nuôi, thân thiện với môi trường và mang lại nguồn thu ổn định đang góp phần mở ra ngành nghề mới triển vọng cho người dân nuôi tôm vùng ven biển TX Sông Cầu.

 

TS Thái Ngọc Chiến (trái) cùng PGS.TS Nguyễn Hữu Đại kiểm tra chất lượng rong nho được nuôi trồng tại TX Sông Cầu - Ảnh: THÁI HÀ

 

Đối tượng nuôi trồng mới

 

Ông Nguyễn Thái Hải Anh, chuyên viên Phòng Kinh tế TX Sông Cầu cho biết, rong nho là loại tảo biển quý hiếm, được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III chuyển giao kỹ thuật nuôi cho 96 hộ dân sống ven biển TX Sông Cầu nhằm giúp họ nắm bắt kỹ thuật để có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế. Khi dự án chưa kết thúc, đã có thêm hai hộ dân tiếp tục nhân rộng mô hình vì nhận thấy hiệu quả mà dự án mang lại. UBND TX Sông Cầu cũng xác định đây là đối tượng nuôi trồng mới, thân thiện với môi trường và giúp người dân có thu nhập ổn định nên có kế hoạch sẽ triển khai nhân rộng trong thời gian tới.

Theo báo cáo của UBND TX Sông Cầu, năm 2015, tổng diện tích ao, đìa đưa vào thả nuôi các loại hải sản tại địa phương này là 756ha; trong đó, tôm sú 159,5ha, tôm thẻ chân trắng 218ha. Tổng số lồng nuôi tôm hùm thương phẩm là 19.343 lồng. Mặc dù là đối tượng nuôi chủ lực từng làm nên sự “thay da đổi thịt” của vùng ven biển TX Sông Cầu, nhưng những năm gần đây, tình trạng dịch bệnh trên con tôm (do tác động của biến đổi khí hậu, do việc xả thải của các hoạt động nuôi và việc sử dụng hóa chất bừa bãi) khiến nhiều người nuôi tôm điêu đứng. Trước thực tế đó, việc tìm ra đối tượng nuôi mới thay thế cho các đối tượng nuôi không hiệu quả là nhu cầu cấp bách.

 

Là đơn vị nắm vững công nghệ sản xuất rong nho, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III mà cụ thể là TS Thái Ngọc Chiến, Trưởng Phòng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đã khảo sát và kết luận rong nho sinh trưởng tốt trong điều kiện tự nhiên của Phú Yên. Nếu được chuyển giao đúng kỹ thuật, người trồng rong nho sẽ có nguồn thu nhập ổn định. Trên cơ sở đó, TS Thái Ngọc Chiến đã mạnh dạn hợp tác với Công ty TNHH Bá Hải và hộ ông Lương Khắc Lâm (phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa) xây dựng 2 mô hình trồng rong nho tại vùng biển vịnh Xuân Đài; hoàn thiện quy trình sơ chế rong nho, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đào tạo kỹ thuật viên cơ sở trồng và chế biến rong nho…

 

Ông Lương Khắc Lâm cho biết, trong một năm, trừ 3 tháng mùa mưa rong nho ít phát triển thì các tháng còn lại, mỗi tháng người trồng thu hoạch rong một lần với thu nhập khoảng 20 triệu đồng/3.000m2 ao. Với đặc điểm vùng ven biển vịnh Xuân Đài là nơi có nhiều ao nuôi tôm bị bỏ hoang thì việc đưa vào trồng rong nho sẽ góp phần tránh lãng phí, cải tạo môi trường nuôi tôm và giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định.

 

Hiện nay, mỗi ngày, cơ sở sản xuất rong nho của ông Lương Khắc Lâm bán ra khoảng 100kg rong nho cho thị trường TP Tuy Hòa và Nha Trang với giá 100.000 đồng/kg. Vì ao nuôi gia đình không đủ cung cấp nên ông Lâm phải thu mua thêm từ các ao khác, tuy nhiên, số lượng vẫn rất hạn chế nên ông dự định mở rộng quy mô sản xuất.

 

Theo kỹ sư Nguyễn Khắc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, Sở NN-PTNT, hiện nhiều ao nuôi tôm của người dân tại TX Sông Cầu bị ô nhiễm phải bỏ hoang. Vì vậy, việc đưa đối tượng rong nho vào trồng chẳng những làm phong phú đối tượng nuôi trồng, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ người tiêu dùng mà còn góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người dân vùng ven biển TX Sông Cầu.

 

Nâng cao chất lượng, hướng đến thị trường xuất khẩu

 

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đại, nguyên Trưởng Phòng Thực vật biển, Viện Hải dương học Nha Trang, rong nho là loại rau xanh của biển, được các nước trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản sử dụng từ lâu đời. Tuy hàm lượng chất dinh dưỡng (đường, đạm) trong rong nho không cao nhưng chúng chứa nhiều nguyên tố vi lượng làm tăng nhu động ruột, có lợi cho sự phát triển của sinh vật. Tuy nhiên, hiện nhu cầu rong nho trên thị trường trong nước là chưa cao và một thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh cũng chỉ tiêu thụ được 100kg rong nho/ngày. Vì vậy, muốn nghề trồng rong nho phát triển bền vững, lâu dài, thì việc phát triển diện tích ao nuôi trồng không thể ồ ạt mà phải hướng đến nâng cao chất lượng của sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm và hướng ra thị trường xuất khẩu. “Nếu sản xuất được rong nho có hình thức sạch, đẹp, không chia nhánh; đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thì tôi cam kết, người nông dân trồng được bao nhiêu tôi sẽ thu mua bấy nhiêu”, PGS-TS Nguyễn Hữu Đại, hiện là đầu mối để đưa sản phẩm rong nho của Việt Nam sang Nhật Bản cho biết.

 

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đại, Nhật Bản tuy là nước đã sử dụng nhiều rong nho nhưng do điều kiện tự nhiên không phù hợp nên chất lượng rong nho so với Việt Nam không cao bằng. Nhờ đó, sản phẩm rong nho của Việt Nam đưa sang Nhật Bản có lợi thế cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, những sản phẩm rong nho do nông dân Phú Yên sản xuất hiện nay chất lượng chưa cao và chưa thể thâm nhập vào thị trường này. PGS-TS Nguyễn Hữu Đại cho biết trong thời gian tới sẽ hỗ trợ về kỹ thuật trồng, cải tạo môi trường ao nuôi để nâng cao chất lượng của sản phẩm rong nho. Tuy nhiên, mặt hàng rong nho hiện nay có một hạn chế là: rong nho tươi bảo quản ở nhiệt độ tự nhiên chỉ sử dụng được trong vòng 1 tuần, rong nho muối sử dụng được từ 1-2 tháng. Vì vậy, muốn mở rộng thị trường tiêu thụ rong nho, nhà sản xuất cần đa dạng hóa sản phẩm và đẩy mạnh khâu chế biến. Làm được những điều trên thì giá trị của sản phẩm mới được nâng lên đáng kể, thu nhập của người trồng rong nho mới có thể tăng cao.

 

Đồng ý với quan điểm trên của PGS-TS Nguyễn Hữu Đại, TS Thái Ngọc Chiến cho rằng, muốn chuyển giao thành công mô hình này, các cơ quan chức năng cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho những người tham gia dự án. Mặt khác, để tránh việc bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, những người có trách nhiệm cũng cần tổ chức, sắp xếp lại các mô hình sản xuất rong nho nhỏ theo hình thức hợp tác, tổ cộng đồng để việc nuôi trồng thủy sản bền vững và tạo thu nhập ổn định, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek