Sau khi Tháng việc làm kết thúc, những cán bộ của Phòng Nội vụ lao động thương binh - xã hội (Phòng Nội vụ) huyện Đông Hoà vẫn tất bật. Bận bịu nhất là người phụ trách lớp học định hướng và tư vấn cho lao động xuất khẩu. Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên, cán bộ trung tâm và người lao động (NLĐ) cũng đang chạy đua với thời gian để hoàn thành những thủ tục chuẩn bị xuất cảnh.
THAY ĐỔI NẾP NGHĨ CŨ
Mấy tháng gần đây, người dân ở xã Hoà Hiệp Trung và Hoà Xuân Đông lan truyền thông tin về những người trong xã đi lao động ở nước ngoài. “Nghe đâu tụi nó làm nghề điện tử hay gì gì đó tận ở Malaysia, lương đến 4 triệu/tháng và quan trọng là đã gửi tiền về cho gia đình”. Quả là tin vui cho những NLĐ thu nhập thấp. Tin này cũng đã được ông Hà Văn Thượng, Phó phòng Nội vụ huyện Đông Hòa xác nhận: “Có 4 trường hợp xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Malaysia vào năm 2005, trong đó có 3 lao động là Nguyễn Hữu Toàn, Tống Văn Tuấn, Văn Thị Ánh Thu ở xã Hoà Hiệp Trung và trường hợp còn lại là Nguyễn Đình Tuyển ở xã Hoà Tân Đông. Tôi đã gặp gia đình những lao động này và được biết các em đã gửi tiền về cho gia đình trả nợ ngân hàng”.
Ông Võ Văn Bền, cán bộ Phòng Nội vụ huyện Đông Hòa đang giải thích các thủ tục xuất khẩu lao động cho chị Kim Liên ở Hòa Hiệp Trung – Ảnh: TQ
Những thông tin trên cộng với tác động của Tháng việc làm được tổ chức mới đây đã làm thay đổi cách nghĩ của người dân, nhất là thanh niên, về vấn đề việc làm và XKLĐ. Hiện đã có hơn 400 thanh niên trong độ tuổi lao động đăng ký tìm việc, học nghề, trong đó gần 100 người đăng ký XKLĐ. Nhiều nhất là xã Hoà Hiệp Trung với hơn 20 người. Sau khi kiên trì nghe cán bộ phòng Nội vụ tư vấn các thủ tục cũng như điều kiện sức khoẻ để đi lao động ở nước ngoài, bạn Trần Thị Kim Liên (xã Hòa Hiệp Trung) cho biết: “Em đang làm công nhân cho công ty Song mây ở Hoà Hiệp Nam, thu nhập mỗi tháng dao động từ 700.000 – 900.000 đồng. Em muốn đi làm xa một thời gian để kiếm ít vốn liếng về làm ăn”.
Ở huyện miền núi Sơn Hoà, nhiều thanh niên, có cả người dân tộc thiểu số cũng chọn con đường XKLĐ để lập thân. Sau Tháng việc làm, cả huyện có 120 thanh niên đăng ký XKLĐ, nhiều nhất là đi
Hiện tại, danh sách NLĐ đăng ký đi làm việc ở nước ngoài ngày càng dài thêm. Anh Hoàng Tự Đức, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên, cho biết: “Ngoài thị trường Malaysia, đơn vị đang xúc tiến lao động “chất lượng cao” đi các nước Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc. Ở những nước này thu nhập khá cao (Úc: 40 triệu/năm, Nhật Bản: 8- 11 triệu/tháng …), nhưng tiêu chuẩn cũng cao và chi phí tính bằng USD”.
Cả 2 lớp định hướng của huyện Đông Hoà và Trung tâm Dịch vụ việc làm Phú Yên có khoảng trên 60 lao động. Họ đang tranh thủ thời gian học ngoại ngữ để biến giấc mơ đổi đời bằng chính sức lao động của mình trở thành hiện thực. Những người đăng ký nhưng không được vì lý do sức khoẻ đành ở lại làm việc trong nước.
BA KHÓ KHĂN
Khó khăn đầu tiên với những người muốn tham gia XKLĐ là trình độ. Mặc dù nhiều thị trường lao động yêu cầu trình độ không cao (chỉ là lao động phổ thông) nhưng vẫn không ít người “rớt” ngay từ vòng sơ loại, vì trình độ văn hoá quá thấp.
Khó khăn thứ hai là yếu tố sức khoẻ. Chỉ cần “dính” viêm gan siêu vi B, HIV, da liễu, xăm trổ … là miễn bàn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước kiểm tra sơ loại, sau đó phải đến khâu kiểm tra nghiêm ngặt hơn theo quy định của đối tác tại Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh).
Ngoài ra NLĐ gặp khó khăn thứ ba là về tài chính. Hầu hết những người đăng ký XKLĐ đều có gia cảnh khó khăn. Vì thế, vay ngân hàng là con đường duy nhất có thể. Nhưng không phải ai muốn vay cũng được mà phải đáp ứng rất nhiều điều kiện. Đã có rất nhiều NLĐ đành rút lui khi gặp khó khăn này.
Trở lại với hơn 20 lao động ở huyện Đông Hoà. Không ít người trong số đó đang lo lắng không được “đi làm ở nước ngoài”. Có đến 13 người đang nợ ngân hàng, trong đó có 3 trường hợp nợ quá hạn, nhiều nhất là 30 triệu, ít nhất 2,5 triệu. Ông Phạm Chín, cha của anh Phạm Văn Toàn (thôn Đa Ngư, xã Hoà Hiệp
Một vấn đề khác là những chi phí ban đầu để XKLĐ. Theo quy định thì tất cả các khoản chi phí ban đầu như khám sức khoẻ, học định hướng, đi lại, làm hộ chiếu… khoảng gần 1 triệu đồng/trường hợp. Nếu chẳng may phần kiểm tra sức khoẻ cuối cùng tại TP Hồ Chí Minh không đạt thì số tiền trên xem như mất. Đối với NLĐ đi tìm việc, khoản tiền trên là không hề nhỏ. Nên chăng có sự hỗ trợ của địa phương hoặc công ty xúc tiến đưa lao động đi nước ngoài cho NLĐ ở khoản này. Anh Võ Văn Bền, cán bộ phòng Nội vụ huyện Đông Hoà, nói: Có rất nhiều khoản lặt vặt nữa mà NLĐ phải chịu, trong đó có chi phí để đổi giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu đối với người dân 2 huyện mới là Đông Hoà và Tây Hoà, bởi trước đây là huyện Tuy Hoà. Anh Bền cũng khẳng định, huyện sẽ có tác động tích cực, tạo mọi điều kiện thuận lợi, giải quyết những thủ tục hành chính này nhanh gọn nhất cho NLĐ.
TRẦN QUỚI