Thứ Năm, 10/10/2024 23:26 CH
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên
Thứ Tư, 30/11/2011 10:30 SA

Hiện nay sinh viên đại học đã gặt hái được khá nhiều thành tựu trong công tác nghiên cứu khoa học, đã có nhiều giải thưởng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa đẩy công tác nghiên cứu khoa học thành một phương thức học tập, thành một phong trào phổ biến.

 

sinh-vien-111130.jpg

Sinh viên Trường đại học Phú Yên sử dụng công nghệ thông tin trong học tập - Ảnh: T.HẰNG

Được đào tạo ở nước ngoài, khi về nước, ngoài nửa năm làm công tác, tôi còn nghiên cứu văn học Trung Quốc, rồi chuyển sang làm văn học Việt Nam, sau đó là Tiếng Việt, rồi Hán Nôm. Tức là bắt đầu từ số không, ngoài một “dúm” ngoại ngữ, tôi phải học chương trình của đại học Việt Nam, không phải trong trường lớp mà là tự học. Do tự học, tôi phải làm việc nhiều hơn người học chính khóa. Vì không được nghe giảng, tôi phải vật lộn một mình với giáo trình. Khi đọc giáo trình một mình tôi nghiệm ra là mình không phải tiếp thu kiến thức một cách thụ động mà có thể lật đi lật lại vấn đề. Việc tự học và nghiên cứu cho mình tìm thấy những chỗ mà khoa học chưa đụng tới hoặc chưa giải quyết thấu đáo và mình cần theo đuổi, đừng dấn bước vào những gì mà người ta đã giải quyết. Đừng dùng hết sức mạnh để đẩy một cánh cửa để ngỏ. Hãy dồn sức cho những gì cần khai phá.

 

Qua quá trình tự học của mình, tôi muốn chứng minh hai điều. Một là không nên đợi khi mình đã đủ lông đủ cánh rồi mới bắt đầu nghiên cứu khoa học mà nên bắt đầu ngay khi mình còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Hai là nên coi nghiên cứu khoa học là một phương thức học tập, là cái mà ta thường gọi là biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Hiện nay sinh viên đại học đã gặt hái được khá nhiều thành tựu trong công tác nghiên cứu khoa học, đã có nhiều giải thưởng. Tuy nhiên, ta vẫn chưa đẩy công tác nghiên cứu khoa học thành một phương thức học tập, thành một phong trào phổ biến. Tôi cũng đã hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học qua những báo cáo, những niên luận, những khóa luận và cũng đã đạt được giải thưởng cấp bộ. Kinh nghiệm của tôi là đừng hướng dẫn sinh viên nghiên cứu những gì mình đã biết rồi, đã có sẵn kết luận trong túi. Tôi cho rằng làm như vậy chưa khoa học: Thầy chẳng được gì mà trò thì ỷ lại vào thầy.

 

Đối với thầy, quá trình hướng dẫn cũng là một quá trình nghiên cứu. Tuy như thế sẽ mệt cho thầy nhưng mới khám phá được điều gì mới cho khoa học mà thầy, trò đều thấy hữu ích. Ngược lại cũng không nên biến sinh viên thành công cụ thực hiện một bảng thống kê, một thí nghiệm có thể góp một góc vào công trình nghiên cứu của thầy - điều này rất dễ mắc ở các thầy dạy đại học. Kinh nghiệm của tôi là không nên giao đề tài cho sinh viên vì đề tài ấy có thể không vừa sức và không hấp dẫn đối với sinh viên, nên để sinh viên tự chọn đề tài, tự nguyện làm đề tài. Thầy sẽ uốn nắn lại nếu đề tài không cần thiết, không vừa sức. Ở phương diện này, thầy là người “đỡ đẻ” chứ không phải là người “đẻ hộ” sinh viên. Trong quá trình hướng dẫn, thầy chỉ gợi ý, hướng dẫn và kích thích ham muốn khoa học của sinh viên. Từ những ham muốn này, những kinh nghiệm của thầy và kỷ luật làm việc, sinh viên có thể sẽ trở thành nhà khoa học trong tương lai. Và trước mắt, ngay trong khi học tập ở trường, sinh viên biết lật đi lật lại những điều thầy giảng, nên thắc mắc, qua đó mà nắm vững giáo trình.

 

Trước khoa học, mọi người đều bình đẳng. Thầy hướng dẫn phải biết lắng nghe ý kiến của sinh viên dù ý kiến ấy ngược lại với mình. Sinh viên nói ra được là tốt, từ đó mà thầy hướng dẫn hiểu được trò của mình, uốn nắn, giảng giải cho các em, hoặc tự xem lại mình. Như vậy, qua một đề tài nghiên cứu, thầy và trò sẽ gắn bó với nhau hơn, cả thầy và trò đều có lợi và giới khoa học cũng được thành tựu mới.

 

Về kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học, theo tôi hiện nay còn ít. Để nghiên cứu và viết bài, nhiều khi sinh viên phải trích tiền ăn ra mua giấy viết và làm chế bản. Có nhiều thầy phải bỏ tiền lương ra giúp đỡ sinh viên làm báo cáo. Điều ấy không lớn lắm, lặt vặt thôi, nhưng nó không thể hiện được sự quan tâm của Nhà nước đối với việc đào tạo nhân tài và đối với nghiên cứu khoa học. Tôi hy vọng các cấp, ngành quan tâm hơn nữa đến kinh phí nghiên cứu khoa học của sinh viên.

 

NGUYỄN NGỌC SAN

(Trường đại học Sư phạm Hà Nội)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek