Thứ Năm, 03/10/2024 05:29 SA
Đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Thứ Tư, 16/08/2006 08:16 SA

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XIV đã đề ra 5 nhiệm vụ và 12 giải pháp chủ yếu, trong đó yêu cầu về mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục – đào tạo (lĩnh vực văn hóa – xã hội) gắn với giải pháp về nguồn nhân lực được chú trọng. 

 

060816-thi-nghiem-hoa.jpg
Cần sớm có kế hoạch tuyển chọn và đào tạo đội ngũ chuyên gia lành nghề về khoa học công nghệ - Ảnh: D.T.Xuân

 

Về cơ sở lý luận và thực tiễn mối quan hệ biện chứng giữa giáo dục đào tạo và kinh tế đã được khẳng định trong quá trình phát triển nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới. Kinh tế quyết định sự phát triển của giáo dục đào tạo, nhưng khi giáo dục đào tạo phát triển đến một mức độ nhất định thì sẽ tác động lại một cách mạnh mẽ đến phát triển kinh tế. Các nước Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… đã minh chứng điều này.

 

Trong phạm vi bài viết, chỉ xin đề cập một số vấn đề mang tính tham khảo, đáp ứng yêu cầu về số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, một trong những giải pháp quan trọng, tác động trực tiếp đến mục tiêu: Phú Yên sớm thoát khỏi tỉnh nghèo.

 

Thứ nhất, chất lượng nguồn nhân lực được đặt trên nền tảng dân trí. Do vậy, các cấp lãnh đạo cần quan tâm tăng cường đầu tư nguồn nhân lực (biên chế, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật trường học…) bảo đảm cho giáo dục đào tạo tỉnh nhà thực hiện có hiệu quả công tác phổ cập giáo dục, nhất là phổ cập giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông; giảm dần sự phân hóa chất lượng giáo dục giữa các vùng, bảo đảm chất lượng giáo dục đại trà. Đồng thời, giúp cho phát triển số lượng đi đôi với nâng cao chất lượng học sinh giỏi (nâng cấp cơ sở vật chất – kỹ thuật Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh) làm cơ sở cho việc đào tạo đội ngũ chuyên gia lành nghề các lĩnh vực khoa học – công nghệ, kinh tế, văn hóa – xã hội, quản lý… sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình CNH, HĐH tỉnh nhà.

 

Nguồn nhân lực Phú Yên có nhiều triển vọng. Trong tương quan phát triển kinh tế và giáo dục các tỉnh, thành trong cả nước, Phú Yên được xếp vào nhóm 30 tỉnh, thành phố có chỉ số phát triển kinh tế bình thường nhưng chỉ số phát triển giáo dục tốt (13 tỉnh, thành phố có cả 2 chỉ số phát triển kinh tế và giáo dục đều tốt; 5 tỉnh, thành có chỉ số kinh tế tốt nhưng giáo dục bình thường, còn lại cả 2 chỉ số đều bình thường); tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia hàng năm đều cao hơn so với bình quân cả nước, nhiều học sinh đỗ thứ hạng cao vào các trường đại học, và được học bổng đi du học nước ngoài…

 

Thứ hai, cần xây dựng dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trên cơ sở thực trạng nguồn nhân lực hiện có và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, 10 năm… của địa phương. Trên cơ sở đó, việc định hướng phân luồng đào tạo, phát triển các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh sẽ phù hợp hơn với yêu cầu nguồn nhân lực, từng bước khắc phục hiện trạng “thừa thầy, thiếu thợ”; mối quan hệ giữa đào tạo và sử dụng sẽ đạt hiệu quả cao hơn, giảm bớt tốn kém, lãng phí cho người học, cho đầu tư của Nhà nước. Đồng thời, phải quan tâm đẩy mạnh việc đào tạo lại, bồi dưỡng cập nhật và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nguồn nhân lực hiện có với yêu cầu cao về chất lượng đào tạo bồi dưỡng.

Đề xuất với lãnh đạo tỉnh có chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho sở, ngành chủ trì và các đơn vị phối hợp quản lý được nguồn nhân lực trong tỉnh để có thể điều tiết mối quan hệ giữa đào tạo và sử dụng.

 

Thứ ba, cần tiếp tục tăng cường đầu tư xây dựng hoàn chỉnh cơ sở vật chất – kỹ thuật hệ thống đào tạo nghề trong tỉnh (Trường dạy nghề và các Trung tâm dạy nghề, các Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên) theo hướng chuẩn hóa – hiện đại hóa, nhất là Trường Dạy nghề tỉnh; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đào tạo nghề bảo đảm chất lượng đào tạo người học sau khi tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu công việc xã hội. Khuyến khích mở rộng các cơ sở đào tạo nghề dân lập, tư thục đủ điều kiện tham gia đào tạo nghề, góp phần bảo đảm tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng tăng. Cần chú trọng hơn việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn và lao động nữ.

 

Thứ tư, Trường Đại học Phú Yên (đào tạo đại học đa ngành, kể cả cao đẳng, THCN), dự kiến thành lập cuối năm 2006 hoặc đầu năm 2007 (trên cơ sở sáp nhập và nâng cấp Trường cao đẳng Sư phạm và Trung học Kinh tế – kỹ thuật Phú Yên) và khai giảng năm học đầu tiên 2007 – 2008 hoặc 2008 – 2009, cần được quan tâm đầu tư đúng mức, chắc chắn sẽ là điều kiện thuận lợi để nâng cao tỷ lệ sinh viên Phú Yên trúng tuyển đại học hàng năm, tiến tới đạt qui mô chỉ tiêu 200 sinh viên/1 vạn dân, góp phần quan trọng trong chủ động đào tạo, cung ứng nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao phục vụ thiết thực cho tiến trình CNH, HĐH tỉnh nhà.

 

Thứ năm, sớm có kế hoạch tuyển chọn và đưa đi đào tạo một đội ngũ chuyên gia lành nghề và có trình độ cao ở các ngành cần thiết về khoa học – công nghệ, kinh tế… tại các cơ sở đào tạo chất lượng cao trong nước và nước ngoài. Đồng thời xây dựng và ban hành chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp của địa phương để thu hút nhân tài và lao động kỹ thuật về làm việc lâu dài ở Phú Yên, trong đó có thu hút đội ngũ giảng viên trình độ cao về công tác ở Đại học Phú Yên.

 

             TRẦN VĂN CHƯƠNG

Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Phú Yên

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek