Chủ Nhật, 06/10/2024 00:41 SA
Nặng lòng với học sinh vùng biển
Thứ Bảy, 23/12/2006 08:25 SA

Vũng Chào, Vũng Lắm, Vũng Me thuộc xã Xuân Phương cách thị trấn Sông Cầu (huyện Sông Cầu) không xa, nhưng để đến được đây không dễ dàng gì. Đường thì khúc sình lầy, khúc đèo dốc nguy hiểm. Cô giáo Hồ Thị Diễm My (trường PTCS Lê Quý Đôn), để an toàn đến trường, ngày nào cũng quần xăn quá gối, giày treo lủng lẳng bên cốp xe máy, chăm chú giữ thăng bằng để xe không bị trượt.

 

Tất cả những giáo viên đi dạy ở những vùng biển này đều gặp những khó khăn như cô Diễm My. Hầu hết các thầy cô là người ở thị trấn Sông Cầu và TP Tuy Hoà. Trường chưa có nhà công vụ, giáo viên phải thuê nhà dân. Cô My tâm sự: “Bà con nơi đây làm biển nên các hộ không thích có phụ nữ ở trọ trong nhà. Vì vậy, em phải thuê nhà ở thị trấn, cuối tuần mới về Tuy Hoà”. Với giáo viên nam cũng chẳng khá hơn. Mỗi tháng, các thầy góp 200.000 đồng/người nhờ một chị cạnh trường thổi cơm chung, còn ban đêm thì ôm chăn màn vào các phòng học để ngủ. Một thầy giáo cho biết: “Phòng ngủ của chúng tôi là cái nền xi măng hành lang phòng học. Mùa hè thì mát, mùa mưa bị ngập nên… chạy lung tung. Cứ chỗ nào ngã lưng được thì tận dụng”.

 

Khó khăn trăm bề, nhưng nhờ bám trường, bám lớp nên giáo viên nắm rất rõ tình hình học tập hoàn cảnh gia đình của từng học sinh. Đó là một trong những thuận lợi để họ huy động các em ra lớp. Trước đây, học sinh trong vùng học xong tiểu học là nghỉ, vì nếu muốn học lớp 6 phải về tận trung tâm xã vừa xa, vừa khó đi. Năm 2004, trường PTCS Lê Quý Đôn thành lập, trường lớp về đến tận thôn xóm, lại thêm giáo viên đến từng nhà giải thích vận động nên học sinh sau khi tốt nghiệp tiểu học đều được nhà trường huy động vào lớp 6. Ông Trần Khả Châu, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Sau 3 năm có trường lớp cấp 2, hiện 3 thôn Phú Mỹ, Dân Phú 1, Dân Phú 2 đã có 156 học sinh theo học. Đây là tín hiệu rất khả quan để nâng cao dân trí trong bà con vùng biển”.

 

Lâu nay, nhiều người cho rằng học sinh vùng biển không chịu ra lớp. Nhưng ít ai biết sở dĩ có tình trạng này một phần cũng do sự bất lợi về trường lớp, điều kiện đi lại và nhất là sự thiếu nhiệt tình của giáo viên. Cô giáo Trần Thị Thanh Toàn tâm sự: “Ở biển nên học sinh ở lứa tuổi THCS được gia đình coi là lao động chính, vì thế, các em thường phải lao động sớm. Do đó, ngoài việc dạy ra, chúng tôi còn cùng với chính quyền địa phương đến từng nhà vận động, đưa các em đến trường”.

 

Nhờ sự nhiệt tình của các giáo viên, nhiều học  sinh bỏ học giữa chừng đã trở lại lớp. Em Nguyễn Thị Vân, một học sinh lớp 8, nói: “Nhà có 6 anh chị em, nhưng em là đứa học “cao” nhất. Các anh chị lớn, vì hồi ấy đi học khó khăn quá nên bỏ luôn khi mới xong lớp 5".

 

Vượt mọi khó khăn chỉ mong đong đầy kiến thức cho học sinh, đó là tâm huyết của 28 giáo viên đang âm thầm gieo chữ ở xứ biển này. Sự hy sinh của họ đã được đáp lại khi mà sĩ số lớp học luôn được đảm bảo.

 

ĐẶNG NGUYỄN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek