Thứ Sáu, 11/10/2024 05:36 SA
Nhà giáo ưu tú nghĩ về nghề
Chủ Nhật, 20/11/2011 10:00 SA

Thật sự khó khi nói về mình trong ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), nhất là khi nói về đạo lý thầy - trò với truyền thống tôn sư trọng đạo và những đòi hỏi khắt khe của nghề giáo. Báo Phú Yên xin trân trọng giới thiệu ý kiến của các nhà giáo ưu tú trong ngày lễ này.

ty111120.jpg* Nhà giáo ưu tú Hoàng Văn Tý, Trường đại học Xây dựng Miền trung: “Tôi vui khi biết kiến thức do mình truyền đạt có ích cho học sinh”

Dạy học không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình thương, niềm vui của người thầy giáo, không chỉ là niềm vui của cá nhân mình mà còn là niềm vui của học trò, xã hội. Tôi vui khi biết kiến thức do mình truyền đạt có ích cho học sinh, giúp học sinh tôi thành đạt, hạnh phúc và tôi buồn khi biết học sinh mình lầm lạc, sa ngã. Có nghề nghiệp nào vinh dự, hạnh phúc và có những cung bậc tình cảm như nghề giáo không?

Những năm học gần đây, hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp bắt tay vào thực hiện cuộc vận động “Nói không với đào tạo không đạt chuẩn, không đáp ứng nhu cầu xã hội” nhằm chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Đối với thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục, hưởng ứng cuộc vận động này chẳng có gì khác hơn là ngẫm lại đặc điểm nghề mình để lòng mình trong sáng, tự mình đổi mới phương pháp dạy học, cải tiến và nâng cao chất lượng quản lý giáo dục để góp phần vào sự nghiệp phát triển nền giáo dục.

cong111120.jpg* Nhà giáo ưu tú Quách Đình Công, hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP Tuy Hòa): Người thầy luôn có vai trò quan trọng

35 năm làm nghề giáo là bấy nhiêu lần tôi đón ngày kỷ niệm về. Nhưng có lẽ cũng chẳng năm nào giống năm nào. Cứ một tuổi đi qua trên mái tóc là mỗi năm tôi lại cảm nhận về nghề một cách rõ ràng hơn. Là người thầy, ai cũng trăn trở với nghề, luôn muốn truyền đạt cho học trò những tri thức mới, những kinh nghiệm mà mình đã kinh qua. 35 năm gắn bó với trường lớp, học trò, nếu được chọn lựa lại một ước mơ, tôi vẫn chọn nghề giáo vì nó cao quý và giúp mình phát triển một cách toàn diện, nhất là kỹ năng, tri thức và đạo đức. Ở mọi thời đại, người thầy có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự trưởng thành của học trò. Người thầy là người nêu gương cho học trò về phẩm chất đạo đức, về những lối ứng xử hàng ngày. Với ý nghĩa đó, ở thời đại nào, người thầy luôn có vai trò quan trọng đối với sự trưởng thành của học trò, rộng hơn là đối với sự hình thành lớp công dân mới của xã hội.

co-huong-11111120.jpg* Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Xuân Hương, trường THPT chuyên Lương Văn Chánh: Có được một học trò giỏi hơn thầy đó là hạnh phúc

Mỗi năm, cứ đến ngày 20/11, tôi lại thấy bồi hồi, thấy xôn xao niềm vui và hân hoan niềm kiêu hãnh. Bởi một điều thật giản dị mà cũng thật ý nghĩa, vì tôi làm nghề giáo - một nghề được cả xã hội trân trọng và tôn vinh. Với tôi, Ngày Nhà giáo Việt Nam hàng năm không chỉ là ngày của những lời chúc đẹp, những bó

hoa tươi, những tấm lòng tri ân ấm áp mà còn là dịp để những người “vì sự nghiệp trồng người” có điều kiện suy ngẫm thêm về con đường mình đang đi, về nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn và theo đuổi. Dân gian ta có câu: “Không thầy đố mày làm nên”, cũng lại có câu “Con hơn cha là nhà có phúc”. Có được một học trò giỏi hơn thầy đó là

hạnh phúc của người thầy. Là một giáo viên trường chuyên, ngoài truyền đạt kiến thức cho học sinh, giáo viên còn không ngừng tìm tòi, học hỏi để hoàn thiện trình độ chuyên môn, đào tạo được những học sinh giỏi toàn diện.

co-hien111120.jpg* Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền, trường THPT Nguyễn Huệ: Nếu ai coi nghề giáo là nghề để làm giàu sẽ rất dễ sa ngã

Tôi thực sự rất cảm động khi vào ngày 20/11 hàng năm, các học trò ở nhiều nơi đến thăm và gọi điện chúc mừng, kể chuyện học tập, công tác và cả chuyện gia đình cho cô giáo nghe. Quả thật, tình cảm học trò đối với người thầy là một phần thưởng lớn dành cho những nhà giáo chúng tôi. Là giáo viên dạy môn Lịch sử

- môn học mà nhiều học sinh cho là môn phụ, môn học khó kiếm tiền vì không có học trò học thêm, nhưng với tôi không vì thế mà lơ là trong giảng dạy. Tôi biết, cuộc sống không chỉ có đời sống tinh thần mà còn cần lắm những điều kiện vật chất. Tuy nhiên, nếu ai coi nghề giáo là nghề để làm giàu sẽ rất dễ sa ngã, sẽ biến giáo dục thành một hoạt động mua bán. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi mong sao tất cả các thầy cô giáo sẽ luôn đủ sức khỏe với tất cả say mê nghề nghiệp để đi hết con đường mình đã chọn. Tôi cũng mong sao xã hội tạo mọi điều kiện để các thầy cô giáo toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp trồng người, để nghề giáo mãi mãi là nghề cao quý.

THÚY HẰNG (thực hiện)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek