Thứ Năm, 10/10/2024 21:20 CH
Giáo viên chủ nhiệm lớp:
Cầu nối gia đình - nhà trường
Thứ Ba, 07/09/2010 15:00 CH

Để tăng cường sự kết hợp giữa giáo viên, nhà trường và gia đình trong việc giáo dục học sinh nhằm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy, tạo nên sự đồng bộ và tác động tích cực đến việc xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” thì vai trò giáo viên chủ nhiệm (GVCN) rất quan trọng. Đây là chiếc cầu nối giữa gia đình - nhà trường; giữa giáo viên - học sinh.

 

co-hoa100907.jpg

Một giờ dạy Vật lý của cô Đàm Thị Kim Hoa, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh - Ảnh: T.HẰNG

 

Khi phân tích nhóm từ “Trường học thân thiện”, chúng ta có thể hình dung rằng: Phải làm thế nào để nhà trường không chỉ là nơi học sinh đến học tập, tiếp thu kiến thức từ các thầy, cô giáo truyền đạt mà còn là môi trường phát triển tư duy, năng lực sở trường, đồng thời cũng là nơi bắt nguồn việc hình thành nên các mối quan hệ thầy - trò; trò - trò; giữa các khối lớp hiện đang học tập trong nhà trường và kể cả các thế hệ học sinh đã rời khỏi ghế nhà trường... Điều này tác động rất lớn đến tâm lý của các em và là tiền đề để hình thành nên yếu tố “tích cực” từ trong mỗi học sinh. Nhà trường và các thầy, cô giáo khai thác hữu hiệu yếu tố này sẽ là đòn bẩy giúp các em được thể hiện sự tích cực trong từng tiết học, từng môn học và ngay cả từng bậc học.

 

Một vấn đề hết sức căn bản có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dạy và học đó là sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình, giữa giáo viên và học sinh. Trong đó, GVCN giữ vai trò như chiếc cầu nối, là mắc xích của sự kết hợp được thể hiện qua các mối quan hệ.

 

Thứ nhất, giữa nhà trường với gia đình: Lớp học là đơn vị tổ chức giáo dục cơ bản của trường học. Mỗi lớp học có GVCN lớp và hầu hết các bậc phụ huynh học sinh đều thống nhất rằng người có tác dụng tốt nhất đối với học sinh, chính là GVCN. Nhà trường, giáo viên, gia đình và các đoàn thể... là các lực lượng giáo dục thông qua đầu mối liên kết là GVCN. GVCN trở thành người trung gian trao đổi thông tin giữa nhà trường và gia đình, thực hiện nhiệm vụ lĩnh hội và truyền đạt những chủ trương của nhà trường đến với gia đình, đồng thời thu nhận ý kiến, nguyện vọng của gia đình để báo cáo lại lãnh đạo nhà trường. Qua đó, gắn kết được trách nhiệm giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục học sinh. Mời phụ huynh học sinh tham gia Hội cha mẹ học sinh nhằm phát huy tính tích cực của các bậc phụ huynh trong việc tham gia cùng nhà trường để giáo dục con em mình. Tổ chức họp phụ huynh học sinh định kỳ trong những trường hợp đặc biệt chủ động xin ý kiến ban giám hiệu nhà trường để tổ chức họp đột xuất hoặc gặp riêng và trao đổi với từng phụ huynh nhằm đề ra những biện pháp khắc phục, uốn nắn kịp thời. Qua đó, thể hiện sự quan tâm sâu sát của nhà trường, đồng thời tạo được sự tin tưởng của phụ huynh học sinh đối với nhà trường.

 

Thứ hai, giữa giáo viên bộ môn và học sinh của lớp: Trong quá trình giảng dạy, bên cạnh sự quán xuyến, đôn đốc, theo dõi của GVCN còn có tập thể các thầy, cô giáo bộ môn. Qua trao đổi, tiếp nhận thông tin từ các giáo viên giảng dạy bộ môn, GVCN có thể nắm bắt thêm về tinh thần, thái độ học tập, ý thức tổ chức kỷ luật, học lực... của từng học sinh trong lớp. Từ đó, tạo điều kiện cho GVCN có sự nhìn nhận và đánh giá khách quan về chất lượng học tập của từng học sinh trong lớp, đồng thời có biện pháp động viên, nhắc nhở, giáo dục phù hợp đối với từng học sinh. Trong các buổi sinh hoạt lớp phải thật sự cởi mở và thể hiện sự quan tâm tận tình để các em có điều kiện đề đạt ý kiến, nguyện vọng về công tác giảng dạy của giáo viên bộ môn. Qua đó, GVCN đúc kết có chọn lọc và chuyển tiếp nguyện vọng của học sinh đến với các giáo viên bộ môn để tập thể sư phạm giảng dạy tại lớp có tinh thần cộng đồng trách nhiệm trong việc giáo dục học sinh.

 

Thứ ba, giữa GVCN và học sinh trong lớp: Xuất phát từ vai trò trách nhiệm và sự gắn kết với học sinh mà đòi hỏi mỗi GVCN phải giàu lòng nhân ái, vị tha, kiên trì, nhiệt tình, biết tôn trọng nhân cách học sinh và được các em tin yêu. GVCN cần có uy và có sức cảm hóa thuyết phục, có bản lĩnh để xử lý kịp thời các tình huống sư phạm đa dạng, phải biết đối xử khéo léo, công bằng và nghiêm minh trong nhận xét đánh giá đối với học sinh; là người chịu trách nhiệm về sự phát triển toàn diện của học sinh lớp mình phụ trách. Hoạt động của GVCN về bản chất là một trong những hoạt động sáng tạo nhất trong quá trình giảng dạy; là người xây dựng kế hoạch giáo dục riêng để giáo dục tập thể học sinh lớp mình; biết tìm hiểu, nghiên cứu đối tượng để xây dựng kế hoạch phát triển tập thể học sinh, tạo nên sự đoàn kết thống nhất trong lớp, tạo điều kiện để phát huy ý thức tự quản của học sinh; xây dựng đội ngũ cán bộ lớp có năng lực để điều hành hoạt động của lớp; chủ động tiếp xúc với học sinh, đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để động viên, an ủi giúp các em vượt khó, vươn lên. Điều đó vừa là trách nhiệm, vừa thể hiện được cái tình trong mối quan hệ “thầy - trò”.

 

ĐÀM THỊ KIM HOA

(Giáo viên Vật lý Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek