Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư quy định về tiêu chuẩn đánh giá trường tiểu học. Đây được xem là căn cứ để xác định nội dung, mức độ yêu cầu trong các hoạt động: kiểm định chất lượng giáo dục, đánh giá mức chất lượng tối thiểu, công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, công nhận trường tiểu học đạt tiêu chuẩn trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá, các trường tiểu học từng bước hoàn thiện chất lượng đào tạo - Ảnh: M.THÚY
Theo thông tư quy định về tiêu chuẩn đánh giá trường tiểu học thì trường tiểu học được đánh giá dựa vào năm tiêu chuẩn bao gồm: tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục. Mỗi tiêu chuẩn bao gồm các tiêu chí đánh giá và mỗi tiêu chí đánh giá có các chỉ số để đánh giá trường tiểu học.
Cụ thể, về tiêu chuẩn tổ chức và quản lý nhà trường: thực hiện nhiệm vụ quản lý các hoạt động giáo dục và quản lý học sinh theo quy định của tiểu học. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho học sinh và cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; thực hiện các quy định về phòng chống bạo lực học đường, phòng chống dịch bệnh, phòng tránh các hiểm họa thiên tai, các tệ nạn xã hội trong trường. Xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tai nạn thương tích, cháy nổ, phòng tránh các hiểm họa thiên tai, phòng chống dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm, phòng tránh các tệ nạn xã hội của nhà trường; không có hiện tượng kỳ thị, vi phạm về giới, bạo lực trong nhà trường.
Về tiêu chuẩn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh: đánh giá hiệu trưởng, phó hiệu trưởng hằng năm theo Quy định Chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được bồi dưỡng, tập huấn về chính trị và quản lý giáo dục theo quy định; xếp loại chung cuối năm học của giáo viên đạt từ loại trung bình trở lên theo Quy định về Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học; đảm bảo quy định về tuổi học sinh…
Về tiêu chuẩn cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, ngoài phòng học, phòng chức năng, đòi hỏi các trường phải có khu vệ sinh, hệ thống nước sạch; trang thiết bị y tế tối thiểu; thư viện đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Về tiêu chuẩn quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội: nhà trường tạo điều kiện để Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động; tổ chức các cuộc họp định kỳ và đột xuất giữa nhà trường với cha mẹ học sinh, Ban đại diện cha mẹ học sinh để tiếp thu ý kiến về công tác quản lý của nhà trường, các biện pháp giáo dục học sinh, giải quyết các kiến nghị của cha mẹ học sinh, góp ý kiến cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nhà trường tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền và phối hợp với các tổ chức, đoàn thể của địa phương để xây dựng nhà trường và môi trường giáo dục lành mạnh; sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tự nguyện, theo quy định của các tổ chức, cá nhân để xây dựng cơ sở vật chất, tăng thêm phương tiện, thiết bị dạy học; huy động nguồn kinh phí tự nguyện, theo quy định của các tổ chức, cá nhân để khen thưởng học sinh học giỏi, hỗ trợ học sinh nghèo. Nhà trường phối hợp hiệu quả với các tổ chức, đoàn thể để giáo dục học sinh về truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc; chăm sóc di tích lịch sử, cách mạng, công trình văn hóa; chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với nước, Mẹ Việt Nam anh hùng ở địa phương.
Về tiêu chuẩn hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục: dạy đủ các môn học, đúng chương trình, kế hoạch, đảm bảo yêu cầu của chuẩn kiến thức, kỹ năng, lựa chọn nội dung, thời lượng, phương pháp, hình thức phù hợp với từng đối tượng học sinh, đáp ứng khả năng nhận thức và yêu cầu phát triển bền vững trong điều kiện thực tế của địa phương; thực hiện bồi dưỡng học sinh năng khiếu, phụ đạo học sinh yếu; tham gia thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi của địa phương. Quy định này cũng yêu cầu nhà trường hỗ trợ trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ khuyết tật tới trường; giáo dục kỹ năng sống, tạo cơ hội để học sinh tham gia vào quá trình học tập một cách tích cực, chủ động, sáng tạo.
Phú Yên hiện có hơn 170 trường tiểu học, trong đó có 55 trường đủ điều kiện đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục. Trong năm học 2011-2012, Sở GD-ĐT Phú Yên tiếp tục có văn bản hướng dẫn các đơn vị triển khai công tác quản lý chất lượng và tổ chức tự đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục phổ thông; cung cấp đầy đủ các văn bản và tài liệu về công tác kiểm định chất lượng giáo dục.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá cho biết: “Tiêu chuẩn đánh giá trường tiểu học là căn cứ để xác định nội dung, mức độ yêu cầu trong các hoạt động: kiểm định chất lượng giáo dục trường tiểu học, đánh giá mức chất lượng tối thiểu của trường tiểu học, công nhận trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, công nhận trường tiểu học đạt tiêu chuẩn trường học thân thiện, học sinh tích cực, thanh tra toàn diện nhà trường”.
MẠNH THÚY