Hồi mới nhậm chức, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã từng nhận xét rằng không chỉ “các thầy cô, các trường ham muốn thành tích bằng kết quả thi cử cao, mà hàng triệu phụ huynh và học sinh cũng đồng tác giả của bệnh thành tích”. Bộ trưởng còn khẳng định: “Nếu thầy và trò không trung thực sẽ tạo ra những con người không chất lượng”. Điều này cho thấy vai trò của thầy cô giáo và học trò trong cuộc chiến chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích là vô cùng quan trọng, nếu không nói là quyết định.
Thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, giáo viên mạnh dạn hơn trong việc “nói thẳng nói thật” đánh giá, thi đua - Ảnh: MẠNH THÚY |
Từ xưa, người thầy được xem là chuẩn mực cả về tri thức, nhân cách đạo đức. Không những học sinh mà các bậc phụ huynh cũng xem thầy cô như những tấm gương để học tập và làm theo. Thầy cô giáo có ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức, suy nghĩ và hành động của học sinh.
Ông Nguyễn Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (huyện Đồng Xuân) nói: “Tôi cho rằng chính thầy cô giáo cũng cần xem lại ai đã đặt học sinh không đúng chỗ? Ai đã tiếp tay và để cho những hành vi gian lận xảy ra trong các kỳ thi? Đã có mấy ai dám dũng cảm đấu tranh với tiêu cực trong thi cử? Tôi rất mừng khi tân Bộ trưởng triển khai cuộc vận động này”.
Việc áp chỉ tiêu từ trên xuống là hết sức phi lý nhưng bấy lâu nay vẫn cứ tồn tại. Bộ GD – ĐT đưa chỉ tiêu xuống các sở, các sở lại giao chỉ tiêu xuống cho các phòng Giáo dục, các trường và cuối cùng “trăm dân đổ đầu… giáo viên”! Tất cả chỉ tiêu đều được hiệu trưởng phân bổ cho giáo viên, làm không được thì hạ bậc thi đua. Chỉ vì thành tích mà bấy lâu nay các nhà quản lý, lãnh đạo ngành giáo dục đi kiểm tra, dự giờ ở các trường đều được thông báo trước(!) Vậy là các trường phân bố lịch, sắp xếp cho giáo viên dạy trước bài đó cho học sinh, thậm chí còn chuẩn bị trước câu hỏi và câu trả lời để học sinh biết, tập trả lời trước. Đánh giá thiếu khách quan, thiếu sự công bằng, không có các tiêu chí rõ ràng thì buộc bản thân giáo viên, nhà trường muốn vươn lên phải tìm cách “lách”. Hậu quả tai hại là các em học sinh lãnh đủ do chính những việc mà người lớn gây ra. Thầy giáo Đặng Kim Sơn, giáo viên Trường THPT Lê Lợi, nói: “Thực hiện cuộc vận động, giáo viên chúng tôi không còn chịu áp lực về chỉ tiêu thi đua hoặc điểm số của học sinh. Nói như thế không có nghĩa là giáo viên thả nổi cho học sinh ra sao thì ra. Mà ngược lại, giáo viên phải cố gắng hết sức trong dạy và học, đánh giá đúng thực dạy, thực học và thực kết quả”.
Các bước đi của cuộc vận động lớn này đang được nhiều thầy cô hình dung một cách rõ nét. Cô giáo Huỳnh Thị Thuý Diễm, Hiệu phó Trường THCS Trần Phú (huyện Sông Hinh) cho biết: “Chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục bắt đầu bằng việc chống lối dạy đọc - chép. Dạy học cần làm sao để phát huy cho được tính năng động, sáng tạo của học trò. Dạy phải sáng tạo, học cũng phải sáng tạo chứ không phải là khuôn mẫu”.
Sở dĩ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục rất đồng tình với cuộc vận động này, vì có lẽ đã lâu lắm họ chưa có cơ hội để “nói thật nói thẳng”. Cuộc vận động thật sự giúp họ và ngành giáo dục nhìn lại mình và giảng dạy có trách nhiệm hơn. Cô giáo Nguyễn Thị Như Thân, giáo viên Trường TH số 2 Hoà Mỹ Tây (huyện Tây Hoà) bày tỏ: “Cuộc vận động là cơ hội lớn để chấn hưng giáo dục giai đoạn mới này. Vì vậy, giáo viên chúng tôi sẽ biến cơ hội này thành thành quả giáo dục đúng thực chất”.
THUÝ HẰNG