Thứ Hai, 14/10/2024 23:23 CH
Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010:
Chọn ngành, trường ít cạnh tranh
Chủ Nhật, 21/03/2010 07:00 SA

Chọn ngành nghề theo năng lực, đam mê, sở thích hoặc chạy theo trào lưu đăng ký những ngành nghề “hot”...là “ngả hai đường” khiến không ít thí sinh phân vân. Thực tế cho thấy, các ngành nghề lao động đều phải dựa trên nhu cầu của xã hội và thí sinh phải “thông thái” để nhận ra điều ấy.

 

ts.jpg

Một học sinh đặt câu hỏi với ban tư vấn Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2010 tổ chức tại TP Tuy Hòa. - Ảnh:  V.TÀI

 

NHIỀU NGÀNH HỌC “CẦU” NHIỀU NHƯNG “CUNG” ÍT

 

Do nhiều thí sinh chỉ muốn thi vào những ngành “hot” nên hàng năm thường xảy ra tình trạng có những ngành dù nhu cầu xã hội rất lớn nhưng lại ít thí sinh chọn, khiến các trường tuyển đầu vào rất khó khăn. Các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2010 cho thấy, những ngành nghề thu hút sự quan tâm của thí sinh phần lớn thuộc về khối kinh tế như ngân hàng, tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh… trong khi những ngành được nhiều doanh nghiệp nỗ lực tìm kiếm, lại có rất ít thí sinh quan tâm, nhiều trường phải thường xuyên bổ sung nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 mới tuyển đủ chỉ tiêu. Tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2010 do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Báo Phú Yên, Sở GD – ĐT Phú Yên, một đại diện của Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, cho biết nhu cầu nhân lực của các ngành chế biến lâm sản, chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản, cơ khí nông lâm… rất lớn, rất dễ xin việc làm sau khi ra  trường. Tuy nhiên, những năm qua, tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi  vào các ngành này rất thấp. Năm nào trường cũng phải xét tuyển nguyện vọng 2 mới tuyển đủ chỉ tiêu.

 

Còn ở nhóm ngành y dược, những ngành học như y tế cộng đồng, y học cổ truyền… đầu ra rất tốt, thế nhưng hầu hết thí sinh chỉ thích đăng ký dự thi ngành bác sĩ, dược sĩ nên tỉ lệ “chọi” ở hai ngành học này năm nào cũng cao ngất ngưởng.

 

Tại Phú Yên, hai trường có số lượng thí sinh dự thi nhiều nhất là Cao đẳng Xây dựng số 3, Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, những ngành học như cấp thoát nước và môi trường, kỹ thuật hạ tầng đô thị, công nghệ tự động, kỹ thuật trắc địa, kỹ thuật địa chất, công nghệ hóa học… nhiều doanh nghiệp đến “đặt hàng” song tỉ lệ “chọi” của những ngành này rất thấp, thậm chí có ngành phải xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Hay như công tác tuyển sinh hệ cao đẳng các ngành chăn nuôi, lâm nghiệp của Trường Đại học Phú Yên năm nào cũng gặp nhiều khó khăn vì rất ít thí sinh dự tuyển.

 

Theo dự báo của Viện Khoa học lao động và xã hội, trong những năm tới, các ngành dịch vụ, môi trường, xây dựng sẽ tiếp tục phát triển và phát triển nhanh. Bên cạnh đó, những ngành lợi thế của Việt Nam như cơ khí lắp ráp, cơ khí sửa chữa, vận hành… cũng sẽ tiếp tục thu hút người lao động. Các ngành về nông – lâm – ngư nghiệp dù rất khó tuyển sinh nhưng trong tương lai, nhóm ngành này sẽ cần nguồn nhân lực rất lớn nên sẽ gia tăng cơ hội việc làm.

 

CẨN TRỌNG VỚI TỪNG NGUYỆN VỌNG

 

Nhiều thí sinh quan niệm, rớt nguyện vọng 1 thì còn nguyện vọng 2, nguyện vọng 3, lọt “sàn” thì xuống “nia”. Tuy nhiên, qua 9 năm thực hiện thi “ba chung”, đã có hiện tượng thí sinh đạt điểm cao nhưng vẫn không trúng tuyển vào một trường đại học, cao đẳng nào. Vì theo nguyên tắc, các trường xét tuyển lấy thí sinh từ điểm cao xuống thấp cho đến lúc đủ chỉ tiêu. Để có cơ hội trúng tuyển theo nguyện vọng 2 cao nhất, thí sinh cần phải cân nhắc mức điểm của mình để lựa chọn trường phù hợp để không mất oan uổng một nguyện vọng.

 

Theo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2010, năm nay, việc xác định điểm trúng tuyển của các trường có những thay đổi. Cụ thể, các trường xây dựng điểm trúng tuyển chung theo khối thi hoặc theo ngành đào tạo. Điểm trúng tuyển đối với các nguyện vọng được xác định theo quy định: điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước, đảm bảo tỉ lệ trúng tuyển hợp lý giữa các nguyện vọng. Không hạ điểm trúng tuyển, trừ những trường hợp đặc biệt (trường có điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 cao; trường đóng tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; một số ngành nghề khó tuyển sinh). Do đó, các thí sinh cần cân nhắc, cẩn trọng trong việc chọn ngành, chọn trường ngay từ nguyện vọng 1 để hạn chế rủi ro.

 

Theo thống kê của Bộ GD – ĐT, năm 2009, Phú Yên có hơn 11.150 thí sinh dự thi vào các trường đại học, có điểm trung bình tổng 3 môn thi chung là 11,44 điểm, xếp vị thứ 15/20 tỉnh dẫn đầu cả nước. Trong đó, học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh dẫn đầu các trường trong tỉnh với điểm trung bình tổng 3 môn đạt 18,47 điểm, xếp vị thứ 32/tốp 200 trường THPT có điểm cao của cả nước. Đối với các trường THPT còn lại, đặc biệt là hệ bán công điểm trung bình 3 môn chỉ đạt 8 – 9 điểm. Theo các chuyên gia tư vấn, đối với những học sinh có học lực trung bình nên chọn ngành, trường ít cạnh tranh “đầu vào” để tăng cơ hội trúng tuyển.

 

THÚY HẰNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek