Thứ Năm, 10/10/2024 23:31 CH
Thực hiện Đề án dạy tiếng Anh 10 năm tại Phú Yên:
Thiếu nhiều điều kiện thiết yếu
Chủ Nhật, 05/09/2010 11:00 SA

Đề án Dạy ngoại ngữ 10 năm có kinh phí hơn 9.000 tỉ đồng (giai đoạn 2008-2020) được Bộ GD-ĐT triển khai từ năm học 2010-2011 với khoảng 20% học sinh khối lớp 3 toàn quốc. Thế nhưng, khi năm học đã bắt đầu, tại Phú Yên việc triển khai vào thực tế vẫn còn nhiều trở ngại do thiếu nhiều điều kiện thiết yếu.

 

hoc-tieng-anh100905.jpg

Một giờ học Tiếng Anh của học sinh Trường tiểu học Trưng Vương (TP Tuy Hòa) -Ảnh: M.THÚY

 

THIẾU GIÁO VIÊN VÀ CƠ SỞ VẬT CHẤT

 

Theo đề án này, chương trình ngoại ngữ 10 năm sẽ mở rộng dần quy mô để đạt khoảng 70% vào năm học 2015-2016 và 100% vào năm 2018-2019. Chưa kể các trường đóng tại vùng sâu vùng xa còn thiếu nhiều điều kiện thiết yếu, nhiều trường tiểu học tại vùng thuận lợi vẫn có những khó khăn trong việc triển khai giảng dạy chương trình tiếng Anh mới.

 

Ông Nguyễn Trọng Thiện, Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD – ĐT Phú Yên, cho biết việc dạy học tiếng Anh cho học sinh lớp 3 như một môn học tự chọn đã được ngành GD - ĐT Phú Yên triển khai từ lâu. Tuy nhiên đến nay ngay trong địa bàn TP Tuy Hòa cũng không phải tất cả các trường tiểu học đã thực hiện được đại trà môn học này. Hiện toàn tỉnh có hơn 100 trường tiểu học có tổ chức dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3, chiếm khoảng 60% trong tổng số trường tiểu học. Cản trở lớn nhất của việc đưa ngoại ngữ vào trường tiểu học trên địa bàn Phú Yên là do cơ sở vật chất của các trường còn nhiều hạn chế và thiếu đội ngũ giáo viên còn thiếu.

 

Lâu nay những trường có tổ chức dạy tiếng Anh cho học sinh chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố, thị xã, thị trấn và những vùng thuận lợi, còn các trường thuộc địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa thể đưa môn học này vào giảng dạy. Theo Giám đốc Sở GD - ĐT Phú Yên Nguyễn Văn Tá, Phú Yên có thể đạt được tỉ lệ 20% học sinh lớp 3 học ngoại ngữ bắt buộc từ năm học 2010 - 2011, nhưng mở rộng quy mô lên 70% rồi 100% theo lộ trình là rất khó. Nếu thực hiện đạt hiệu quả như lộ trình của đề án thì thời gian đến Phú Yên phải bổ sung rất nhiều giáo viên tiếng Anh cho bậc tiểu học, vì hiện nay giáo viên dạy bộ môn này ở bậc tiểu học rất ít, chủ yếu do các trường hợp đồng giáo viên rồi tự trả lương theo thỏa thuận.

 

GIÁO TRÌNH CHƯA THỐNG NHẤT

 

Điều khiến nhiều trường băn khoăn nhất hiện nay là Bộ GD - ĐT  chưa có tài liệu giảng dạy thống nhất môn Tiếng Anh cho học sinh từ lớp 3. Bộ chỉ đưa ra một chương trình chung, còn chọn sách nào là do địa phương tự quyết. Tại Phú Yên, để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, năm học 2010-2011, Sở GD - ĐT  cho phép các địa phương tùy theo điều kiện mà quyết định dạy tiếng Anh tiểu học theo chương trình Let’s go hoặc chương trình Let’s learn; hoặc cả chương trình Let’s go lẫn Let’s learn. Nếu trường nào có lớp đang dạy chương trình Let’s go hoặc chương trình Let’s learn thì tiếp tục dạy hết cấp chương trình đang dạy. Lớp bắt đầu học tiếng Anh mới dạy chương trình mới. Nhưng dường như giải pháp trên vẫn chưa ổn, vì chương trình sách giáo khoa mà mỗi nơi tự chọn mỗi kiểu thì kết quả giáo dục sẽ ra sao?

 

Năm học 2010 - 2011 là năm học thứ hai Trường tiểu học Âu Cơ (TP Tuy Hòa) tổ chức dạy Tiếng Anh 4 tiết/tuần cho học sinh khối lớp 3, lớp 4, lớp 5. Cô Lê Thị Mỹ Linh, giáo viên Tiếng Anh Trường tiểu học Âu Cơ cho biết: “Qua hơn 10 năm dạy môn học này ở bậc tiểu học, tôi thấy khả năng làm quen và tiếp thu ngoại ngữ của học sinh khá tốt. Mỗi tuần các em học từ 2 - 4 tiết Tiếng Anh là phù hợp và thuận lợi cho quá trình học của trẻ. Quan trọng nhất là giáo trình giảng dạy phải phù hợp”.

 

Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, hết lớp 3, học sinh phải đạt được các yêu cầu như: có khả năng nghe và nhận biết được các từ, cụm từ đơn giản, quen thuộc; nghe hiểu và làm theo những chỉ dẫn đơn giản trong lớp; nói được các từ và cụm từ đơn giản, quen thuộc; hỏi và trả lời các câu rất đơn giản về cá nhân và những người khác; viết các từ và cụm từ đúng chính tả, điền thông tin cá nhân vào các mẫu đơn giản. Phương pháp giảng dạy tiếng Anh mà Bộ GD-ĐT đưa ra là dạy ngôn ngữ giao tiếp, hoạt động dạy học được tổ chức thông qua môi trường giao tiếp, đa dạng với các hoạt động tương tác. Việc dạy này giúp học sinh bước đầu hình thành và củng cố phương pháp học ngoại ngữ. Các giáo viên cũng phải tạo cơ hội tối đa cho học sinh sử dụng tiếng Anh trong lớp học...

 

Theo kinh nghiệm của các giáo viên, nếu dạy theo giáo trình Let’s go thì rất thuận lợi vì có đủ băng hình, nhiều ưu điểm, học sinh dễ học; trong khi giáo trình Let’s learn mà Bộ GD-ĐT đang triển khai lại không có băng hình. Dạy học trò nhỏ mà không có băng hình động thì các em khó tiếp thu và học tốt được. Bộ GD-ĐT cần sớm có một bộ sách thống nhất vì việc phải chạy theo nhiều giáo trình khiến giáo viên rất vất vả.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hạn cuối nộp hồ sơ đăng ký NV2 là 10/9
Thứ Tư, 01/09/2010 15:59 CH
Tập trung xây dựng văn hóa giao thông
Thứ Tư, 01/09/2010 13:15 CH
Niềm vui trong ngôi trường mới
Thứ Tư, 01/09/2010 10:30 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek