Thứ Hai, 14/10/2024 23:25 CH
Giải quyết “bài toán” học sinh bỏ học, cách nào?
Thứ Bảy, 20/03/2010 07:00 SA

* Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: “Cần sự quan tâm của chính quyền”

* Mời bạn hiến kế giải quyết tình trạng ngày càng có nhiều học sinh bỏ học

 

Mỗi năm học, cả nước có đến hàng triệu học sinh bỏ học giữa chừng. Tình trạng đó trở thành một điều nhức nhối của xã hội. Tại Phú Yên, tuy không nhiều như những địa phương khác, song sau mỗi năm học cũng có đến 2.000 - 3.000 học sinh không tiếp tục đến trường. Riêng trong học kỳ I của năm học 2009 - 2010 này, theo thống kê của Sở Giáo dục - Đào tạo, có đến hơn 1.200 học sinh ở ba cấp học nghỉ học. Làm thế nào để giải “bài toán” hóc búa này?

 

net1.jpg
Nghiện internet là một trong những nguyên nhân khiến học sinh bỏ học, theo nhận định của Sở GD-ĐT Phú Yên -  Ảnh: K.DUY

TẠI SAO?

 

Năm học 2005-2006, Phú Yên có 3.235 học sinh bỏ học; năm học 2006-2007: 3.580; năm học 2007-2008: 3.230; năm học 2008-2009: 2.393.

Báo cáo của Sở Giáo dục – Đào tạo Phú Yên cho hay, số học sinh bỏ học trong học kỳ I năm học này tăng 160 em so với cùng kỳ năm học trước. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Phú Yên Nguyễn Văn Tá, nguyên nhân chủ yếu khiến học sinh bỏ học vẫn là do học lực yếu nên chán nản, gia đình thiếu quan tâm động viên con em học tập, học sinh bỏ học đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Một số học sinh bỏ học do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn sau cơn bão số 11 và trận lũ lớn đầu tháng 11/2009.

 

Đáng chú ý nhất, cũng theo báo cáo của Sở Giáo dục – Đào tạo, “tệ nạn “nghiện” internet với mặt trái, tiêu cực của nó đã tác động khá lớn đến việc duy trì nề nếp học tập và sinh hoạt của học sinh. Nguyên nhân này khiến nhiều học sinh trốn học, kết quả học tập yếu kém rồi bỏ học giữa chừng, nhất là bậc THCS”. Có lẽ đây là lần đầu tiên ngành Giáo dục – Đào tạo Phú Yên nhìn thẳng vào vấn đề đang khiến toàn xã hội quan tâm này. Không ít vị phụ huynh cho chúng tôi biết, con họ sáng nào cũng mặc đồng phục, khoác khăn quàng, mang cặp sách để đến trường, song ngay trong giờ học không ít người đã tình cờ nhìn thấy con mình đang say sưa “bắn giết” trong một tiệm net nào đó. Thậm chí, chơi trong giờ học chính thức không “đã”, nhiều em còn lừa cha mẹ, xin tiền đi học thêm, đi sinh nhật bạn bè… để “nướng” vào game. Một chủ đại lý bán thẻ game ở huyện Đông Hòa cho biết: “Đa số là học sinh học lớp 6, lớp 7, là con nhà khó khăn. Cha mẹ các cháu có lẽ lo mưu sinh nhiều quá nên không dành nhiều thời gian cho con, cũng như kiểm soát được chúng. Mỗi khi bán thẻ cho các cháu, tôi thật xót xa và thấy mình có lỗi”. Nhưng liệu có mấy người nghĩ được như người bán thẻ game trên?  Hiện nay, từ thành thị đến nông thôn, tiệm game xuất hiện nhan nhản và không mấy khó khăn để nhận ra trong số những khách hàng quen thuộc ở đó là học sinh. Trong khi các chủ tiệm net chỉ biết lợi nhuận, không cần quan tâm đến những quy định trong hoạt động internet, thì sự quản lý của các ngành chức năng trong lĩnh vực này cũng thiếu sâu sát và nghiêm khắc, khiến ngày càng có nhiều học sinh nghiện net quên cả học hành. Ham chơi dẫn đến không còn ham học, kết quả kiểm tra, thi cử èo uột, học sinh chán học rồi bỏ học là điều tất yếu.

 

Trong khi đó, nhiều học sinh nam cuối bậc THCS, THPT có sức khỏe sẵn sàng nghỉ học để đi làm, vì thấy cái lợi trước mắt là kiếm được tiền. Không riêng bản thân học sinh, một số phụ huynh cũng nghĩ như vậy và… khuyên con nghỉ học để đi làm. Một số học sinh khác thì nghĩ rằng cứ nghỉ học rồi thế nào nhà trường cũng cử người đến “năn nỉ” vào các lớp phổ cập giáo dục, rồi được tạo điều kiện cho đi thi cuối cấp, rồi thế nào cũng có bằng tốt nghiệp cấp 2 (!?)

 

GIAN NAN ĐƯA HỌC SINH TRỞ LẠI TRƯỜNG

 

Mời bạn hiến kế

 

Rõ ràng, vấn đề hàng ngàn học sinh bỏ học mỗi năm ở Phú Yên đang là nỗi đau của xã hội, nhất là khi chúng ta đang nỗ lực cho một tương lai tri thức và phát triển. Báo Phú Yên kính mời bạn đọc, đặc biệt là các nhà quản lý, nhà giáo, phụ huynh, hãy hiến kế để giúp ngành Giáo dục giải quyết tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.

 

Bài viết, ý kiến của quý bạn đọc cho vấn đề này, xin gởi về Báo Phú Yên, số 62 đường Lê Duẩn, TP Tuy Hòa; email: tsbpy@dng.vnn.vn

Giải pháp nào hữu hiệu để đưa học sinh trở lại trường? Câu hỏi này không dễ trả lời. Nói với Báo Phú Yên mới đây, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo Trần Văn Chương cho biết: Trước mắt, Sở GD-ĐT Phú Yên chỉ đạo các trường phấn đấu giữ vững sĩ số học sinh các cấp, tăng cường phụ đạo đối với học sinh yếu kém để hạn chế học sinh chán nản bỏ học. Đối với những học sinh bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà trường chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, cộng đồng xã hội để có sự hỗ trợ về tinh thần, vật chất giúp các em trở lại trường. Nếu học sinh không tiếp tục trở lại trường thì các trường vận động học sinh vào học các lớp phổ cập.

 

Cho đến nay, cách làm thường thấy nhất trong việc chống học sinh bỏ học là vận động. Ban đầu thì chỉ nhà trường và gia đình, những năm gần đây, các hội, đoàn thể ở địa phương cũng vào cuộc. Kết quả của việc vận động là có một số học sinh trở lại trường, nhưng cũng có nhiều học sinh không chịu đi học vì không thích học.

 

Ông Đào Mậu Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Phan Chu Trinh (TX Sông Cầu) nêu ví dụ về trường hợp học sinh T.N.A, lớp 11A7 của trường này. “A là con của một cô giáo, nhưng ham chơi, học lực quá yếu. Gia đình và nhà trường đã nhiều lần khuyên nhủ, vận động nhưng cuối cùng đành “bó tay” vì A kiên quyết không đến trường”. Còn ông Nguyễn Hữu Tuyên, Hiệu phó Trường THCS Nguyễn Du (xã Xuân Quang 3, huyện Đông Xuân) cho biết: “Nhiều học sinh không muốn đi học nữa nên nại lý do này kia. Chẳng hạn ở trường tôi có em V.T.A.N, học lớp 9. Gia đình N nghèo, sau cơn lũ cuối năm 2009 thì nhà bị hư hỏng nặng và em nghỉ học trước tết. Song, ngay sau đó, nhờ sự trợ lực của xã hội, gia đình N đã cất lại nhà mới khang trang, bước đầu vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, nhà trường và các đoàn thể đã đến nhà vận động 5 lần, N vẫn không chịu đi học trở lại”. Một nữ giáo viên ở huyện Đông Hòa cho biết, chị có nhiều năm đi vận động học trò nghỉ học trở lại trường, nhưng nhiều khi thất bại. “Đến từng nhà mới thấu hiểu được hoàn cảnh các em. Nhiều em gia cảnh quá khó khăn, cha mẹ lục đục nên không thể tiếp tục đến lớp. Song, nhiều trường hợp chúng tôi uất ức đến rơi nước mắt. Mình đến tận nhà vận động mà có vị phụ huynh đã không lo cho tương lai của con thì thôi, còn chì chiết, xua đuổi giáo viên. Buồn lắm…”.

 

Điều đó cho thấy, những giải pháp mà ngành giáo dục đưa ra để giải quyết “bài toán” này là đúng, song hình như chưa có đột phá. Cần có một giải pháp căn cơ, đi thẳng vào việc giải quyết từng vấn đề khó khăn trong việc đưa học sinh bỏ học giữa chừng trở lại lớp đã nêu trên đây thì may ra mới khống chế được nạn học sinh bỏ học hiện nay. Đặc biệt là sự gắn kết nhà trường – gia đình – xã hội cần chặt chẽ hơn, trách nhiệm hơn; phải làm thay đổi được nhận thức của một số học sinh và phụ huynh trong việc chuẩn bị tri thức cho tương lai; tạo thêm sự hấp dẫn, lôi cuốn trong việc giảng dạy, học tập; dự báo tốt và quan tâm nhiều hơn đến những học sinh có nguy cơ bỏ học; hỗ trợ nhiều hơn cho những học sinh khó khăn… Những điều đó đương nhiên không chỉ giao cho một mình ngành Giáo dục – Đào tạo, mà cần sự vào cuộc của hệ thống chính trị và toàn xã hội.

 

Cần sự quan tâm của chính quyền

 

Đó là đề xuất của Thứ trưởng Bộ Giáo dục -–Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa trong cuộc trao đổi mới đây với báo chí về các giải pháp hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.

 

* Mặc dù không còn là vấn đề mới nhưng tình trạng học sinh bỏ học vẫn gây ra lo lắng trong xã hội. Theo bà, nguyên nhân chính khiến học sinh những vùng khó khăn bỏ học là gì?

 

ba-nghia.jpg- Một điều dễ nhận thấy là các tỉnh có tỉ lệ học sinh bỏ học cao đều là những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những vùng đi lại khó khăn, nhà xa trường, tỉ lệ hộ nghèo cao, nhiều học sinh thiếu ăn, mặc không đủ ấm. Thông tin từ các địa phương cho biết nhiều học sinh bỏ học do hoàn cảnh gia đình, học sinh phải đi làm thêm phụ giúp cha mẹ, có gia đình chịu thiệt hại do thiên tai, nhà nghèo. Bên cạnh đó, nhiều học sinh miền núi nghỉ học để xây dựng gia đình... Tình trạng bỏ học càng nhức nhối hơn vào mỗi dịp sau tết. Đây là thời điểm các em phải xa nhà để kiếm việc làm, cũng là mùa giáp hạt ở nhiều địa phương.

 

* Ngoài những khó khăn về kinh tế, chương trình học được đánh giá là nặng hiện nay có phải là một nguyên nhân khiến cho học sinh học tập yếu kém dẫn đến bỏ học?

 

- Một lý do nữa khiến nhiều học sinh bỏ học vì học lực quá yếu. Những năm trước, vì chạy theo thành tích nên nhiều địa phương đánh giá học sinh không đúng thực chất, từ khi có cuộc vận động “hai không”, chất lượng học sinh được xem xét lại. Các em học yếu, mất căn bản không theo kịp chương trình nên nghỉ học. Cũng phải nói thêm là trường học ở các vùng khó khăn thường thiếu thiết bị, sân chơi, bãi tập, giáo viên ít có cơ hội giao lưu sinh hoạt, trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ hơn ở các nơi khác. Những yếu tố này là nguyên nhân hạn chế chất lượng giáo dục và đời sống văn hóa của các nhà trường, làm giảm niềm vui đến trường của học sinh.

 

Năm 2009, bộ đã rà soát chương trình, sách giáo khoa. Qua đó, đã giảm tải cho học sinh. Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu các sở GD-ĐT phải khảo sát chất lượng học sinh vào đầu năm học, xác định nguyên nhân học yếu và phối hợp với các tổ chức vận động đưa học sinh trở lại trường.

 

* Nhằm hạn chế tình trạng học sinh bỏ học hiện nay, Bộ GD-ĐT có đưa ra giải pháp cụ thể nào  không, thưa bà?

 

- Bộ đang thành lập 7 đoàn kiểm tra phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực tại các địa phương. Đối với các địa phương còn hạn chế trong việc đưa học sinh trở lại lớp, chúng tôi đã chỉ đạo các tỉnh tăng cường thực hiện các giải pháp huy động học sinh đến lớp trên cơ sở đánh giá đúng nguyên nhân bỏ học của học sinh để có biện pháp giúp đỡ các em trở lại trường. Theo tôi, bên cạnh sự tham mưu của ngành giáo dục thì giải pháp quan trọng nhất chính là sự quan tâm của chính quyền địa phương.

 

Trước mắt, giải pháp hạn chế tình trạng học sinh bỏ học vẫn phải do các địa phương chủ động, linh hoạt, tùy vào tình hình thực tế. Ví dụ, động viên tinh thần học sinh, cha mẹ học sinh, hỗ trợ trực tiếp bằng vật chất. Ngành giáo dục phải phối hợp chặt chẽ hơn với các đoàn thể, chính quyền địa phương để nâng nhận thức của học sinh, phụ huynh về những lợi ích khi được đi học. Báo cáo từ các địa phương cho thấy nhiều tỉnh đã có những giải pháp tích cực trong việc ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học. Tỉnh Bạc Liêu tranh thủ những tháng hè để tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức cho học sinh yếu kém. Ở Hậu Giang, khi thấy học sinh có dấu hiệu bỏ học, giáo viên chủ nhiệm chủ động tìm hiểu nguyên nhân để nhà trường phân công giáo viên nhận đỡ đầu học sinh, tìm mọi cách giúp các em an tâm đến lớp. Tỉnh này còn trích Quỹ Vì người nghèo, thưởng “nóng” 200.000 đồng cho mỗi học sinh nghèo bỏ học trở lại trường.

 

Chúng tôi đã chỉ đạo ngành giáo dục các địa phương phải làm mạnh hơn nữa, tăng cường bố trí giáo viên, chương trình để phụ đạo cho học sinh yếu kém trong dịp hè và ngay trong năm học. Giải quyết tình trạng học sinh yếu kém phải có quá trình.

 

(NLĐ)

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek