Thứ Bảy, 12/10/2024 01:27 SA
Giúp đỡ học sinh, sinh viên “chậm tiến”
Thứ Ba, 25/10/2011 11:00 SA

Hơn 35 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ thầy và trò Trường đại học Xây dựng Miền Trung đã xây dựng nhà trường trở thành đơn vị đào tạo có uy tín trong khu vực và trên cả nước. Nhiều học sinh, sinh viên (HS, SV) trưởng thành từ mái trường này đã không ngừng nỗ lực và đã thành đạt trong cuộc sống. Có được những thành tích này là công sức của rất nhiều thế hệ thầy cô giáo tâm huyết với nghề, rất nhiều thế hệ HS, SV của trường đã không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện.

 

sinh-vien-111025.jpg

Sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung trong một giờ học. - Ảnh: T.HẰNG

Năm học nào cũng vậy, bên cạnh những HS, SV tiến bộ, có một số không nhỏ HS, SV có nhận thức chưa đầy đủ vai trò trách nhiệm của bản thân, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, tạm gọi là HS, SV “chậm tiến” làm ảnh hưởng đến thành tích chung của nhà trường. Do đó, lãnh đạo nhà trường chỉ đạo các phòng, khoa và các tổ chức đoàn thể đề ra biện pháp, phối hợp thực hiện nhằm nâng cao nhận thức cho bộ phận HS, SV “chậm tiến”. Những HS, SV “chậm tiến” thường xuyên vắng học không lý do, kết quả học tập thấp, nhiều em trong số đó lại vi phạm kỷ luật như gây gổ, học hộ, thi hộ, vô lễ với giáo viên làm ảnh hưởng đến phong trào học tập và rèn luyện của lớp và nhà trường. Nguyên nhân thì có nhiều và phức tạp tùy từng hoàn cảnh cụ thể của từng HS, SV nhưng có thể kể ra một số nguyên nhân thường thấy như: một số HS, SV do sức khỏe yếu bẩm sinh nên gặp trở ngại trong quá trình học tập; do thiếu sự quan tâm giúp đỡ của gia đình trong giai đoạn hình thành nhân cách nên các em bị những tác động tiêu cực của bạn bè, của xã hội như: rượu chè, cờ bạc, game online; không xác định thái độ, động cơ học tập đúng đắn, nhiều HS, SV xem việc học là một cách để xa nhà, để được tự do làm những điều mình thích, sống buông thả, không nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của bản thân, nên dễ bị lôi cuốn vào những trò chơi thiếu lành mạnh, học tập chểnh mảng, tinh thần và thể chất giảm sút nên không theo kịp chương trình dẫn tới học kém, chán học...

 

Để nâng cao nhận thức của HS, SV và để các em tiến bộ hơn trong học tập, rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp, theo tôi nhà trường chú trọng nhiều hơn nữa xây dựng cơ sở vật chất như thư viện, các phòng tự học. Xây dựng những chương trình có tính chiến lược chỉ đạo cho các phòng, khoa bộ môn, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường phối hợp thực hiện. Đổi mới phương pháp quản lý quá trình tự học, tự rèn luyện của HS, SV mang tính khoa học, hiện đại vừa nghiêm khắc kỷ cương nhưng phải mở ra những hướng đi tích cực phù hợp giúp HS, SV tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về tâm lý, đời sống sinh hoạt.

 

Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên cố vấn chỉ đạo lực lượng cán bộ lớp tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, gần gũi để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, những khó khăn vướng mắc của HS, SV lớp mình phụ trách. Trên cơ sở đó, giáo viên trong khả năng phạm vi nhiệm vụ của mình có những biện pháp cụ thể giúp đỡ các HS, SV “chậm tiến” hoặc đề xuất lên cấp trên để được chỉ đạo, hỗ trợ một cách phù hợp. Các khoa phối hợp với tổ chức đoàn thể chỉ đạo các liên chi đoàn tổ chức mời chuyên gia tư vấn tập huấn cho giáo viên trẻ những kỹ năng mềm. Sau đó giáo viên tổ chức tập huấn cho HS, SV lớp chủ nhiệm và thông qua quá trình giảng dạy truyền đạt cho HS, SV. Những kỹ năng mềm là tiền đề giúp HS, SV xác định được mục tiêu học tập, rèn luyện, lập kế hoạch cá nhân trong sinh hoạt, học tập khoa học hợp lý, tổ chức lập nhóm học tập, rèn luyện kỹ năng làm việc theo nhóm.

 

Ngoài ra, các tổ chức đoàn, hội tổ chức nhiều hoạt động, qua đó giáo dục rèn luyện cho HS, SV ý thức tự giác học tập và rèn luyện, hiểu biết bản thân để tự khắc phục nhược điểm của mình. Các hoạt động phải có hình thức phong phú, hấp dẫn, có nội dung bổ ích xoay quanh mục tiêu học tập rèn luyện như các câu lạc bộ học thuật, câu lạc bộ kỹ năng… Cần phải làm cho HS, SV hiểu thành tích thi đua chỉ là chất xúc tác để khơi thêm ngọn lửa nhiệt tình tuổi trẻ để vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ, không nên quá đề cao thành tích để HS, SV lầm tưởng tham gia chủ yếu vì thành tích mà quên đi mục tiêu học tập rèn luyện nhân cách hiểu mình, hiểu người, hiểu biết cuộc sống.

 

Lập ra chương trình hành động đã khó mà bắt tay vào thực hiện kế hoạch đã lập ra lại càng khó hơn. Vì những nhận thức, những thói quen cũ đã ăn sâu vào gốc rễ muốn thay đổi phải có thời gian, phải có sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Nâng cao nhận thức học tập, rèn luyện cho HS, SV là vấn đề muôn thuở nhưng cũng luôn là chuyện thời sự được những người vì sự nghiệp trồng người và toàn xã hội quan tâm. Với trách nhiệm và khả năng của mỗi người, các thầy cô giáo, các HS, SV cần đoàn kết, đồng thuận với nhau để cùng nhau giúp đỡ những HS, SV “chậm tiến” nâng cao nhận thức học tập, rèn luyện để xây dựng nhà trường, quê hương, đất nước ngày một tốt đẹp hơn.

 

Thạc sĩ ĐOÀN HUỲNH THUẬN

Trường đại học Xây dựng Miền Trung

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek