Thứ Sáu, 29/11/2024 19:48 CH
Giảng dạy văn học dân gian trong trường học:
Học sinh cần được khơi nguồn cảm hứng
Thứ Bảy, 17/06/2006 09:25 SA

060617tran-ngoc-them.jpgGiáo sư, Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: “Các môn học khoa học – xã hội nói chung, văn học dân gian nói riêng có vị trí quan trọng trong việc hình thành cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, niềm tự hào về những thành tựu kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, cho đến nay, việc giảng dạy các môn khoa học – xã hội chủ yếu là nói miệng nên khả năng lưu giữ vào tiềm thức là rất kém. Ngoài ra, thế hệ trẻ ngày nay, do áp lực học tập, sớm bị tách ra khỏi sinh hoạt gia đình nên phần nào đã làm các em ít có cơ hội được nghe ca dao, tục ngữ, thành ngữ, chuyện kể từ ông bà, cha mẹ. Vì thếâ, để những giờ học thực sự sinh động, giáo viên phải biết nhen lên niềm hứng thú trong các em thông qua việc kết hợp những gì được viết trong sách giáo khoa với thực tế. Nếu không, dù được cung cấp sẵn kiến thức, các em cũng chỉ “nhại” lại trong bài kiểm tra một cách công thức, thực chất là học vẹt”.

Ngó lên Đất Đỏ nhiều bắp, nhiều khoai

 

Ngó xuống Đồng Dài nhiều lúa, nhiều tranh

 

Ngó vô Đồng Cọ, Bạch Canh, Áo già

 

Mỹ Trung, Mỹ Phú, Mỹ Hoà

 

Mỹ Điền, Mỹ Định thiệt là nhiều cau

 

Vinh Ba đan cót, đan gàu

 

Phú Diễn chằm nón, xóm Bàu vớt rong

 

Bài ca dao mang nét riêng của người Phú Yên, là niềm tự hào về quê hương đất nước giàu đẹp, no ấm, thanh bình, được  nhiều học sinh thuộc. Vậy nhưng không ít em  lại không biết những địa danh nói trên nằm ở đâu! Đó là hệ quả tất yếu bởi thời khóa biểu chia thời lượng những tiết học văn học dân gian là khá khiêm tốn; cả thầy và trò đều phải “lướt nhanh” để theo kịp chương trình, học sinh bị nhồi nhét kiến thức nên chỉ thuộc lòng mà thiếu hứng thú học tập.

 

Học văn trước hết học sinh phải đọc tác phẩm để hiểu đúng và cảm nhận tốt những vấn đề phản ánh trong tác phẩm. Đó không chỉ đơn giản là kiến thức mà còn là những gì tốt đẹp nhất của cuộc sống kết tinh trong tác phẩm văn chương. Với văn học dân gian, ngoài những yêu cầu trên, giáo viên và học sinh còn phải cảm nhận được tác phẩm ấy qua lăng kính cuộc sống, bởi phần lớn những vấn đề mà văn học dân gian đặt ra là những kinh nghiệm, hàm ý sâu xa mà ông cha ta đã đúc kết được từ thực tiễn cuộc sống. Còn nhớ, tại Hội diễn văn nghệ do câu lạc bộ văn học dân gian Trường THPT Trần Quốc Tuấn tổ chức, bằng những tiết mục hát, múa, hò, vè, tiểu phẩm… thầy và trò trong trường đã nêu bật những điểm đặc sắc của ca dao dân ca, thành ngữ, sử thi, truyện thơ, truyện cổ tích… trong kho tàng văn hoá dân gian. Nhiều học sinh cho biết, học văn học dân gian không giống như giảng văn. Chẳng hạn khi học về điệu hò kéo lưới, các em phải tìm hiểu thêm về phong tục tập quán, cuộc sống lao động trên sông nước của người dân.

 

Với vài ba tiết, thầy cô giáo khó có điều kiện mở rộng vấn đề; hơn thế, muốn mở rộng, có nơi trình độ giáo viên chưa đáp ứng được. Hiện phần lớn đội ngũ giáo viên dạy Văn chỉ mới được đào tạo theo kiểu chung chung, nên với văn học dân gian, họ thường áp dụng phương châm “sách viết sao thì dạy vậy”. Cô giáo Lê Thị Phi Loan (tổ trưởng tổ văn Trường THPT Trần Quốc Tuấn – phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa) cho biết: “Để học sinh say mê văn học nói chung, văn học dân gian nói riêng, bên cạnh lôi cuốn các em vào tác phẩm, giáo viên cần tự trang bị cho mình những vốn sống sinh động từ thực tế.”

 

060617-mua.jpg

Sinh hoạt văn nghệ, một cách khơi nguồn cảm hứng dạy – học văn học dân gian – Ảnh: T.H

Đối với những môn học xã hội, nếu học sinh chỉ nghe giáo viên thuyết trình thì chắc chắn mau quên, nhưng nếu giáo viên biết tổ chức và hướng dẫn học sinh học tập bằng cách tham gia các hoạt động để phát huy và giải quyết vấn đề thì học sinh dễ nhớ, dễ vận dụng hơn. “Nếu giáo viên tạo điều kiện để học sinh có động cơ đúng và có hứng thú học tập thì các em sẽ tham gia vào quá trình học tập một cách tích cực và có trách nhiệm. Một khi giáo viên xây dựng được cho mình kế hoạch giảng dạy, họ trở thành người tổ chức hướng dẫn để học sinh tham gia thực hiện toàn bộ nội dung” - thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, (Trường Cao đẳng Sư phạm Phú Yên) bày tỏ.

 

Những năm gần đây, việc đổi mới các hình thức dạy học đã dần trở nên quen thuộc với đội ngũ nhà giáo. Đó là biết tạo ra mối quan hệ tương tác giáo viên - học sinh - môi trường giáo dục. Lâu nay không ít người cho rằng học sinh lười đọc, hậu quả là trong không ít bài kiểm tra, bài thi môn Văn, học sinh hiểu lệch lạc vấn đề. Đặc biệt là với môn văn học dân gian, phương pháp so sánh, ẩn dụ ví von càng dễ làm các em nhầm lẫn. “Vốn liếng” nghèo nàn hiển nhiên các em không thể học văn tốt, càng không thể say mê văn học dân gian – một kho tàng văn hoá rất quý không thể cắt rời của tâm thức văn hoá các dân tộc. Mà để khắc phục điều đó, trước hết, hãy tạo nguồn cảm hứng học tập cho học sinh.

 

QUỲNH ANH

 

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lỗ hổng!
Thứ Ba, 13/06/2006 07:50 SA
Tìm giải pháp thoát những bất cập
Thứ Hai, 12/06/2006 09:17 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek