Theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, bắt đầu từ lớp 3 học sinh học môn ngoại ngữ bắt buộc. Theo đó từ năm học 2010-2011, triển khai dạy ngoại ngữ theo chương trình mới cho khoảng 20% số lượng học sinh lớp 3 và mở rộng dần quy mô để đạt khoảng 70% vào năm học 2015-2016 và đạt 100% vào năm 2018-2019. Thực hiện đề án này, Phú Yên đã triển khai dạy ngoại ngữ ở bậc tiểu học từ nhiều năm qua, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh.
Học sinh tiểu học tham gia Hội thi “Vui-học tiếng Anh” do Sở GD-ĐT Phú Yên vừa tổ chức - Ảnh: M.THÚY
DẠY - HỌC TIẾNG ANH: CÒN THỤ ĐỘNG
Theo Sở GD-ĐT Phú Yên, toàn tỉnh hiện có 35.480 học sinh được học tiếng Anh trong tổng số hơn 77.500 học sinh tiểu học. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thời lượng dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học tại các trường là 2 tiết/tuần. Ngoài ra, tùy tình hình thực tế của đơn vị mà bố trí các phương pháp dạy cho phù hợp. Theo đánh giában đầu của Sở GD-ĐT, các trường tiểu học thuộc địa bàn TP Tuy Hòa và các vùng thuận lợi việc dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học được xem là có kết quả tốt. Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Âu Cơ (TP Tuy Hòa) Nguyễn Xuân Thiện cho biết: “Nhà trường có giáo viên phụ trách bộ môn tiếng Anh nên việc giảng dạy môn học này rất thuận lợi. Mỗi tiết dạy, các cô còn trang bị băng, đĩa, hình ảnh... có phương pháp dạy riêng dành cho từng lớp, từng trình độ và có nhiều cách làm cho mỗi tiết học trở thành những bài học sinh động”.
Đến nay, hầu hết các trường tiểu học đều đã triển khai việc dạy tiếng Anh 2 tiết/tuần cho học sinh từ lớp 3. Tuy nhiên, tình trạng “dạy chay, học chay” đang diễn ra kháphổ biến, nhất là đối với các trường thuộc vùng nông thôn, miền núi vì chưa được bố trí hoặc chưa xây dựng được phòng học tiếng Anh riêng mà phải học trong phòng học bình thường. Ngoài một số tranh, ảnh, băng tiếng Anh... nhằm phục vụ bài học, hầu như không có trường nào còn một hình thức hỗ trợ nào khác. Vì vậy, giáo viên chỉ có thể bố trí cho học sinh xem tranh, ảnh, một số hiện vật và nghe băng chứ chưa thể bố trí cho các em xem băng hình hay tổ chức một số hoạt động mang tính đặc thù của bộ môn. Vì vậy, tuy giáo viên có cố gắng để truyền tải đến các em những nội dung cần thiết nhưng kết quả còn hạn chế. Chuyên viên tiếng Anh Sở GD-ĐT Phú Yên Lê Thị Anh Thư cho biết: “Tiếng Anh là môn học khó đối với đa phần học sinh. Song do nhận thức được tầm quan trọng của bộ môn này đối với bản thân nên thời gian gần đây học sinh đã có thái độ, động cơ học tập đúng đắn. Việc học tiếng Anh ngày càng được sự quan tâm ủng hộ của gia đình và xã hội. Chất lượng học tập đại trà ngày càng được cải thiện. Tuy có nhiều cố gắng trong việc vận dụng phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hóa các hoạt động của học sinh, nhưng giáo viên chỉ có thể áp dụng được với một số bài, một số tiết và một số bộ phận học sinh. Qua kiểm tra cho thấy, rất nhiều lớp học sinh còn thụ động, giờ học ít sinh động. Nguyên nhân một phần là do nội dung chương trình học quátải; phòng học bộ môn tiếng Anh chưa được trang bị ở các trường học; trang thiết bị dành cho việc giảng dạy tiếng Anh còn nghèo nàn và chưa sửdụng tốt”.
Học ngoại ngữ ở Trường tiểu học Trưng Vương (TP Tuy Hòa). - Ảnh: T.HẰNG |
NHU CẦU LỚN
Theo nhiều giáo viên đang giảng dạy tại các trường tiểu học thì hiện nay, nhu cầu cho con học tiếng Anh của các bậc phụ huynh không nhỏ. Việc các trường tiểu học tổ chức dạy và học tiếng Anh được nhiều phụ huynh đồng tình ủng hộ. Song thực trạng thiếu giáo viên bắt buộc các trường phải hợp đồng giáo viên bên ngoài cũng khiến không ít người lo ngại đến chất lượng giảng dạy. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên dạy tiếng Anh trong trường tiểu học, Sở GD-ĐT đã cho phép xây dựng kế hoạch mở, nếu trường không có giáo viên riêng thì có thể liên kết với các trường THCS trên địa bàn để thỉnh giảng. Tuy nhiên, nhiều trường tiểu học đã không thể thực hiện được kế hoạch này do... không có biên chế. Mặt khác, trình độ học sinh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học.
Theo các giáo viên giảng dạy tiếng Anh, mỗi tuần học sinh được học 2 tiết/tuần. Kết quả kiểm tra cuối kỳ chỉ dựa trên bài kiểm tra viết, các kỹ năng khác hầu như chưa thực hiện được. Điều này cho thấy, việc học và giảng dạy chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Mong muốn các em có thể nói những câu đơn giản cũng rất khó.
Nhận xét về mặt phát âm trong cách giảng dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học hiện nay, bà Lê Thị Anh Thư nói: “Đối với học sinh tiểu học, việc học ngoại ngữ là một sự bắt chước, đặc biệt đòi hỏi phải nói nhiều và không nghiêng nhiều về ngữ pháp như các cấp lớn hơn. Điều này đòi hỏi giáo viên phải phát âm chuẩn, việc phát âm sai sẽ kéo theo các em cũng phát âm sai và khó sửa đổi về sau. Thế nhưng, trình độ đội ngũ giáo viên giảng dạy mà nhiều trường đang hợp đồng, liệu có đảm bảo giáo viên đạt kỹ năng phát âm chuẩn không?”.
Theo yêu cầu của tiếng Anh tự chọn, học sinh chủ yếu học để biết; nhưng nếu theo yêu cầu mới, học sinh học hết chương trình lớp 3 phải đạt được các khả năng: nghe, nói, viết và đọc thì học sinh khó mà đạt được. Với học sinh ở địa bàn thành phố, vùng thuận lợi, các em có thể học thêm tại các trung tâm, cơ sở đào tạo ngoại ngữ để tăng khả năng nghe, nói, đọc viết, giao tiếp; trong khi đối với các đối tượng học sinh còn lại, chủ yếu chỉ được học tiếng Anh tại trường sẽ khó đáp ứng được yêu cầu mới.
THÚY HẰNG