Thứ Năm, 03/10/2024 05:26 SA
Vẫn tình trạng đổi mới thiếu đồng bộ
Thứ Ba, 22/08/2006 07:51 SA

Nhiều giáo viên thừa nhận chương trình sách giáo khoa (SGK) mới có nhiều tiến bộ, nội dung thiết thực với học sinh, các em học hăng hái sôi nổi hơn nhiều. Kiểu học vẹt đã bị thay thế bằng việc chịu khó đào sâu suy nghĩ, tìm tòi sáng tạo... Tuy nhiên, từ lý thuyết đến thực tiễn là một quá trình bao gồm nhiều yếu tố, bởi cùng với yêu cầu đổi mới SGK, phương pháp dạy và học, cần đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tương ứng. Ở các môn khoa học – tự nhiên, 70 đến 80% bài dạy trên tổng số tiết đều phải thực hành thí nghiệm. Năm nào đồ dùng, thiết bị dạy học đều được đưa về các trường. Tuy nhiên, làm thế nào để triển khai tiết dạy với thiết bị mới là vấn đề nan giải. Theo quy định, nhà trường phải có những phòng học bộ môn, phòng chức năng được trang bị thiết bị, bàn ghế phù hợp. Qua khảo sát, toàn tỉnh mới chỉ có khoảng 30% trường học có phòng chức năng. Phòng học còn tạm bợ, sân chơi, bãi tập và các thiết bị phục vụ cho các hoạt động giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu của chương trình SGK mới.

 

060822-dungcu-dayhoc.jpg
Thiết bị dạy học bị xếp xó - thực trạng của một số trường học theo chương trình mới

 

Sự thiếu đồng bộ về cơ sở vật chất đã khiến cho giáo dục ở một số địa phương gặp nhiều bất lợi. Một giáo viên cho biết: “Trong khi giáo viên ở các vùng thuận lợi đã bắt đầu đưa giáo án điện tử vào giảng dạy thì thầy trò miền núi vẫn còn phải học trong những lớp học lụp xụp. Giáo viên hàng ngày phải mang đi mang về các thiết bị, đồ dùng dạy học để tránh hỏng hóc, mất mát”. Trong 5.288 phòng học mà Phú Yên hiện có thì trên 1.200 phòng đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Ở một số trường, học sinh vẫn phải học với những tấm bảng làm bằng xi măng vôi vữa loang lổ. Học trò lớp 1 có nơi phải đứng để viết bài vì bàn cao quá… Phương tiện dạy và học cơ bản nhất còn phải chắp vá như thế thì nói chi đến những thiết bị có giá trị hàng tỷ đồng theo yêu cầu của chương trình mới.

 

Trong năm học 2006 – 2007, hai khối lớp được coi là rất quan trọng ở bậc tiểu học và THPT là lớp 5 và lớp 10 bắt đầu học theo chương trình mới. Vì vậy vấn đề SGK và thiết bị phục vụ dạy học ở hai khối lớp này là hết sức quan trọng. Cho đến thời điểm này, SGK lớp 5, lớp 10 đã được phát hành đầy đủ ở các cửa hàng, đại lý sách, giáo viên giảng dạy đã được tập huấn. Riêng thiết bị vẫn chưa thấy đâu.

 

Những năm qua, sách và thiết bị dạy học phục vụ việc thay sách có nhiều nơi bị chậm trễ, chất lượng không đồng đều, hiệu quả sử dụng chưa cao. Ông Lê Nhường, Phó giám đốc Sở Giáo dục đào tạo Phú Yên cho biết: “Để thiết bị giáo dục lớp 5 và lớp 10 phù hợp với chương trình SGK, không lãng phí, đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả, năm nay Bộ Giáo dục đào tạo dành cho địa phương quyền lựa chọn xây dựng kế hoạch một số danh mục để trang bị phù hợp với thực tế từng địa phương. Đây là hướng mở để mỗi địa phương có cơ hội khắc phục tình trạng cần và đủ. Ở Phú Yên, do hạn chế về cơ sở vật chất và phòng học chức năng nên các trường học sẽ được bổ sung bàn ghế đúng quy cách, tủ, giá, kệ… để bảo quản và sử dụng thiết bị linh hoạt hơn”.

 

 Năm nay, kinh phí mua sắm thiết bị dạy học lớp 5, lớp 10 của Phú Yên là hơn 9 tỷ đồng. Theo kế hoạch những thiết bị của hai khối lớp này sẽ được đưa vào sử dụng trong tháng 9. Nhưng kế hoạch này xem ra khó thực hiện kịp bởi đến nay,  danh mục thiết bị chỉ mới hoàn thành khâu xây dựng kế hoạch, còn chờ duyệt giá và tổ chức đấu thầu. Ngần ấy công đoạn thì chắc rằng học sinh lớp 5, lớp 10 vẫn sẽ phải học “chay” một thời gian. Nếu có đưa về kịp thời thì với cơ sở vật chất như hiện nay, một số trường chưa chắc đã sử dụng được.

 

Một trong những nội dung khiến nhiều người quan tâm là năm học này, môn Tin học sẽ trở thành môn học chính khoá trong trường THPT. Mỗi trường phải được trang bị tối thiểu một phòng máy 25 máy vi tính, mỗi học sinh được học 2 tiết/tuần. Về các điều kiện để môn Tin học vào nhà trường, theo lãnh đạo Sở GD – ĐT Phú Yên, các trường học ở Phú Yên tương đối có thể đảm bảo được. Tuy nhiên, hiện một số trường học ở khu vực miền núi, vùng xa còn thiếu và yếu về máy móc, phòng ốc, con người, nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.

 

THUÝ HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek