Chủ Nhật, 06/10/2024 09:29 SA
Những cái “nhất” ở Phú Yên khi thay sách giáo khoa mới
Thứ Ba, 03/01/2006 09:45 SA

Đến nay, chương trình sách giáo khoa (SGK) mới lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 được triển khai đại trà và đã đem lại những kết quả đáng mừng. Chất lượng dạy và học đã có những chuyển biến tích cực.

 

NHỮNG TÍN HIỆU VUI

 

Khác với nhiều địa phương, Phú Yên không chỉ chú trọng bồi dưỡng những giáo viên trực tiếp dạy các khối lớp thay sách , những giáo viên chưa dạy các khối lớp này cũng được bồi dưỡng chương trình mới. Theo nhận định của lãnh đạo Sở GD – ĐT thì sau gần 4 năm thay SGK, hầu hết các tiết dạy của giáo viên đã đạt được yêu cầu cơ bản của việc đổi mới. Còn theo những người trực tiếp đứng lớp, chương trình mới gần gũi và thiết thực với người học. Chính vì vậy các em học hăng hái và sôi nổi hơn rất nhiều, kiểu học vẹt đã bị thay thế bằng việc chịu khó đào sâu suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo… ở mỗi học sinh.

 

Thực hiện cã hội hóa giáo dục trường THCS Nguyễn Thế Bảo đảm bảo dạy tốt các môn học thực hành theo yêu cầu của chương trình mới. - Ảnh: Mạnh Thúy

 

Ngay từ lớp 1, chương trình SGK mới đòi hỏi học sinh thảo luận theo từng nhóm. Ví dụ như môn Đạo đức có những hoạt cảnh đòi hỏi học sinh phải sắm vai các nhân vật, môn Toán, Tự nhiên – xã hội yêu cầu các em phải biết cách đặt câu hỏi để tạo tính sinh động, hiệu quả trong giờ học. So với chương trình cũ (trước năm 2000), chương trình SGK mới không chỉ chú trọng đến việc truyền thụ kiến thức , kỹ năng cho học sinh mà còn rèn phương pháp suy nghĩ đánh giá vấn đề để học sinh tự phát hiện kiến thức, nói ra những điều mình biết giúp các em dễ nhớ bài, giờ học sinh động hơn. Ngay ở năm đầu tiên thực hiện thay sách, đối với học sinh vùng thuận lợi, chương trình mới này thổi một luồng sinh khí cho những giờ học. Riêng học sinh dân tộc thiểu số thì gặp một số khó khăn do tiếng phổ thông còn hạn chế. Rút kinh nghiệm, 3 năm nay, bên cạnh tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên, ngành còn quan tâm đến việc dạy tiếng Việt. Tại trường Tiểu học Ea Bar, một xã đặc biệt khó khăn của huyện Sông Hinh, học sinh ở đây hơn 70% là người dân tộc thiểu số. Nhờ được trang bị tốt tiếng Việt ngay từ chương trình mẫu giáo 5 tuổi nên các em chẳng mấy khó khăn trong việc tiếp thu bài. Tất cả giáo viên đều tỏ ra đồng tình với chương trình mới. Khối lượng kiến thức trong SGK không nặng.

 

THAY SÁCH THAY ĐỔI QUAN NIỆM VỀ ĐẦU TƯ CHO GIÁO DỤC

 

Có lẽ cái “được” lớn nhất mà việc thay sách đem lại là đã thay đổi đáng kể nhận thức của người dân và chính quyền địa phương về việc đầu tư cho giáo dục. Nếu như trước năm 2000, toàn tỉnh chỉ có vài trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia thì đến nay, đã có hơn 40 trường. Tất cả những sự đầu tư xây dựng trường chuẩn đều có cùng mục đích là thực hiện đạt hiệu quả chương trình mới của ngành giáo dục.

 

Ông Nguyễn Văn Học, Trưởng phòng Giáo dục huyện Phú Hòa, cho biết: “ Khi bắt tay vào thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới thấy việc còn những phòng học cấp 4 đã quá sử dụng hoặc không có phòng thực hành, thí nghiệm, thư viện theo đúng tên gọi của nó là những thiệt thòi quá lớn cho cả người dạy lẫn người học. Vậy nên, toàn huyện triển khai và đẩy mạnh cuộc vận động xã hội hóa giáo dục”. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện Phú Hòa đã kiên cố và tầng hóa hầu hết trường học trên địa bàn, trở thành địa phương dẫn đầu tỉnh về quá trình xã hội hóa giáo dục.  Nhìn 5 phòng học chức năng, thí nghiệm thực hành dành cho các môn Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Ngoại ngữ – Âm nhạc được xây dựng đúng chuẩn của Trường THCS Nguyễn Thế Bảo ở huyện này, những người làm giáo dục đều thán phục. Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Huynh nói: “Trường có được cơ sở vật chất và được công nhận đạt chuẩn quốc gia như ngày hôm nay là nhờ sự hỗ trợ của địa phương và phụ huynh học sinh. Thuận lợi về cơ sở vật chất nên quá trình triển khai chương trình mới của chúng tôi đạt hiệu quả rất cao”.

 

Chỉ riêng trong năm học 2004 – 2005, tổng kinh phí tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn tỉnh là hơn 17 tỷ đồng thì đã có hơn phân nửa kinh phí do nhân dân đóng góp qua phong trào xã hội hóa giáo dục.

 

Thay sách không chỉ là cơ hội để công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy lên một bước cao hơn mà còn tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dạy. Đi đến bất kỳ trường học nào trong tỉnh cũng thấy phong trào tự làm đồ dùng dạy học diễn ra sôi nổi trong đội ngũ giáo viên.

 

Thay sách ở bậc học phổ thông  còn làm cho bậc học mầm non được quan tâm nhiều hơn so với trước. Cha mẹ học sinh đã ý thức rõ ràng là để con mình có thể tiếp cận với chương trình mới một cách thuận lợi thì ngay từ  5 tuổi phải ra lớp mẫu giáo. Điều này đã góp phần nâng tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo trong toàn tỉnh lên trên 95%.

 

THÚY HẰNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek