LTS: Ngay sau khi bài báo “26 học sinh (Trường THCS Trần Phú – Sông Hinh) đọc chưa thông, viết chưa thạo: NỖI ĐAU CỦA NGÀNH GIÁO DỤC” đến tay bạn đọc, nhiều bạn đọc (nhất là những người đang công tác trong ngành giáo dục) đã gởi email, gọi điện về tòa soạn qua đường dây nóng, bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng học sinh yếu vẫn cho lên lớp. PYO xin giới thiệu những ý kiến tiêu biểu.
Chúng tôi được biết, từ thông tin của báo chí liên tục đề cập đến chuyện học sinh đang học ở cấp THCS nhưng thực tế học lực chưa đạt chuẩn kiến thức và kỹ năng của cấp tiểu học, trong thời gian gần đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Vọng vừa ký công văn gởi đến tất cả các sở GD-ĐT trong cả nước yêu cầu các sở phải tiến hành rà soát để phát hiện các trường hợp học sinh học lực yếu, kém không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được xét cho lên lớp. Trên số báo sau chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc nội dung của công văn này, cùng ý kiến của các vị lãnh đạo có trách nhiệm về vấn đề bạn đọc quan tâm.
NGÀNH GIÁO DỤC RẤT CẦN NHỮNG NGƯỜI NHƯ CÔ GIÁO THÚY DIỄM Chuyện khó tin mà lại thật 100%. Học trò lớp 6 đọc chưa thông, viết chưa thạo... tiếng Việt! Liệu còn bao nhiêu học sinh rơi vào tình trạng tương tự mà chúng ta chưa phát hiện ra? Liệu còn bao nhiêu đứa trẻ cứ bị “đẩy” lên lớp để người lớn có được một kết quả thi đua tốt? Liệu còn bao nhiêu học trò cấp hai ở miền núi vẫn còn hoang mang vất vả với việc tập đọc, tập viết? Và có ai dám đoán chắc rằng các trường ở vùng đồng bằng, vùng thuận lợi không xảy ra tình trạng này? Hậu quả của việc “ngồi nhầm lớp” thật không thể nào lường hết được! Càng nghĩ càng quí những người như cô giáo Huỳnh Thị Thuý Diễm. Chuyện học trò sáng học lớp 6, chiều học lại chương trình của lớp 1 đâu chỉ mỗi mình cô biết. Nhưng khi cô - vì trách nhiệm - nói lên sự thật này, thì được biết, có nhiều vị lãnh đạo không bằng lòng. Nhiều người cho rằng: Sao cô “dại” thế, đi “vạch áo cho người xem lưng”? Chuyện vỡ lỡ ra thì không chỉ có trường cô, địa phương của cô mà cả ngành giáo dục bị “mang tiếng”. Có người còn sợ cô sẽ bị trù dập, biết đâu lại bị thuyên chuyển đến một nơi “khỉ ho cò gáy” nào đó vì “tội” kể ra một sự thật làm cả ngành, cả tỉnh đau lòng. Nhưng, nếu không có những người dám nói thẳng, nói thật như cô Thuý Diễm, thì 26 học trò đáng thương kia còn phải “ngồi nhầm lớp” đến bao giờ? Tương lai của các em sẽ ra sao? Phải có những người như cô Thuý Diễm để chứng minh rằng: Dẫu có bị cơn lốc thành tích cuốn đi, thì ở đâu, lúc nào cũng có những người thầy có trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Hơn lúc nào hết, ngành giáo dục rất cần những nhà giáo như thế! YÊN LAN
BÀN VỀ CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC PHỔ THÔNG HIỆN NAY
Khái niệm “chất lượng giáo dục” (CLGD) được tiếp cận bằng nhiều cách định nghĩa khác nhau; nhưng có một cách hiểu mà đã được đa số các nhà khoa học giáo dục trong cũng như ngoài nước tán thành là: CLGD là sự phù hợp với mục tiêu giáo dục. Như vậy, theo cách hiểu này, CLGD tiểu học Việt Nam là sự phù hợp với mục tiêu GD tiểu học của Việt Nam; nói cụ thể rằng, nếu một sản phẩm GD tiểu học ở bất kỳ nơi đâu trên đất nước ta mà chưa đạt được các yêu cầu của mục tiêu GD tiểu học Việt Nam, thì đích thị CLGD tiểu học ở đó có vấn đề! Đành rằng khi nói đến CLGD, cũng nên chú ý có tính phân tầng; nhưng cho dù có phân bao nhiêu tầng đi nữa, mỗi sản phẩm GD bất kì cũng phải đạt được chuẩn kiến thức và kỹ năng tối thiểu của mục tiêu đã đặt ra.
H’Yên học lớp 6 nhưng đọc không chạy chữ ở Trường THCS Trần Phú (Sông Hinh) - Ảnh: T. HẰNG
SAO LẠI TƯỚC QUYỀN Ở LẠI LỚP HỢP PHÁP VÀ BÌNH THƯỜNG CỦA CÁC EM?
Mục tiêu GD tiểu học của nước ta đã được xác định tại Điều 23 Luật Giáo dục 1998 như sau: “Giáo dục tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ bản ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng có bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở”. Như vậy rõ ràng, nếu một học sinh lớp 6 hiện nay không đọc được chữ và không viết được chữ, thì sản phẩm giáo dục này chưa có được các kỹ năng cơ bản để học sinh tiếp tục học trung học cơ sở. Chiếu theo luật, các học sinh này phải “được quyền ở lại lớp” như tác giả bài báo đã nói là đúng; có nghĩa là, các học sinh này đã bị các giáo viên và các cấp quản lý đối xử sai luật bằng cách “nhẫn tâm đẩy học sinh lên lớp”; hay nói cách khác, giáo viên và nhà trường đã mặc nhiên tước quyền ở lại lớp hợp pháp và bình thường của các em.
Vì sao sự vụ đã không được thực hiện một cách “bình thường” theo cái lẽ đơn giản vừa nêu trên? Theo chúng tôi, nguyên nhân được xuất phát từ mấy lý do sau:
1. Bệnh thành tích hão, giả dối và nhiều khi thực hiện chưa nghiêm Luật giáo dục có tính hệ thống đã thấm sâu vào trong ngành giáo dục. Lỗi này thuộc về công tác quản lý giáo dục của các cấp.
2. Chất lượng đội ngũ giáo viên còn quá nhiều bất cập; trong đó có phần đọc “chưa thông” luật lệ quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của mình trong vấn đề đảm bảo CLGD. Lỗi này phần chính thuộc về giáo viên.
3. Áp lực tâm lý xã hội đè nặng lên các bậc phụ huynh khi con em mình có học lực yếu kém, đã tạo ra động cơ cho họ làm mọi cách để các em được lên lớp; trong khi đó, bình thường hàng ngày, có một bộ phận phụ huynh chẳng bao giờ chăm sóc việc học hành của con cái, chỉ phó mặc cho nhà trường. Lỗi này thuộc về xã hội.
PHẢI XÂY DỰNG MỘT HỆ THỐNG THANH TRA GIÁO DỤC ĐỦ MẠNH
Giải pháp nào để chấn hưng nền giáo dục nói chung và GD phổ thông nói riêng ? Đây là một câu hỏi lớn mang tầm vóc vĩ mô cấp quốc gia để giải quyết sự mâu thuẫn giữa phát triển quy mô giáo dục với các nguồn lực đáp ứng hạn hẹp và bất cập. Điều này không dễ gì được giải quyết trong ngày một, ngày hai. Trong sự hiểu biết khiêm tốn của mình, chúng tôi trộm nghĩ có hai giải pháp lớn sau:
Thứ nhất, trước mắt phải xây dựng một hệ thống thanh tra giáo dục đủ mạnh để có thể làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra và đảm bảo CLGD ngay từ lớp Một nói riêng và toàn bậc GD phổ thông nói chung; cần phải xử lý kỉ luật nghiêm minh bất kì cá nhân và cấp quản lý GD nào, một khi phát hiện có hiện tượng giả dối, vi phạm luật pháp trong giảng dạy và quản lí.
Nói riêng ở Phú Yên, trong năm học 2006-2007, phải thực hiện tốt cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo phát động bằng cách thực hiện có chất lượng chỉ thị số 25/06/CT-UBND ngày 18/8/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh: “Đánh giá xếp loại học sinh đúng thực chất, phản ánh trung thực tình hình dạy và học... chống bệnh hình thức, bệnh thành tích trong giáo dục”. Chắc chắn rằng, khi thực hiện nghiêm túc chỉ thị trên, có thể sẽ có nhiều giáo viên, nhiều cơ sở giáo dục - đào tạo bộc lộ nhiều điều bất cập; đi theo đó là các danh hiệu thi đua sẽ bị tước mất; nhưng ngành giáo dục cần phải chấp nhận một lần nỗi đau và biết dùng liều thuốc đắng cần thiết để mà giã tật.
Thứ hai, về lâu dài, ngành giáo dục nước nhà phải xây dựng được những thiết chế giáo dục phù hợp dựa trên nền tảng của một triết lý giáo dục đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Đây chính là giải pháp giáo dục căn cơ mà Đảng và Chính phủ đang thực hiện. Chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng và tin tưởng điều ấy sẽ thành công!
TRẦN LÊ NGUYỄN
THẲNG THẮN NHÌN LẠI CHÍNH MÌNH
Tôi thấy đau nhói cả lồng ngực khi đọc bài “26 học sinh lớp 6 đọc chưa thông, viết chưa thạo: Nỗi đau của ngành giáo dục” đăng trên báo Phú Yên số ra ngày
Lâu nay chúng ta vẫn tự hào rằng dân ta đã thoát khỏi cảnh đói ăn và nghèo chữ. Chúng ta vì con người và vì tương lai của đất nước đã tiêu tốn khá nhiều tiền bạc, công sức cho công tác phổ cập và đầu tư phát triển ngành giáo dục trong hàng chục năm. Vậy tại sao gần đây sự thực đau lòng của ngành giáo dục lại được phơi bày hết nơi này đến nơi khác?
KHÔNG CHỈ CÓ Ở SÔNG HINH
Ở Quảng Ngãi, có học sinh học lớp 6 vào buổi sáng để rồi buổi chiều đến lớp học lại lớp 1. Ở Bình Định cũng không khá gì hơn. Tại huyện Đông Hưng ở Kiên Giang, qua một phóng sự truyền hình, cả nước biết chuyện hai học sinh lớp 7 vừa nhận giấy khen học sinh tiên tiến trong hè 2006 lại không thể nào đọc nổi những chữ có bốn chữ cái. Cứ tưởng đó là những “chuyện lạ bốn phương” ngờ đâu ở một góc miền đất được nhiều người từng gọi là “Đất học Phú Yên” cũng có 26 học sinh bậc trung học cơ sở đọc chưa thông viết chưa thạo và bây giờ phải chữa cháy giống như Quảng Ngãi, gom số học sinh này lại để dạy “đánh vần”. Thật tội nghiệp cho các em lên lớp mà “không hiểu vì sao lên lớp”.
Sau khi đọc phóng sự trên, tôi có trao đổi ý kiến cùng một số hiệu trưởng, hiệu phó các trường tiểu học trong tỉnh, các anh chị ấy nói với tôi rằng “Chuyện xảy ra ở trường THCS Trần Phú (Sông Hinh) nào phải cá biệt. Ngay bây giờ, nếu chịu khó làm cuộc điều tra nghiêm túc, mọi người sẽ không còn cảm thấy bất ngờ nữa vì qua con số thống kê kết quả thực mọi người sẽ thấy việc học sinh học hết tiểu học mà đọc chưa thông viết chưa thạo là một việc quá bình thường. Bình thường đến mức như một lẽ đương nhiên”. (Còn gì nguy hại hơn khi chuyện không bình thường lại trở thành bình thường trong mắt mọi người vì tính phổ biến của nó). Họ còn nói thêm: “May mà ông Nhân (Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) nổ phát pháo lệnh cho phép chống bệnh thành tích chứ nếu không thì sự việc này không biết sẽ còn bị bưng bít đến bao giờ. Có thể nói thẳng, nếu học sinh yếu kém mà được đánh giá đúng, phải ở lại lớp với tỷ lệ hơi cao thì cán bộ quản lý không thể nào yên thân với cấp uỷ, chính quyền địa phương, thậm chí với cả phòng giáo dục nữa”. Nghe mà giật nẩy người!
THÀ MỘT LẦN CHỊU ĐAU ĐỂ RỒI ĐƯỢC LÀNH
Đã đến lúc chúng ta hãy nói thực với nhau, xin đừng tiếp tục lừa dối lẫn nhau, bịt mắt nhau, dụ dỗ nhau. Toàn xã hội hãy cùng xắn tay làm một cuộc đại phẫu để cắt bỏ khối ung nhọt trong ngành giáo dục lâu nay đã làm độc, sưng tấy giờ đã đến hồi, hành hạ cơ thể chúng ta (cần xét trách nhiệm của ngành giáo dục lẫn trách nhiệm của các cấp quản lý xã hội). Thà một lần chịu đau để rồi được lành. Cái sẹo để lại có thể hơi lớn, hơi xấu nhưng chúng ta có quyền tin tưởng các thế hệ kế tiếp sẽ được lành lặn, đẹp đẽ hơn nhiều.
Người lớn vẫn thường dạy trẻ con mọi sự dối trá đều xấu xa. Các thầy cô giáo làm nghề dạy người, đào tạo con người, được xã hội tôn vinh đây là “nghề cao quí nhất trong các nghề cao quí” (như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói), hà cớ gì vì chạy theo thành tích mà các thầy cô nỡ lừa dối các bậc cha mẹ, lừa dối toàn xã hội trong việc dạy dỗ và đánh giá học sinh mình? Các thầy cô có biết chính các điểm số giả, kết quả đánh giá hạnh kiểm-học lực giả, các bản báo cáo thành tích giả dù mang lại cho các thầy cô những tấm bằng khen thật, danh hiệu thi đua thật nhưng cũng chính nó đã góp phần làm lụn bại thế hệ trẻ đến nhường nào!
Các nhà quản lý xã hội hãy thẳng thắn nhìn vào sự thật; ngành giáo dục và đào tạo Phú Yên hãy thẳng thắn nhìn lại mình, nhìn lại các sản phẩm của mình. Xin đừng hài lòng và bằng lòng những gì đang có, hãy rà soát để tìm xem còn bao nhiêu học sinh ngồi nhầm lớp-nhầm cấp, hãy đánh giá lại để biết còn bao nhiêu học sinh học cấp 2-cấp 3 mà vẫn đọc chưa thông viết chưa thạo. Trên đường ra biển lớn để làm ăn, để hội nhập, nếu không có lòng trung thực, sống dối trá, không giữ được chữ tín thì ta sẽ thua ngay trận đầu.
CHÁNH LỘC