Thứ Sáu, 11/10/2024 05:28 SA
Tôn sư trọng đạo - truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta
Chủ Nhật, 20/11/2011 07:41 SA

Tôn sư trọng đạo là truyền thống nổi bật trong nền giáo dục dân tộc, được hình thành, củng cố và phát triển qua mấy ngàn năm cùng với sự phát triển của đất nước. Truyền thống ấy đã được nâng lên tầm cao mới, thể hiện trong mối quan hệ bình đẳng, trò kính trọng thầy, thầy tôn trọng nhân cách trò.

 

mung-co111120.jpg

Sinh viên Trường cao đẳng Nghề Phú Yên chúc mừng cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam - Ảnh: T.HẰNG

Người đời đã dạy: Giá trị của một con người không phải là vóc dáng mà là trí tuệ và sự nghiệp. Chỉ khi nào con người ta có trí tuệ và trí thức thì mới là người thành đạt. Vậy trí thức của con người do đâu mà có? Phải chăng nó chính là những kiến thức, kinh nghiệm được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và chính thầy, cô là những người có sứ mệnh đi truyền thụ, tiếp nối, nuôi dưỡng những kho tàng trí thức đó. Những người làm cho loài người từng bước từ “vương quốc nô lệ đến vương quốc tự do”, làm chủ tự nhiên, làm chủ xã hội và làm chủ chính bản thân mình. Trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà có rất nhiều truyền thống, song truyền thống “tôn sư trọng đạo” và truyền thống hiếu học là tiêu biểu nhất.

Tôn sư trọng đạo là truyền thống nổi bậc trong nền giáo dục dân tộc, được hình thành, củng cố và phát triển trải qua mấy ngàn năm cùng với sự phát triển của đất nước, dân tộc; Tôn sư trọng đạo là thể hiện đạo lý, suy nghĩ của con người Việt Nam là tôn trọng, kính trọng thầy dạy. Ông cha ta thường nói “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Tôn vinh người thầy, nghề dạy học vì dân tộc ta trọng đạo lý làm người. Từ ngàn xưa ông cha ta đã đúc kết “tiên học lễ, hậu học văn” có nghĩa là người đi học trước hết phải học đạo lý làm người, biết cách cư xử với mọi người trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Người đi học trước hết phải học đạo làm con, làm cháu, đạo làm trò biết lễ phép, kính trên nhường dưới. Mỗi con người Việt Nam chúng ta ngay từ thuở còn ấu thơ đã từng nghe lời ru của mẹ “muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, “cơm cha, áo mẹ, chữ thầy”, “mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”, “một bụng chữ hơn hũ vàng” đã trở thành phương châm xử thế của cả xã hội đối với thầy giáo qua các thế hệ.

Triết lý “nhân bất học bất tri lý” là nhân sinh quan của con người Việt Nam, vì vậy đi học là để “kiếm dăm ba chữ làm người”. Học để tiếp thu kinh nghiệm của thế hệ đi trước “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Trong truyền thống tôn sư trọng đạo đã thấm vào nhận thức tình cảm, hành vi mỗi người dân Việt Nam. Trước hết thể hiện ở sự kính trọng, biết ơn công lao “khai tâm”, “khai trí” của người thầy. Dạy cái đạo làm người với quan niệm cha mẹ có công sinh, thầy dạy học có công giáo dưỡng. Vì thế người thầy được xã hội thừa nhận và tôn vinh vào hàng nhất, nhì trong xã hội (quân, sư, phụ), trước hết là vua, rồi đến thầy giáo, sau đến cha mẹ.

Dân tộc đánh giá cao vai trò của thầy giáo bởi vì mỗi người đều nhận thức sâu sắc quá trình rèn luyện, giáo dục nhân cách là vô cùng khó khăn, phức tạp. Giáo dục thành người tốt là cái đích cuối cùng của sự phát triển nhân cách, trách nhiệm đó phần lớn nhờ thầy, do thầy “trăm sự nhờ thầy”. Mặt khác, sự tôn vinh thầy giáo ở vị trí cao trong xã hội bởi thầy còn là sự tiêu biểu cho trí thức, lòng nhân ái, nhân cách sống mẫu mực, đạo đức trong sáng, không tham công danh, phú quý. Cái tâm, cái trí của thầy là tấm gương sáng để mọi người noi theo.

Sự đánh giá cao vai trò thầy giáo trong xã hội, trong sự phát triển nhân cách các thế hệ còn thể hiện trong cách đối xử của mọi người với thầy giáo bằng tất cả lòng kính mến dù có đi đâu xa, làm việc gì, thậm chí có địa vị xã hội thì đứng trước mặt thầy vẫn là một học trò, khi thầy có việc khó khăn, hoạn nạn học trò lo lắng, giúp đỡ, coi như việc của nhà mình. Được thầy khen cảm thấy hạnh phúc, coi đó làm phần thưởng lớn lao. Khi mắc lỗi, thầy nhắc nhở, cảm thấy ân hận, xấu hổ.

Biểu hiện quan trọng, cơ bản nhất của truyền thống “tôn sư trọng đạo” là sự tu thân để thành người, người học xưa nay đều ghi lòng tạc dạ những điều hay, lẽ phải mà thầy đã dạy bảo. Dù còn đang tiếp tục học hay thôi học, trước mặt hay đang sau lưng thầy, ở nhà hay đang công tác ngoài xã hội thì vẫn thủy chung, tu thân sửa mình để không phụ công ơn của thầy giáo và để khuyên bảo những người thân của mình.

tang-thay111120.jpg

Sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung tặng hoa chúc mừng các thầy giáo - Ảnh: T.HẰNG

Ngày nay, đại bộ phận học sinh, sinh viên nhận thức sâu sắc rằng kính trọng thầy là ra sức học tập, rèn luyện, vận dụng sáng tạo những gì tiếp thu được ở thầy, ở nhà trường vào cuộc sống lao động sản xuất. Không chỉ học những điều thầy dạy trên lớp mà bản thân học sinh, sinh viên hôm nay còn phải tự học ở mọi lúc, mọi nơi, học ở sách vở, học ở bạn bè để tiếp cận những tri thức của thế giới hiện đại, góp phần vào thực hiện thắng lợi mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Các thế hệ thầy giáo hôm nay luôn luôn tin tưởng và hy vọng thế hệ trẻ có đủ trí tuệ, năng lực, hoài bão thực hiện lý tưởng của Đảng và Bác Hồ là xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh. Tin tưởng rằng các thế hệ hôm nay và mai sau không phụ sự hy sinh của hàng triệu những anh hùng liệt sĩ để đổi lấy độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc. Truyền thống tôn sư trọng đạo ngày nay đã được nâng lên tầm cao mới, thể hiện trong mối quan hệ thầy trò bình đẳng, trò kính trọng thầy, thầy tôn trọng nhân cách trò; giúp đỡ nhau cùng tiến bộ với mong muốn “hậu sinh khả úy” vì sự tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, dưới sự tác động của kinh tế thị trường, bị chế ước bởi nhiều yếu tố đã làm cho một bộ phận học sinh, sinh viên có những hành vi không tốt, đã làm hoen ố truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc. Có thầy giáo tự làm giảm uy tín, vị thế xã hội của bản thân, song không vì hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” mà cho rằng truyền thống tôn sư trọng đạo đã mất. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: Nghề nhà giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Vì nó là nghề dạy con người trở thành người có ích. Trong bài phát biểu của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười tại cuộc gặp mặt truyền thống các thế hệ nhà giáo Việt Nam tại Văn miếu Quốc Tử Giám đã khẳng định “... Đảng ta rất tự hào về các thế hệ nhà giáo Việt Nam. Thay mặt Đảng và Nhà nước, tôi gửi tới tất cả các thầy, cô giáo ở mọi miền đất nước lòng biết ơn chân thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tôi nhiệt liệt biểu dương những thành tích tốt đẹp của toàn bộ đội ngũ giáo viên trong cả nước... Với truyền thống hiếu học của dân tộc ta, cả xã hội tôn vinh nghề dạy học... Tôi tin tưởng rằng chúng ta có thể và phải làm được điều đó”.

 

Đại tá ĐẶNG PHI THƯỞNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek