Thứ Sáu, 11/10/2024 05:31 SA
Tôn vinh nghề giáo để đổi mới giáo dục
Thứ Bảy, 19/11/2011 08:15 SA

Đại hội XI của Đảng đã đề ra mục tiêu đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục, đào tạo để tạo đột phá về đào tạo nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ lịch sử mới. Đây là công việc quan trọng đòi hỏi sự nỗ lực, quan tâm của toàn Đảng, toàn dân, của toàn xã hội và sự đóng góp của mỗi gia đình, đặc biệt là sự cố gắng thường xuyên của đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

 

tap-giang111119.jpg

Giờ học tập giảng của sinh viên Trường đại học Phú Yên - Ảnh: T.HẰNG

Sau hơn 25 năm đổi mới, nước ta đã vượt qua ngưỡng nước nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt mức nước trung bình có thu nhập thấp. Giáo dục của nước ta đã có những phát triển mới về quy mô và các loại hình giáo dục, đào tạo từ mầm non đến đại học. Hàng năm có hơn 20 triệu học sinh đến trường và sự nghiệp giáo dục toàn dân, học tập suốt đời đang trở thành động lực mới thúc đẩy phát triển giáo dục, đào tạo trong xã hội ta.

 

Tuy nhiên để Việt Nam có thể vượt qua cái bẫy nước phát triển trung bình mà nhiều nước đang phát triển gặp phải thì chất lượng nguồn nhân lực có vai trò cực kỳ quan trọng. Theo đó vai trò của giáo dục, đào tạo, vị trí và vai trò của đội ngũ thầy, cô giáo, đội ngũ cán bộ quản lý và khoa học giáo dục có ý nghĩa quyết định. Bởi vì, sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đang đặt ra cho nước ta những yêu cầu mới về nguồn nhân lực chất lượng cao, nghĩa là nguồn nhân lực được đào tạo có kỹ năng lao động, làm việc có kỹ thuật, có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến. Trong điều kiện hội nhập, mở cửa thị trường, Việt Nam chủ trương CNH rút ngắn thời gian gắn với phát triển kinh tế tri thức thì yêu cầu lại càng nhiều hơn về số lượng, nâng cao về chất lượng đối với nhân lực để có thể nâng cao năng suất lao động xã hội, sớm đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các tầng lớp lao động như nông dân, công nhân, trí thức. Thực tiễn sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong quá trình đổi mới vừa qua cho thấy rõ rằng, đầu tư cho con người, cho giáo dục phát triển nguồn nhân lực chính là đầu tư cho phát triển. Đồng thời cũng trong đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường đi vào công nghiệp hóa và kinh tế tri thức, hội nhập, tham gia toàn cầu hóa đã bộc lộ những bất cập của nguồn nhân lực mà nguyên nhân là do yếu kém, hạn chế của giáo dục đào tạo. Nhiều công trình, dự án không thể tuyển chọn được nhân lực mà phải thuê nhân lực quốc tế, nhất là nhân lực quản trị và kỹ thuật, công nghệ. Trong khi ở nước ta các trường đại học mở ra nhiều, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm ngày càng tăng, điều đó cho thấy chất lượng đào tạo của nước ta chưa đáp ứng yêu cầu để thích ứng với thực tiễn sản xuất và phát triển của các ngành kinh tế, văn hóa, xã hội khi đi vào CNH, HĐH. Một yêu cầu của CNH, HĐH là nguồn nhân lực phải có sức khỏe và tiếp thu nhanh kiến thức khoa học, công nghệ mới, có kỹ năng làm việc trong môi trường công nghệ, kỹ thuật ngày càng đổi mới và phát triển. Do vậy phát triển nhân lực phải tập trung vào thế hệ trẻ. Vấn đề đặt ra là trong điều kiện đẩy mạnh CNH, hội nhập thì giáo dục, đào tạo phải làm sao để thanh niên, thế hệ trẻ trở thành đội quân xung kích đi vào khoa học công nghệ mới? Tuy lực lượng lao động trẻ nước ta được xếp vào hạng quốc gia có trình độ học vấn khá, có nhiều học sinh, sinh viên thông minh đạt giải quốc tế, nhưng lại thiếu những nhà kỹ nghệ trẻ tài năng, những doanh nhân trẻ có tài và những lao động tinh thông công nghệ mới.

 

Dù thời gian qua có nhiều cố gắng đổi mới, cải cách song giáo dục Việt Nam còn lạc hậu, nhất là bậc đại học và dạy nghề. Hệ quả tất yếu là nguồn nhân lực bị ảnh hưởng. Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm trên thang 10 điểm về chất lượng giáo dục và nguồn nhân lực. Trong khi Hàn Quốc là 6,91; Ấn độ là 5,76; Malaysia là 5,59; Thái Lan là 4,94 (Báo cáo phát triển thế giới năm 2006 của Ngân hàng thế giới).

 

Từ yêu cầu của CNH, HĐH đất nước với mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì công việc cấp bách, thường xuyên là nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, thúc đẩy sự nghiệp khoa học công nghệ, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Muốn vậy, phải có chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ giáo dục, đội ngũ thầy cô giáo một cách đồng bộ, khoa học. Trước mắt cần phải có những chính sách đột phá đối với đội ngũ thầy cô giáo và cán bộ quản lý, cán bộ khoa học giáo dục để tôn vinh nghề giáo. Chẳng hạn như thay đổi chính sách tiền lương phù hợp với lao động của ngành giáo dục để người thầy, cô giáo từ bậc mầm non đủ sống và sống tốt thì họ mới an tâm với sự nghiệp trồng người. Trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, việc xây dựng đội ngũ cán bộ giáo dục cần chăm lo bồi dưỡng nhiều cán bộ khoa học giáo dục, có những chính sách thu hút và tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học giáo dục làm việc, cống hiến và giao lưu quốc tế. Ngành giáo dục cần có những quyết sách lớn về trọng dụng nhân tài giáo dục. Vì đây là khâu đột phá để mở ra những sáng tạo để đổi mới, phát triển giáo dục theo hướng hiện đại. Nếu trọng dụng được nhân tài giáo dục, kể cả người nước ngoài thì chấn hưng giáo dục chỉ còn là vấn đề thời gian, tránh được những lãng phí to lớn như đã xảy ra mấy chục năm qua. Trong những năm trước mắt, ngành giáo dục cần sớm cụ thể các quan điểm, nội dung trong văn kiện Đại hội XI của Đảng về giáo dục, đào tạo để Bộ Giáo dục và đào tạo, các cơ quan, ban ngành, cấp ủy và chính quyền các cấp triển khai thực hiện thành công các chương trình hành động, kế hoạch công tác. Theo đó Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp xây dựng và đề xuất những chính sách, đề án mới đối với lực lượng làm công tác giáo dục, đào tạo. Những chính sách, đề án mới cần quán triệt đầy đủ quan điểm trọng dụng nhân tài giáo dục, chăm lo xây dựng đội ngũ thầy cô giáo trong thời kỳ mới. Thiết thực hơn cả là ngay từ bây giờ, cần tăng cường nhân tài, nhân lực và cơ sở vật chất cho hệ thống các trường sư phạm từ cấp mẫu giáo trở lên và có những chính sách mới trong tuyển sinh vào các trường sư phạm nhằm thu hút những lực lượng tinh hoa trong học sinh, sinh viên.

 

TS. PHẠM VĂN KHÁNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek