Thứ Sáu, 29/11/2024 23:51 CH
Sân chơi mùa hè cho trẻ: Quá thiếu!
Chủ Nhật, 04/06/2006 14:08 CH

Chơi đùa tạo cho trẻ điều kiện khám phá, tìm hiểu những cái mới, góp phần hoàn thiện nhân cách. Thế nhưng, tổ chức cho trẻ “chơi mà học” trong hè hiện đang gặp khó khăn, trong đó đáng kể nhất là Phú Yên quá thiếu sân chơi cho các em..

 

Mới nghỉ hè được vài ngày, Vân Anh, học sinh lớp 3 đã “bị” vào lớp học thêm nên cô bé buồn xo mỗi khi được cha mẹ đưa đi học. “Kể từ hè năm lớp lá đến nay, chưa kịp nghỉ hè là em đã phải vào lớp học thêm, chán lắm!”, Vân Anh nói. “Cho cháu nghỉ hè như ngày xưa tụi mình sao được”, mẹ Vân Anh nói với tôi. “Hồi đó, mới 6-7 tuổi mình đã biết nấu cơm, giữ nhà, còn con cái bây giờ gần 10 tuổi đầu vẫn chưa biết gì. Vợ chồng đi làm cả ngày, lấy ai trông nom, chăm lo cho nó”. Nghỉ hè của trẻ em thành phố, vì thế, vẫn cứ phải “quay như chong chóng” vì các môn học. Nhưng dù sao các em vẫn còn có điểm vui chơi sinh hoạt ở nhà thiếu nhi, câu lạc bộ năng khiếu, ngoài ra, còn được lên  khu giải trí sinh thái Thuận Thảo, Phù Đổng… Còn trẻ em nông thôn, miền núi vào thời điểm học chính khoá, các em còn có sân trường, lớp học “níu” chân. Chứ khi hè đến thì hầu như “ai về nhà nấy”. Nhà nào có bò thì chăn bò, có vịt chăn vịt, còn không thì đi bán vé số, đánh giày…

 

060604-vuichoi.jpg
Trẻ vùng nông thôn, miền núi thiếu những sân chơi như thế này - Ảnh: Thúy Hằng

 

Tại một triền núi ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), một nhóm trẻ con tuổi từ 8 đến 10 tự tổ chức các trò chơi như: ô ăn quan, đánh chuyền, rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê… Tất cả các trò này đều có chung một đặc điểm là dễ chơi, dễ hoà nhập và có thể chơi ở khắp mọi nơi, từ khoảnh sân hẹp trong nhà đến ngõ xóm, bờ ao, bãi cỏ… Khi được hỏi về những trò chơi này, bọn trẻ đều cho rằng rất thích.  La Lang Hiền, đứa lớn nhất trong nhóm, cho biết: “ Tụi em chăn bò buồn quá nên rủ nhau cùng chơi, nhưng lúc nào cũng chỉ có vài đứa với nhau nên kém vui. Nếu như có một nơi tập trung lại để cùng chơi với nhau thì thích hơn nhiều”. Quả thật, hầu hết các địa phương ở vùng nông thôn hiện nay chưa có sân chơi cho trẻ. Bậc tiểu học, THCS các em còn một tháng đôi lần sinh hoạt hè ở trường, còn bậc học mầm non thì hoàn toàn dựa vào gia đình. Đối với các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do chưa được địa phương quan tâm nhiều nên dù mạng lưới trường lớp ở bậc học này phát triển đến tận thôn buôn, hiệu quả đào tạo vẫn chưa cao. Chị Nguyễn Vân Huyền, chuyên viên mầm non Phòng Giáo dục huyện Đồng Xuân, cho biết: “Chơi đùa rất tốt cho trẻ. Chơi tạo điều kiện cho trẻ mày mò, khám phá và tìm hiểu những cái mới, giúp trẻ sẽ tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Vì không có sân chơi nên trẻ em dân tộc thiểu số bị hạn chế các kỹ năng này, làm  giảm rất nhiều sự sáng tạo, hiệu quả học tập khi bước vào lớp 1”.

 

Sân chơi, trò chơi giúp trẻ nhận thấy sự gắn bó thân thiết giữa con người và thiên nhiên, giáo dục cho trẻ ý thức tập thể, thương yêu đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Những trò chơi chính là giá trị văn hoá dân tộc, góp phần tạo ý thức và nhân cách cho trẻ. Thiếu địa điểm vui chơi hiện nay ở các vùng nông thôn đã vô tình làm hạn chế sự hiếu động vốn có ở lứa tuổi này.

 

QUỲNH ANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek