Thứ Bảy, 05/10/2024 22:18 CH
Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Nguyễn Thái Học:
“Phải nói thẳng, nói thật, làm thật bằng lương tâm và trách nhiệm”
Thứ Hai, 29/01/2007 07:43 SA

Bắt đầu từ việc Báo Phú Yên phát hiện 26 học sinh của trường THCS Trần Phú (thị trấn Hai Riêng) không biết đọc, không biết viết và đọc chậm viết chậm, Thường vụ Huyện ủy Sông Hinh đã chỉ đạo các biện pháp quyết liệt chống bệnh thành tích trong giáo dục. Sông Hinh là huyện đầu tiên ở Phú Yên dũng cảm công bố có đến gần 800 học sinh ở hai cấp học Tiểu học và THCS “ngồi nhầm lớp, nhầm cấp”. Thường vụ Huyện ủy cũng đã tổ chức Hội nghị chuyên đề Giáo dục để tìm những giải pháp căn cơ và lâu dài cho sự nghiệp giáo dục của huyện. Báo Phú Yên đã trao đổi với Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Nguyễn Thái Học xung quanh vấn đề này.

 

070129-hoc.jpg
Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Nguyễn Thái Học
* Thưa đồng chí, vì sao Sông Hinh thực hiện quyết liệt việc kiểm tra, khảo sát chất lượng học sinh và công bố con số gần 800 học sinh ngồi nhầm lớp, nhầm cấp làm dư luận “giật mình” như vậy?

 

- Quan điểm chung của Ban Thường vụ Huyện ủy Sông Hinh khi đánh giá tình hình trên các lĩnh vực đều phải thực chất, nêu đúng thực tế, mạnh nói mạnh, yếu nói yếu, không né tránh, phải trung thực chứ không chạy theo thành tích, không theo phong trào.

 

Thực tế, lãnh đạo huyện cũng đã biết trước thực trạng dạy và học thời gian qua ở Sông Hinh chưa thật sự tốt như những báo cáo của Phòng Giáo dục hay các trường nêu ra. Khó có thể tin được kết quả dạy và học năm học 2005-2006 của huyện gần như trường nào cũng đạt trên 90% học sinh học giỏi, phân loại giáo viên thì có đến 95,9% đạt chuẩn và trên chuẩn trong khi dư luận thì lại cho rằng việc dạy, việc học chưa được tốt.

 

Tuy nhiên, trong khi chúng tôi chưa xác định được cụ thể nơi nào, số lượng bao nhiêu thì Báo Phú Yên đã thông tin tại trường THCS Trần Phú (thị trấn Hai Riêng) có 26 học sinh không biết đọc, không biết viết và đọc chậm viết chậm. Đây là một cơ sở rất tốt và Thường vụ Huyện ủy đã quyết tâm chỉ đạo khảo sát, kiểm tra cụ thể tình hình dạy và học trên địa bàn huyện. Cuối tháng 11/2006, Thường vụ Huyện ủy đã có văn bản gởi Phòng Giáo dục huyện và Đảng ủy các xã, thị trấn yêu cầu phải tổng kiểm tra, rà soát đánh giá một cách thực chất trường hợp học sinh học lực yếu, kém, không đủ tiêu chuẩn nhưng “ngồi nhầm lớp, nhầm cấp” ở tất cả các trường học, các bậc học trên địa bàn toàn huyện. Chúng tôi nêu rõ là công tác tổng kiểm tra, rà soát phải khẩn trương, chính xác, trung thực, đúng thực chất; tuyệt đối không vì thành tích mà che giấu, đánh giá sai sự thật. Cán bộ, đảng viên nào không làm tốt công tác kiểm tra, rà soát này phải xem xét trách nhiệm để xử lý nghiêm túc. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm về kết quả báo cáo thực trạng chất lượng giáo dục của học sinh đơn vị mình.

 

Cùng với Huyện ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã quan tâm chỉ đạo công tác tổng rà soát này, vì vậy sau một thời gian, các trường đã có con số báo cáo cụ thể về thực trạng chất lượng học sinh với gần 800 em của hai bậc Tiểu học và THCS không biết đọc, không biết viết và đọc chậm viết chậm.

 

* Con số đó là lý do khiến đồng chí khẳng định chuyện học sinh “ngồi nhầm lớp, nhầm cấp” là phổ biến chứ không phải cá biệt?

 

- Khi báo chí chưa nêu vấn đề này, chỉ riêng huyện Sông Hinh thôi chúng tôi biết là cũng có đến hàng trăm học sinh không đạt chất lượng học tập theo yêu cầu. Ngay trong những ngày đầu chỉ đạo tổng kiểm tra, khảo sát chất lượng dạy và học, chúng tôi tìm hiểu sơ bộ đã biết được chỉ riêng tại trường THCS Ea Trol đã có hơn 100 em không biết đọc, không biết viết; còn trường cấp III Nguyễn Du thì hiệu trưởng báo cáo có đến 20% học sinh yếu kém... Đó là một tỉ lệ rất cao, cho thấy tình trạng học sinh yếu kém là phổ biến.

 

Mới chỉ kiểm tra đọc – viết mà đã cho một con số như thế, nếu khảo sát toàn diện các môn ở cả ba cấp học thì tôi chắc là con số không chỉ dừng lại ở hơn 800 học sinh như đã nêu ra!

 

070129-ealam.jpg

Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy Sông Hinh, trường THCS Ea Lâm đã rà soát và phát hiện có 3 học sinh không biết đọc, viết và 13 học sinh đọc chậm viết chậm. Theo Hiệu trưởng Lê Hoài Lâm, nhờ tích cực phụ đạo và dạy lại, số học sinh trên đã có tiến bộ. - Ảnh: K.DUY

 

* Được biết sau khi có kết quả khảo sát tình hình học sinh “ngồi nhầm cấp, nhầm lớp”, Ban Thường vụ Huyện ủy Sông Hinh đã tổ chức ngay một Hội nghị Giáo dục trong toàn huyện để tìm giải pháp nâng chất việc dạy và học. Những giải pháp nào đã được nêu ra để giải quyết những tồn tại, yếu kém trong công tác này, thưa đồng chí?

 

- Thực trạng giáo dục trên địa bàn huyện như vậy là quá xót xa, trách nhiệm đó không chỉ riêng ngành giáo dục mà có cả hệ thống chính trị, cả xã hội. Hội nghị được tổ chức không chỉ có lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể của huyện, Phòng Giáo dục, ban giám hiệu các trường học mà còn có cả cấp ủy Đảng, chính quyền của các xã, thị trấn.

 

Quan điểm của chúng tôi là: Muốn huyện phát triển thì trước hết phải quan tâm việc học tập của con em. Đó chính là nguồn nhân lực quyết định cho sự phát triển của Sông Hinh trong 10, 15 năm tới. Khi con em chưa học tập nghiêm túc, người dân chưa tin vào sự nghiệp giáo dục thì làm sao huyện phát triển cho được. Tiếp nữa, phải đánh giá toàn diện hơn về chất lượng đội ngũ giáo viên và học sinh. Giáo viên không chỉ có trình độ, tâm huyết với nghề mà còn phải là tấm gương đạo đức để học sinh, để xã hội noi theo. Sông Hinh là một huyện miền núi, những ngày đầu mới thành lập có nhiều anh chị giáo viên không ngại khó, khổ xung phong đến gắn bó với sự nghiệp trồng người ở vùng đất này, đó là điều lãnh đạo huyện luôn trân trọng. Tuy nhiên, với những yêu cầu của tình hình mới, người giáo viên phải biết nâng cao trình độ để theo kịp những cải cách của giáo dục; những người không đảm bảo được năng lực nhưng không chịu học tập, những thầy cô giáo không có đạo đức tốt; những người làm dối chuyện bằng cấp... đều phải được thay thế, nhường chỗ cho những người có trình độ, có tâm huyết cống hiến. Về chất lượng học sinh, như tôi đã đề cập trên đây, phải được nhìn nhận một cách toàn diện và thực chất, từ đó tìm các giải pháp khắc phục. Quan điểm của huyện là làm thế nào để không học sinh nào phải bỏ học bởi đó đâu phải là lỗi chính ở các em, mà là lỗi của người lớn. Không chỉ có các em nỗ lực học tập, thầy cô giáo và các trường cố gắng hơn trong phụ đạo, dạy lại mà gia đình và các đoàn thể cũng phải tích cực hơn. Tôi đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương cũng phải tổ chức hội nghị giáo dục tương tự như cấp huyện để từ đó tìm hướng đi một cách tốt nhất nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.

 

* Đồng chí có tin rằng với những giải pháp chỉ đạo quyết liệt đó, tương lai gần giáo dục huyện Sông Hinh sẽ có bước tiến đáng kể?

 

- Điều đáng mừng là trong một thời gian ngắn sau khi Hội nghị giáo dục được tổ chức ở huyện, tình hình đã có chuyển biến tốt. Cấp ủy, chính quyền, hội đồng giáo dục các xã, thị trấn; ban giám hiệu các trường thể hiện quyết tâm chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, yếu kém đã kéo dài nhiều năm qua. Tôi tin rằng chất lượng giáo dục ở huyện Sông Hinh sẽ được nâng lên. Tuy nhiên đó không phải là một sớm một chiều mà phải có quá trình, từng bước, không thể nóng vội. Chúng tôi sẽ chỉ đạo sát và kiểm tra kỹ, xử lý nghiêm. Đây là một việc làm phải bằng cả tấm lòng, lương tâm và trách nhiệm, không phải làm lấy có, làm theo phong trào mà phải quyết tâm. Cần phải nói thẳng, nói thật, làm thật bằng lương tâm, bằng trách nhiệm đối với sự nghiệp giáo dục, với các em học sinh thì người dân Sông Hinh mới có thể tin tưởng, kỳ vọng vào thế hệ tương lai của huyện nhà – nguồn nhân lực quyết định cho sự phát triển.

 

* Nếu có kiến nghị thẳng thắn với ngành giáo dục Phú Yên, đồng chí sẽ nói gì?

 

- Tôi cho rằng thực trạng dạy và học chưa đảm bảo chất lượng và còn tồn tại nhiều khiếm khuyết hiện nay không chỉ riêng huyện Sông Hinh mà còn nhiều địa phương khác nữa. Vì thế lãnh đạo ngành Giáo dục Phú Yên nên thực hiện một cuộc tổng điều tra, đánh giá đúng thực trạng – điều tra thật, đánh giá thật, kết quả thật - từ đó mới đề ra được những giải pháp hữu hiệu để khắc phục. Làm được điều đó, cấp ủy, chính quyền ở các địa phương và cả xã hội cũng sẽ thấy rõ trách nhiệm của mình, thấy rõ việc cần phải làm và khi đó chúng ta mới có thể hưởng ứng tốt đợt phát động của Bộ Giáo dục – Đào tạo là “Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục và tiêu cực trong thi cử”.

 

* Xin cám ơn đồng chí!

 

NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG thực hiện

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek