Lâu nay, giáo viên mầm non, tiểu học tốt nghiệp trung học sư phạm được coi là đạt chuẩn. Giáo viên nào có trình độ đại học, cao đẳng thì được xếp trong diện trên chuẩn. Với tình hình đổi mới sách giáo khoa hiện nay, người giáo viên phải thường xuyên trang bị cho mình những kiến thức phổ thông về chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, giao thông, y tế học đường… Song song đó, phải rèn luyện kỹ năng lên lớp qua bài giảng để có nghiệp vụ sư phạm toàn diện. Chính vì vậy, không phải giáo viên nào đạt chuẩn như lâu nay cũng có thể đáp ứng được yêu cầu này. Còn giáo viên chưa đạt chuẩn thì sao?
Trong một lớp học mầm non ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hoà) – Ảnh: M.THÚY
Hiện nay, số giáo viên chưa đạt chuẩn, trình độ 9+1, 9+3..., dù mỗi trường chỉ có 1 – 2 người, nhưng là vấn đề nan giải của ban giám hiệu và ngành giáo dục. Dù đã qua trường lớp sư phạm nhưng họ không thể nào đảm bảo tốt việc dạy học. Ông Huỳnh Xuân Mận, Hiệu trưởng Trường TH số 1 Hai Riêng (huyện Sông Hinh) cho biết: “Trường chúng tôi có một số giáo viên là người dân tộc thiểu số đã được đào tạo trình độ 12 +2. Song với những yêu cầu của chương trình tiểu học hiện nay, họ khó mà đáp ứng được. Vì vậy, chúng tôi chuyển số giáo viên này sang phụ trách công tác khác”.
Thầy giáo người dân tộc thiểu số Nay Y Bình ở trường này thừa nhận: “Chương trình sách giáo khoa mới không chỉ đòi hỏi giáo viên có kiến thức rộng mà còn cần nhiều kỹ năng sư phạm. Tôi được đào tạo trình độ 12+2, nhưng tự cảm thấy không đứng lớp được nên năm 2003, tôi xin thôi và tham gia khoá đào tạo Cao đẳng Tiểu học chuyên ngành thể dục”.
Số giáo viên đủ khả năng chuyển sang ngành học khác như thầy Bình không nhiều. Bởi phần lớn giáo viên nằm trong diện phải chuẩn hoá, nâng chuẩn hiện nay đã có thâm niên trên 20 năm trong nghề, là “sản phẩm của một giai đoạn lịch sử” của ngành giáo dục. Một giáo viên thổ lộ: “Học để mở mang kiến thức, nâng cao trình độ, được chuẩn hoá là rất cần thiết. Nhưng vì lớn tuổi nên chúng tôi rất khó khăn trong việc đi học”.
Họ phân vân: Nếu nghỉ hưu non theo kiểu “lãnh tiền một cục” sẽ mất nhiều chế độ, còn xin chuyển sang bộ phận khác thì không được, vì tất cả đủ chỗ rồi. Theo các cán bộ quản lý giáo dục, đối với những trường hợp này, cách tốt nhất là phân công dạy bộ môn (nhạc, hoạ) dù có chút thiệt thòi. Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng tuân thủ theo sự phân công của ban giám hiệu.
Toàn tỉnh hiện có 4.330 giáo viên mầm non, tiểu học cần được đào tạo, chuẩn hoá và nâng chuẩn. Trong đó, có 50 người chưa qua đào tạo, 44 người có trình độ 9+1, trình độ 9+3 có 1.486 người, trình độ 12+1: 36 người, trình độ 12+2: 2.714 người.
Giáo viên chưa đạt chuẩn ít có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Trình độ ngoại ngữ hạn chế, họ ngại tiếp xúc với máy vi tính nên khó tiếp cận phương pháp dạy học hiện đại. Để thoát khỏi tình trạng này, một số giáo viên chọn con đường học lên đại học, bỏ qua cao đẳng. Vấn đề này lại nảy sinh bất cập, vì đa số giáo viên chọn con đường Đại học Sư phạm chuyên một bộ môn nào đó như Văn, Sử, Địa..., không phù hợp với yêu cầu của một giáo viên mầm non, tiểu học. Tình trạng thiếu mà lại thừa hoặc chưa đạt về nghiệp vụ (mặc dù đạt chuẩn về bằng cấp) đã xảy ra.
Ông Nguyễn Huy Vị, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên, cho biết: “Bồi dưỡng, chuẩn hoá và nâng chuẩn đội ngũ giáo viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của trường chúng tôi. Nhưng phải thừa nhận, không ít giáo viên tham gia các khoá đào tạo này còn chủ quan trong quá trình học tập. Họ học chỉ vì bằng cấp chứ chưa chú trọng đến năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp vận dụng trong thực tiễn sau này. Vì vậy, có không ít giáo viên bằng cấp thì chuẩn, còn nghiệp vụ giảng dạy thì chưa hẳn”.
Bất kỳ giáo viên nào cũng có khả năng tự học và học tập tốt nếu họ xác định đúng mục tiêu, nắm được nội dung học tập và phương pháp tiếp cận tri thức mới. Thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong những năm qua cho thấy: khả năng tự học của học viên các lớp bồi dưỡng, nâng chuẩn chưa được phát huy tốt. Ông Vị nói: “Năm 2006, nhà trường kiên quyết siết chặt đầu ra đối với học viên các lớp bồi dưỡng, nâng chuẩn nên tỷ lệ tốt nghiệp chỉ đạt 62,83%. Tuy thấp hơn các năm trước rất nhiều nhưng đây là con số đánh giá đúng trình độ chuẩn hoá của giáo viên”.
Đứng về góc độ quản lý con người, phải chăng chúng ta vẫn chưa tìm được lối ra cho các đối tượng này? Việc phân cấp, phân loại giáo viên chưa có những quy định cụ thể để sàng lọc, đánh giá đúng năng lực giảng dạy của từng người. Một khi việc phân loại, phân cấp còn chưa rõ ràng thì tình trạng “lách” chuyên môn để công nhận chuẩn nghề nghiệp thông qua bằng cấp sẽ còn tiếp tục diễn ra…
KHÁNH NGUYÊN