Thứ Hai, 14/10/2024 21:23 CH
Nâng “chất” phụ đạo học sinh yếu, kém
Thứ Tư, 24/03/2010 07:30 SA

Những năm gần đây, phụ đạo học sinh yếu, kém là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trường học và giáo viên, nhằm giúp các học sinh học lực yếu, kém có thể lấp đầy được những lỗ hổng kiến thức. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều trường học ở Phú Yên hiệu quả mang lại của công tác này chưa cao.

 

tieu-hoc.jpg

Tạo hứng thú, giúp học sinh ham học, học tốt là nhiệm vụ đặt ra cho mọi giáo viên. Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Sơn Hà 2 (huyện Sơn Hòa) trong một giờ học. - Ảnh: T.HẰNG

 

Theo đánh giá của các trường, học sinh yếu là một tồn tại khách quan, do học sinh chán học, không biết cách học và một phần do giáo viên chưa quan tâm, giúp đỡ kịp thời. Dù nguyên nhân do đâu, giúp đỡ học sinh yếu, kém là việc làm thường xuyên được các trường triển khai nhiều năm qua.

 

Theo báo cáo sơ kết học kỳ 1 của Sở GD – ĐT Phú Yên, toàn tỉnh có 3.475 học sinh tiểu học yếu môn Tiếng Việt (chiếm tỉ lệ 4,4%), 3.634 học sinh tiểu học yếu môn Toán (chiếm tỉ lệ 4,6%); bậc THCS có 9.892 học sinh yếu (chiếm tỉ lệ 16,86%), 549 học sinh kém (chiếm tỉ lệ 0,94%); bậc THPT có 7.227 học sinh yếu (chiếm tỉ lệ 22,77%), 326 học sinh kém (chiếm tỉ lệ 1,03%).  So với cùng kỳ năm học trước, tỉ lệ học sinh yếu, kém đều tăng.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sơn Hòa Huỳnh Kiển nói: “Đối với học sinh, do mất căn bản từ lớp dưới, nhất là các môn khoa học tự nhiên, từ đó càng lên các lớp trên, học kiến thức mới có liên quan đến kiến thức cũ thì học sinh đã quên hết, khiến việc tiếp thu kiến thức mới rất khó khăn. Học không hiểu nên dù nhà trường có phụ đạo học sinh cũng không mặn mà đến lớp”. Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Phan Chu Trinh (TX Sông Cầu) Đào Mậu Thắng cho biết: “Sơ kết học kỳ 1 năm học 2009 - 2010, toàn trường có 88 học sinh THCS xếp loại học lực yếu, chiếm tỉ lệ hơn 24%; 333 học sinh THPT xếp loại học lực yếu, chiếm tỉ lệ hơn 27%. Năm nào nhà trường cũng tổ chức phụ đạo đối với học sinh yếu nhưng số học sinh này đi học không nhiều, thậm chí nhiều em do học yếu nên bỏ học”.

 

So với cùng kỳ năm học trước, năm học này bậc học THPT có tỉ lệ học sinh yếu, kém tăng. Các trường có tỉ lệ học sinh yếu, kém nhiều phần lớn thuộc hệ bán công, dân lập và các trường thuộc khu vực miền núi, vùng biển. Bình quân từ 20% đến hơn 60% học sinh yếu trong tổng số học sinh mỗi trường. Đây thực sự là thử thách rất lớn đối với các trường nói riêng, ngành Giáo dục – Đào tạo Phú Yên nói chung.

 

Tại hội nghị sơ kết học kỳ 1 và triển khai nhiệm vụ học kỳ 2 năm học 2009 – 2010 vừa được Sở Giáo dục – Đào tạo tổ chức, vấn đề phụ đạo học sinh yếu, kém lại tiếp tục được đặt ra. Đây chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các thầy cô giáo, của nhà trường để góp phần giúp các học sinh không theo kịp bạn bè có thể nắm bắt được những kiến thức đã bị “hổng”. Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Văn Tá cho biết: “Để nâng dần chất lượng học sinh không phải là chuyện một sớm một chiều mà nó đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn và lòng quyết tâm của giáo viên, của nhà trường. Trong tình hình học tập hiện nay, phụ đạo học sinh yếu, kém luôn được giáo viên, các trường quan tâm nhưng phụ đạo như thế nào, phương pháp ra sao thì đó là cả một vấn đề”.

 

Để việc phụ đạo học sinh mang lại hiệu quả, Sở Giáo dục – Đào tạo Phú Yên yêu cầu, việc tổ chức các lớp học phụ đạo cho học sinh yếu, kém là việc làm thường xuyên chứ không phải chỉ là phong trào thi đua hoặc để đối phó với một đợt thi hoặc kiểm tra. Biện pháp giải quyết là tùy vào hoàn cảnh cụ thể của từng năm ở từng khối lớp mà có biện pháp thích hợp để nâng cao trình độ cho học sinh lỡ mất căn bản trong học tập, giúp học sinh có cơ hội hòa nhập cùng bạn bè. Các trường, cần phân loại học sinh: học sinh mất căn bản hoàn toàn và học sinh có khả năng học được nhưng lười học… để thuận lợi cho quá trình phụ đạo. Việc chọn giáo viên phụ đạo rất quan trọng vì giáo viên là yếu tố quyết định về kết quả phụ đạo học sinh yếu, kém. Do đó, lãnh đạo nhà trường cần chọn và thuyết phục những thầy cô giáo tâm huyết, có kinh nghiệm trong giảng dạy để dạy những đối tượng này. Ngoài ra, lãnh đạo nhà trường phải phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể và ban đại diện hội cha mẹ học sinh, nhất là với những phụ huynh có con em thuộc diện học phụ đạo. Phải trao đổi, giải thích và động viên để cha mẹ học sinh hiểu được sức học của con em họ để có sự phối hợp, tạo điều kiện cho học sinh đi học đầy đủ. Làm thế nào để cha mẹ học sinh thấy rằng việc phụ đạo là nhằm để giúp đỡ những học sinh yếu, kém có cơ hội tiến bộ trong học tập. 

 

MẠNH THÚY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek