Thứ Bảy, 12/10/2024 01:27 SA
Giao lưu về công tác giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp:
Chia sẻ kinh nghiệm, nâng chất lượng giáo dục
Chủ Nhật, 23/10/2011 11:00 SA

Ba sở GD-ĐT Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận vừa tổ chức hội nghị giao lưu về công tác giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp năm 2011. Tại hội nghị giao lưu này, ngành GD-ĐT ba tỉnh đã tìm ra được nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ nhau để nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp.

 

giao-luu111023.jpg

Lãnh đạo ngành GD-ĐT ba tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận giao lưu về công tác giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp - Ảnh: M.THÚY

Những vấn đề được ba sở GD-ĐT Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận tập trung thảo luận, chia sẻ hầu hết thuộc các lĩnh vực giảng dạy ngoại ngữ, tin học, THPT hệ giáo dục thường xuyên, liên kết đào tạo và hoạt động của trung tâm giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong thời kỳ hội nhập.

 

Ông Nguyễn Anh Linh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Ninh Thuận cho biết, những năm trước, tỉ lệ tốt nghiệp bổ túc THPT ở tỉnh Ninh Thuận có chiều hướng giảm sút, cụ thể năm 2007, tỉ lệ tốt nghiệp lần 1 đạt 26,47%; năm 2008: 42,55%; năm 2009: 39,7%; năm 2010: 13,32%. Để cải thiện tình trạng này, Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng và triển khai đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục bổ túc THPT của tỉnh giai đoạn 2010-2015” với các nhóm giải pháp, như đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên; đổi mới công tác quản lý; tăng cường nền nếp, kỷ cương trong dạy và học… Với các nhóm giải pháp này, kết quả năm 2011 tỉ lệ học viên lớp 12 giáo dục thường xuyên ở Ninh Thuận đỗ tốt nghiệp đạt 77,47%, tăng 64,16% so với năm 2010.

 

Về đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, ông Nguyễn Anh Linh chia sẻ: Ninh Thuận có 12 trung tâm và cơ sở ngoại ngữ, tin học ứng dụng. Tuy nhiên, đa số các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ, tin học đang gặp khó khăn về nguồn tuyển, dẫn đến hoạt động cầm chừng, không hiệu quả. Gần đây, một số trung tâm năng động trong công tác tuyển sinh, thu hút học viên đến lớp bằng cách di chuyển phòng máy đến với các trung tâm học tập cộng đồng ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tổ chức giảng dạy ngoại ngữ, tin học để đáp ứng nhu cầu người học; xây dựng chương trình học và thi chứng chỉ A ngoại ngữ, tin học cho các đối tượng là học viên bổ túc THPT; xây dựng chương trình học bổ sung và thi lấy chứng chỉ A, B tin học cho các đối tượng là học sinh nghề phổ thông, nghề nông thôn. Với cách làm này, việc đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận gần đây dần được khởi sắc.

 

Đối với hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, nét nổi bật nhất trong công tác giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp đó là thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập. Cả hai tỉnh đánh giá cao việc xây dựng kế hoạch giảng dạy từng bộ môn phù hợp với đối tượng, trong đó lưu ý đến việc tăng thời gian ôn tập, luyện tập, thực hành; phân loại học viên ngay từ đầu năm học để tổ chức phụ đạo học sinh yếu kém, bồi dưỡng học sinh giỏi; bố trí giáo viên nhiều kinh nghiệm dạy lớp 12. Với cách làm này, chất lượng đào tạo hệ giáo dục thường xuyên của hai tỉnh được nâng cao. Tuy nhiên, do kinh phí ngân sách dành cho công tác giáo dục thường xuyên không có đã làm ảnh hưởng đến việc vận động học viên đến lớp. Ông Huỳnh Văn Sý, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Phú Yên cho biết: “Hiện nay, kinh phí ngân sách dành cho công tác giáo dục thường xuyên không có, chủ yếu là sự đóng góp của người học. Do vậy, ở những nơi khó khăn công tác giáo dục thường xuyên chưa mạnh, một số học sinh không được vào các trường công lập, tham gia học hệ giáo dục thường xuyên nhưng hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn không đủ tiền để nộp học phí, phải bỏ học giữa chừng”. Tại hội nghị, đại diện các sở GD-ĐT đã đề nghị Bộ GD-ĐT cần có chính sách hỗ trợ cho loại hình giáo dục thường xuyên.

 

Với cách trao đổi, chia sẻ thẳng thắn với nhau những kinh nghiệm làm được và những việc còn hạn chế, ngành GD-ĐT ba tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có điều kiện học tập lẫn nhau những cách làm hay, hiệu quả để áp dụng vào thực tế của tỉnh mình. Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa Phan Văn Dũng nói: “Tỉnh nào có cách làm hay, hiệu quả thì tỉnh kia học tập, áp dụng vào thực tiễn của mình. Nhờ sự giao lưu, trao đổi này mà hơn 5 năm qua công tác giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp của ba tỉnh phát huy hiệu quả”.

 

Tại hội nghị giao lưu, ba sở GD-ĐT Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận thống nhất tiếp tục hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong công tác giáo dục thường xuyên và chuyên nghiệp, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị giữa ba tỉnh trong việc liên kết đào tạo theo quy định của Bộ GD-ĐT. Các sở GD-ĐT thường xuyên trao đổi về thông tin, tài liệu, báo cáo viên trong hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng và tổ chức tham quan học tập các mô hình học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả; trao đổi phương pháp dạy học THPT hệ giáo dục thường xuyên, công tác tổ chức mạng lưới trung tâm hoặc cơ sở dạy ngoại ngữ, tin học; kinh nghiệm tổ chức thanh, kiểm tra góp phần nâng cao chất lượng cho người học. Hàng năm, nếu tỉnh nào có những sáng kiến mới, những biện pháp thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực thì Sở GD-ĐT sở tại sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo đột xuất.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek