Từ loại hình trường mầm non dân lập chuyển sang bán công, bây giờ từ loại hình bán công chưa biết chuyển sang dân lập hay tư thục! Lộ trình này chưa biết kết thúc như thế nào trong khi hiện nay các trường vẫn chưa nhận được sự chỉ đạo rõ ràng, mà thời gian phải chuyển đổi theo quy định chỉ còn tính từng ngày.
XOÁ TRƯỜNG BÁN CÔNG
Phú Yên hiện có 126 trường mầm non, và chỉ mới chỉ có 4 trường mầm non được công nhận đạt chuẩn. Tỷ lệ này là thấp so với các tỉnh, thành trong cả nước. Theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, đến năm 2010, toàn tỉnh phấn đấu có 30% trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trong khi đó, bà Trần Thị Kim Tuyết, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD – ĐT Phú Yên) cho biết: “Trong các bậc học, mầm non chịu nhiều thiệt thòi hơn cả. Nhiều lớp học còn phải mượn tạm trụ sở thôn, nhà rông hoặc học ghép với tiểu học”. Tại thôn Phước Thịnh, xã Hoà Bình 2 (huyện Tây Hoà), trẻ mẫu giáo phải ngồi học trong trụ sở thôn. “Những hôm thôn tổ chức họp thì lớp học phải nghỉ. Trường lớp tạm bợ như thế nên cả thầy và trò khó mà dạy tốt, học tốt được”-bà Nguyễn Thị Định, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Hoà Bình 2 nói.
Các trường mầm non bán công sẽ chuyển sang dân lập hoặc tư thục – Ảnh: THÚY HẰNG
Kinh phí dành cho bậc học mầm non được lấy từ ba nguồn: Kinh phí do tỉnh, huyện cấp, thu học phí và trích từ ngân sách xã, thị trấn. Theo quyết định của UBND tỉnh, kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị lấy từ ngân sách xã, huy động sự đóng góp của nhân dân, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài xã, thị trấn. Với các trường ở vùng thuận lợi thì việc thu học phí và huy động sự đóng góp của nhân dân không có gì là khó, còn với vùng nông thôn thì đây là vấn đề hết sức khó khăn. Bà Định tâm sự: “Mỗi học sinh đóng học phí 8.000 đồng/tháng (ở loại hình trường bán công). Trong số tiền thu từ học phí, nhà trường được trích 30% để chi cho tất cả các hoạt động dạy học như mua văn phòng phẩm, tổ chức các cuộc thi bé khoẻ, bé ngoan... Dù đã “khéo co” nhưng vẫn không “đủ ấm”, phần lớn trang thiết bị, đồ dùng dạy học chủ yếu do giáo viên tự làm”.
Từ ngày
DÂN LẬP HAY TƯ THỤC ĐỀU KHÓ!
Kết quả khảo sát tình hình trường lớp cho thấy, Phú Yên hiện có 5.288 phòng học, trong đó có 1.434 phòng học kiên cố (chiếm 27,1%), phòng học tạm bợ: 164 phòng (chiếm 3,1%). Các phòng học tạm bợ này, phần lớn thuộc về bậc học mầm non.
Theo quy định của Luật Giáo dục (sửa đổi), đối với giáo dục mầm non ở các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, cơ sở giáo dục bán công chuyển thành cơ sở giáo dục công lập; ở các vùng còn lại, cơ sở giáo dục bán công chuyển thành cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Trong khi chờ văn bản hướng dẫn của Bộ GD – ĐT, Sở GD – ĐT Phú Yên đã xây dựng đề án trình UBND tỉnh về lộ trình chuyển đổi trường mầm non như sau: Giữ lại toàn bộ các trường mầm non công lập mà tỉnh hiện có để chỉ đạo điểm về chuyên môn, triển khai các chuyên đề thực hiện chương trình đổi mới; thành lập 3 trường mầm non công lập cho 3 huyện mới tách là Phú Hoà, Đông Hoà, Tây Hoà để chỉ đạo điểm chuyên môn ở cấp huyện; các trường mầm non ở nông thôn đã chuyển sang loại hình trường bán công theo Quyết định 797 của UBND tỉnh trở lại loại hình trường dân lập hoạt động theo quy định 2500 của UBND tỉnh. Riêng Trường mầm non bán công Sơn Ca xin chuyển sang loại hình mầm non công lập tự chủ một phần kinh phí. Ngoài ra, trong đề án của Chính phủ, Phú Yên có 23 xã đặc biệt khó khăn (trong đó trường mầm non ở 20 xã được chuyển sang công lập từ năm 2004), vì vậy, ngành giáo dục bổ sung thêm 3 trường mầm non ở xã bãi ngang là Xuân Thịnh, Xuân Hải (huyện Sông Cầu), An Hải (huyện Tuy An) được chuyển sang loại hình công lập theo đúng với yêu cầu đề án của Chính phủ.
Cho đến nay, các trường mầm non vẫn chưa nhận được chỉ đạo nào. Theo nhiều giáo viên, dù chuyển sang loại hình nào đi nữa nhưng nếu không có sự hỗ trợ, cấp bù của Nhà nước thì khó mà hoạt động được. Chị Nguyễn Thị Quyên, chuyên viên mầm non Phòng Giáo dục huyện Tây Hoà bày tỏ: “Học phí của trường mầm non bán công mỗi tháng chỉ có 8.000 đồng, nhưng các gia đình ở nông thôn còn chưa muốn cho trẻ ra lớp. Do đó, trẻ ở độ tuổi 3 – 4 ở vùng nông thôn vẫn chưa được ra lớp.” Còn bà Trần Thị Kim Tuyết thì cho rằng: “Với mức thu học phí như hiện nay, các trường đang phải gồng mình, phải chi tiêu dè xẻn, thậm chí có những khoản không dám chi để có thể đủ tiền trả lương cho giáo viên nhưng vẫn không trả nổi… Nếu không được Nhà nước cấp bù thì khó mà duy trì tốt hoạt động dạy học. Như thế, biết đến bao giờ các trường mới hội đủ tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia năm 2010 và đạt được chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra”.
MẠNH THUÝ