Thứ Bảy, 05/10/2024 22:22 CH
Bỏ tuyển sinh ĐH theo khối
Thứ Ba, 30/01/2007 09:23 SA

Chuyển việc tuyển sinh theo khối thi (A, B, C, D...) sang việc xét tuyển theo ngành, căn cứ vào kết quả thi của thí sinh đối với một nhóm môn thi cần cho từng ngành đào tạo. 

 

Đây là một trong những nội dung của phương án "gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH" mà Bộ GD - ĐT dự kiến thực hiện từ năm 2007, hiện tại đang được ngành giáo dục ráo riết xây dựng nội dung chi tiết.

 

070130-baithi.jpg

Thí sinh thi vào ĐH năm 2006 - Ảnh: VNN

 

Đề xuất nói trên được nêu ra tại một hội thảo được tổ chức tại Thừa Thiên - Huế với nội dung "tìm giải pháp tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào ĐH, CĐ, TCCN".

 

"2 TRONG 1" NHƯ THẾ NÀO? 

 

Theo dự kiến, ngành giáo dục sẽ tổ chức một kì thi quốc gia hằng năm, lấy kết quả để vừa xét tốt nghiệp THPT (cả hệ bổ túc THPT), vừa xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, TCCN. Khi hoàn thành khâu thi, có kết quả, mới tổ chức xét tốt nghiệp, xét tuyển sinh. 

 

Để thực hiện ý tưởng này, đề thi sẽ được chuyển từ hình thức tự luận sang trắc nghiệm khách quan. Riêng môn Văn sẽ giữ một phần tự luận. 

 

Đồng thời, công nghệ thông tin được sử dụng tối đa trong quy trình tổ chức thi: chấm thi bằng máy; công khai trên mạng dữ liệu về thí sinh và kỳ thi, kết quả thi, kết quả xét tốt nghiệp, xét tuyển sinh của từng thí sinh, đảm bảo sự minh bạch về thông tin. 

 

Sẽ có sự "bắt tay nhịp nhàng" giữa các sở GD-ĐT, trường THPT và trường ĐH, CĐ, TCCN trong công tác tổ chức kỳ thi (in sao đề thi, tổ chức thi tại địa phương theo các khu vực chấm thi…). Đồng thời, áp dụng các biện pháp tích cực nhằm giảm áp lực tại các địa điểm coi thi, đảm bảo an toàn tuyệt đối, nghiêm túc khâu coi thi. 

 

Khi đó, việc tuyển sinh theo khối thi (A,B,C, D...) sẽ được chuyển sang xét tuyển theo ngành, căn cứ vào kết quả thi của thí sinh đối với một nhóm môn thi cần cho từng ngành đào tạo. 

 

MỖI HỌC SINH MỘT ĐỀ THI?

 

Trưởng Ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, ông Nguyễn Trường Sơn, cho rằng, trong thi cử, cần có một cách nhìn hệ thống khi đặt mối tương quan từ tiểu học đến học sinh tốt nghiệp THPT. Bởi vậy, nên tổ chức thi qua 6 kì học để cấp bằng tốt nghiệp THPT cho HS. Thí sinh học môn gì thì thi môn đó. 

 

Theo ông Sơn,  đề thi phải có sự phân hóa tới mức, mỗi thí sinh nên có đề thi riêng. 

 

Ông Trương Vĩnh Diên, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Quảng Bình cũng muốn mỗi thí sinh một đề riêng vì "trong mỗi phòng thi chỉ giới hạn tối đa vài chục thí sinh sẽ tránh sự gian lận, sao chép". 

 

Theo ông Diên, cấu trúc của đề thi phải khác vì mang tính chất “hai trong một”, không nên hạn chế thang điểm 10.

 

Ông Nguyễn Hoàng, Trưởng Ban đào tạo ĐH Huế cho rằng, thí sinh học môn nào nên thi môn đó. 

 

Tuy nhiên, theo ông, không cần thiết phải ra mỗi thí sinh mỗi đề" mà quan trọng là đề thi phải làm sao bảo đảm được sự phân loại thí sinh giỏi, đúng năng lực, đủ thời gian để thí sinh làm bài.

 

"ĐỊA PHƯƠNG HÓA” KỲ THI QUỐC GIA, CÓ NGUY HIỂM? 

 

Ông Diên nhìn nhận, điều quan trọng không phải là bao nhiêu kỳ thi mà là đảm bảo độ tin cậy của kì thi. Thi cử chỉ là một khâu trong giáo dục đào tạo. Hai kì thi tổ chức vào một đợt thì số thí sinh dự thi sẽ đông hơn gấp nhiều vì còn nhiều thí sinh rớt ĐH, CĐ từ các năm trước.  

 

"Kì thi một lần nhưng với hai mục đích sẽ tạo nên sự khác nhau, hai tính chất khác nhau. Liệu có tạo nên áp lực cho địa phương hay không? Tôi rất băn khoăn khi hợp nhất hai kì thi vào một lần nhiều khi có tác dụng ngược lại", ông Sơn bày tỏ. 

 

Theo ông, tổ chức kì thi tại địa phương là cách vô tình “địa phương hoá” một kì thi có tính chất quốc gia, rất khó đảm bảo tính trung thực.  

 

Bởi vậy, phải có sự chuyển đổi trên 50% số giáo viên coi thi từ địa phương này sang địa phương khác.  

 

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắm đề xuất mạnh hơn, chuyển hẳn hết giám thị tỉnh này sang tỉnh khác. 

 

Đồng ý với phương án 'gộp" 2 kỳ thi, nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Nhung, Phó Giám đốc Sở GD & ĐT Đà Nẵng đặt câu hỏi kỹ hơn:  "Việc tổ chức ki thi này tại mỗi địa phương có đảm bảo không có tiêu cực? Khi lấy điểm thi tốt nghiệp để xét vào ĐH, CĐ có thoả mãn được nhu cầu khách quan?"

 

Theo bà Nhung, cần có nhiều giải pháp hơn nữa mới đảm bảo tính ổn định và đúng lộ trình. 

 

Còn Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), ông Dương Lân nhận xét "đề xuất của Bộ GD- ĐT rất hay, đi trước một giai đoạn của giáo dục nước ta". 

 

Theo ông Lân, trong thời điểm hiện tại, việc tổ chức thi trắc nghiệm sẽ là tối ưu nhất. Vấn đề tổ chức một kì thi với hình thức thi trắc nghiệm nếu đảm bảo tính trung thực thì việc xét tuyển ĐH, CĐ rất dễ dàng.  

 

"Tôi nghĩ ở cương vị giáo viên, trách nhiệm của người giáo viên được nâng cao thì sẽ không có việc “địa phương hoá” các kì thi. Chỉ có những con sâu làm rầu nồi canh", ông Lân hy vọng. 

 

THANH TÂN (VNN)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek