Còn hơn một tháng nữa mới khai giảng năm học mới 2006 -– 2007, nhưng không khí chuẩn bị cho ngày tựu trường của học sinh 4 xã Ea Bar, Ea Bá, Ea Lâm, Ea Ly (huyện Sông Hinh) đã rộn ràng. Càng vui hơn khi vùng cao này có trường cấp 3, các em học sinh không còn phải đi mấy chục cây số ra thị trấn để tìm chữ.
Phụ huynh và học sinh mua sách giáo khoa tại các cửa hàng lưu động ở miền núi – Ảnh: T.H
Trường THCS bán trú Tân Lập (được thành lập từ năm học 2000 – 2001) là nơi thu nhận tất cả học sinh cấp hai của 4 xã Ea Bar, Ea Bá, Ea Lâm và Ea Ly. Từ khi có trường hầu hết học sinh của các xã miền núi này sau khi tốt nghiệp tiểu học đều được học tiếp lên THCS. Sau khi tốt nghiệp lớp 9, học sinh nào muốn học tiếp lên cấp 3 phải vượt 20 – 30 km đến thị trấn Hai Riêng. Chưa tính đến chi phí ăn ở, chỉ việc đi lại không thôi đã làm chùn bước rất nhiều học sinh. Ma Rin, Chủ tịch xã Ea Bar cho biết: “Hàng năm cả xã chỉ có vài em được đi học lớp 10, chủ yếu là con em các gia đình có điều kiện kinh tế tương đối khá hoặc trúng tuyển vào trường nội trú tỉnh. Nếu đi học cấp ba ở trung tâm huyện, phải tự lo chi phí ăn ở, bà con không kham nổi”.
Từ năm học 2006 – 2007, Trường THCS bán trú Tân Lập được nâng lên thành Trường cấp 2 – 3 Tân Lập. Có trường mới, được đi học gần nhà, điều này đã đem lại niềm vui rất lớn cho bà con dân tộc thiểu số. Tuy là năm đầu tiên tuyển sinh nhưng trường đã nhận được 121 hồ sơ dự tuyển vào lớp 10 của con em 4 xã.
Không giấu được niềm vui, Mí Sơn ở xã Ea Bar cho biết: “Nhà có bốn đứa con nhưng mấy đứa lớn chỉ học đến lớp 9 là nghỉ. Năm nay, nhờ có trường cấp ba mà đứa nhỏ nhất của tôi được vào lớp 10. Tôi rất mừng”.
Quyết định thành lập trường đã có, tuy nhiên để đảm bảo chất lượng dạy và học thì còn nhiều vấn đề phải lo. Theo thầy Nguyễn Đức Nam, Hiệu trưởng Trường cấp 2-3 Tân Lập, trường chỉ có 10 phòng học (trong đó có 1 phòng học Tin học), nhưng năm học này phải đào tạo 18 lớp bậc THCS, 3 lớp 10, 2 lớp 11. Sở GD – ĐT hứa hỗ trợ xây thêm 4 phòng học nữa nhưng có lẽ cũng không đủ, sẽ thiếu phòng chức năng. Vì vậy, trong năm học mới này, trường phải mượn các phòng học của trường tiểu học để có thể đảm bảo học 2 ca/ngày.
Một thực tế làm những người dạy chữ ở đây lo lắng nhất, đó là việc sử dụng thiết bị dạy học. Do chưa có phòng chức năng nên cho đến nay, dù đã trải qua 4 năm học theo chương trình sách giáo khoa mới nhưng công tác dạy và học ở đây chưa thể đổi mới được. “Cấp 2 giáo viên còn có thể xoay trở được, chứ cấp 3 thì “bó tay”” – thầy
Trong khi đó, ông Trần Văn Chương, Giám đốc Sở GD – ĐT Phú Yên cho biết: “Ngoài hỗ trợ xây 4 phòng học mới, trường sẽ được trang bị 15 máy vi tính, xây dựng phòng học bộ môn, thư viện và mở rộng sân chơi, bãi tập cho những giờ học ngoại khoá”.
Việc mở trường cấp 3 ngay tại vùng khó đã khuyến khích con em đồng bào dân tộc thiểu số ra lớp. Em Kpa Ũ ở buôn Chung (xã Ea Bar) nói: “Tụi em đứa nào cũng muốn học cấp 3, nhưng do điều kiện đi lại khó khăn, nên phần lớn học được một thời gian là bỏ”. Thầy Nguyễn Đức
Có trường mới, bà con ai cũng vui cái bụng nhưng nếu những khó khăn trên không được khắc phục kịp thời thì sẽ là rào cản không nhỏ đối với việc giáo dục – đào tạo cấp 3 cho vùng cao.
THUÝ HẰNG