Dự án “Đổi mới chương trình và nội dung sách giáo khoa” giai đoạn 2001-2005 đã ngốn trên 2.000 tỷ đồng VN. Và “hiệu quả” của chương trình này vẫn còn “mờ mịt”, với những tiếng kêu về chất lượng giáo dục chưa có chiều hướng giảm! Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) lại tiếp tục đưa ra dự toán cho chương trình trên cho giai đoạn 2006-2010 là: 2.000 tỷ đồng! Trên 4.000 tỷ đồng đã và sẽ tiếp tục đổ vào công cuộc đổi mới này. Chúng ta hình dung được gì về chất lượng nền GD khi Bộ GD-ĐT hoàn tất việc sử dụng số tiền không nhỏ này?
Với tổng vốn đầu tư của ngân sách là 5.527,7 tỷ đồng, chương trình mục tiêu quốc gia GD-ĐT, giai đoạn 2001-2005 gồm 7 dự án:
Củng cố và phát huy kết quả phổ cập GD tiểu học và xóa mù chữ, thực hiện phổ cập THCS; Đổi mới chương trình và nội dung sách giáo khoa (SGK); Đào tạo cán bộ tin học, đưa tin học vào nhà trường, đẩy mạnh dạy ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân; Đào tạo và bồi dưỡng giáo viên (GV), tăng cường cơ sở vật chất hệ thống trường sư phạm; Hỗ trợ GD miền núi, vùng dân tộc và vùng có nhiều khó khăn; Tăng cường cơ sở vật chất các trường học, trung tâm kỹ thuật tổng hợp, các trường ĐH, THCN trọng điểm; Tăng cường năng lực đào tạo nghề. Tuy nhiên, chỉ riêng dự án “Đổi mới chương trình và nội dung SGK” đã chiếm tỷ trọng khá lớn với trên 2.000 tỷ đồng.
Học sinh đang chọn mua sách ở cửa hàng của Công ty Sách và thiết bị trường học Phú Yên - Ảnh: Thúy Hằng
TRÊN 2.000 TỶ ĐỒNG ĐƯỢC XÀI NHƯ THẾ NÀO?
Dự án “Đổi mới chương trình và nội dung SGK” giai đoạn 2001-2005, được triển khai đầu tư từ các nguồn: 1.802,7 tỷ đồng từ ngân sách trung ương; 540,8 tỷ đồng ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác; đồng thời có 311,8 tỷ đồng từ nguồn vay nợ và viện trợ nước ngoài. Dự án này được triển khai tại trung ương và các địa phương.
Vậy trung ương (tức Bộ GD-ĐT) đã chi ra sao? Bộ trực tiếp chi hết 144 tỷ đồng để tổ chức biên soạn SGK, sách GV...; in ấn và phát hành sách cho các trường dạy thí điểm; bồi dưỡng GV cốt cán các tỉnh, thành phố (từ lực lượng GV này sau đó mới trở về địa phương bồi dưỡng cho GV đại trà - phần bồi dưỡng GV đại trà do ngân sách địa phương chi); nghiên cứu sản xuất mẫu đồ dùng dạy học...!
Phần ngân sách còn lại đươc giao về cho các địa phương để chi: mua sách cho GV, sách cho HS diện chính sách, diện nghèo mượn; tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho GV dạy chương trình và SGK mới; mua thiết bị đồ dùng giảng dạy... Cụ thể, trong giai đoạn năm 2002-2005, chỉ tính phần ngân sách Trung ương cấp cho các địa phương đã là 1.797,7 tỷ đồng.
Như vậy, nếu nhìn tổng quát, ở giai đoạn 2001-2005 chỉ riêng Bộ GD-ĐT đã xài hết 144 tỷ đồng cho việc nghiên cứu triển khai và điều hành chung cấp bộ; các địa phương chi trên 2.000 tỷ đồng (gồm ngân sách Trung ương và địa phương) cho việc triển khai cụ thể. Chưa kể số tiền không nhỏ chưa thống kê được, mà gia đình học sinh các lớp thay sách phải bỏ ra để mua sách giáo khoa mới cho con em.
HIỆU QUẢ - DẤU HỎI LỚN!?
Trên 2.000 tỷ đồng đã được xài trong giai đoạn 2001-2005 cho dự án “Đổi mới chương trình và nội dung SGK” nhìn trên bình diện chung mang lại sắc thái gì mới cho nền giáo dục phổ thông?
Trước hết là đợt thay SGK theo tiến trình sau: năm 2002-2003: thay SGK lớp 1, lớp 6; năm 2003-2004: thay SGK lớp 2, lớp 7; năm 2004-2005 thay SGK lớp 3, lớp 8 và tổ chức dạy thí điểm bậc trung học phổ thông; năm 2005-2006 thay SGK lớp 4, lớp 9 và tiếp tục thí điểm bậc trung học phổ thông. Sau đó là đợt trang bị mới cho các trường phổ thông thiết bị dạy học tương ứng với chương trình SGK mới.
Gần 5 năm học và giai đoạn 1 của dự án đã trôi qua với chi phí trên 2.000 tỷ đồng đã xài, hiệu quả bước đầu của dự án được xã hội và các nhà giáo dục nhìn nhận ra sao?
Thông tin mới nhất mà chúng tôi vừa nhận được: Tổng Thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh vừa ký văn bản kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố tiến hành thanh tra mua sắm thiết bị dạy học trên địa bàn. Khoan hãy bàn đến chuyện có gì khuất tất trong việc mua sắm này, song điều dễ thấy nhất là trên các diễn đàn giáo dục đã vang lên tiếng kêu: chất lượng thiết bị vừa “tệ”, vừa thiếu và trang bị chậm so với tiến độ dạy học!
Và lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng như các Sở GD-ĐT cũng đã phải lên tiếng thừa nhận thực trạng này! Được biết, một cuộc điều tra của Công đoàn Giáo dục VN cho thấy: 66% cán bộ quản lý GD cho rằng thiết bị dạy học cung ứng chậm và 74,8% cho rằng thiết bị không đáp ứng được yêu cầu dạy học theo chương trình.
Còn chất lượng chương trình SGK mới? Tại Hội nghị Cán bộ quản lý GD vừa qua, ông Nguyễn Hữu Châu, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chương trình GD (Bộ GD-ĐT) đã đưa ra đánh giá của viện: Chất lượng giảng dạy chưa theo kịp yêu cầu thực tế, nội dung SGK vẫn “thừa” lý thuyết, “thiếu” kiến thức ứng dụng, thực hành.
Ông Trịnh Quốc Thái, Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học thừa nhận: Quá tải ở bậc tiểu học là có thật. GS.TSKH Nguyễn Văn Đạo (ĐHQG HN) đúc kết: Giáo dục nước ta đang là gánh nặng cho học sinh (khổ học từ lớp 1), cho gia đình (chi phí cao so với thu nhập) và cho cả xã hội (ngân sách đầu tư càng lớn nhưng chất lượng GD vẫn thấp).
Hơn 2.000 tỷ đồng đã chi ra, nhưng rõ ràng nửa chặng đường triển khai của dự án đã vấp phải “phản ứng” của ngay chính các nhà giáo trong cuộc. Nay Bộ GD-ĐT tiếp tục dự toán 2.000 tỷ đồng cho dự án giai đoạn 2006-2010, đã gây không ít lo ngại trong giới GD! Chúng tôi xin nhấn mạnh, năm 2001 ngân sách Nhà nước đầu tư cho GD-ĐT là 15.607 tỷ đồng, nhưng đến 2005 đã lên đến 41.630 tỷ đồng. Trong khi đó số SV-HS cả nước tăng không đáng kể - từ 19.205.048 em vào năm 2000 lên 19.681.828 em vào năm 2005.
Tăng tiền đầu tư cho GD-ĐT là đúng, nhưng không phải lúc nào tăng tiền cũng đồng nghĩa với tăng chất lượng GD. Cái mà nhân dân và các nhà giáo cả nước cần nhất ở các nhà điều hành và quản lý nền GD-ĐT của đất nước hiện nay là: Tâm và Tầm!
Theo SGGP