Chúng tôi lên Phú Mỡ, một xã vùng cao của huyện miền núi Đồng Xuân. Thời tiết mùa hè rát bỏng, ngồi trong nhà mà mồ hôi cứ vã ra ướt dầm cả áo. Trường THCS Đinh Núp chưa có điện, nóng như thiêu.
Được hỗ trợ chỗ ở và tiền ăn nên việc huy động học sinh dân tộc thiểu số ra lớp đạt hiệu quả - Ảnh: Mạnh Thúy
Đến nay, huyện Đồng Xuân đã hỗ trợ cho 51 học sinh ở 2 thôn Phú Hải, Phú Đồng (Phú Mỡ) đang theo học cấp 2 ở Trường THCS Đinh Núp và 83 học sinh dân tộc thiểu số học cấp 3 ở Trường THPT Lê Lợi. Trong năm học 2006 – 2007, huyện tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng trên ra lớp bằng hình thức này. Dự kiến sẽ có khoảng trên 50 em vào lớp 10.
Nghe tiếng trống tan trường, bọn trẻ ùa ra như ong vỡ tổ, vội vàng ra về. Vài nhóm học sinh người dân tộc thiểu số đủng đỉnh sắp xếp lại sách vở, rủ nhau hướng về phía chợ. Chúng tôi tò mò không biết bọn trẻ định làm gì nên lặng lẽ theo sau. Suốt dọc đường đi, các em huyên thuyên cười nói râm ran, rồi bất chợt mỗi đứa mở trong cuốn tập rút ra tờ 2000 đồng đưa cho một học sinh nữ. Em này đếm cẩn thận số tiền đang có trên tay, rồi cùng các bạn tiến vào chợ. Một ít cá, vài trái mướp, bó rau, mua được chừng ấy thì số tiền các em đóng góp đã hết nhẵn. Về đến khu nội trú, để vội cái cặp vào góc giường, cả nhóm cùng nhau làm cá, gọt mướp nấu ăn. Trong nháy mắt, hơn 10 mái đầu hoe đỏ vì nắng đã quây quần bên mâm cơm. “Đây là những học sinh ở Phú Hải, Phú Đồng được hưởng “chế độ” đặc biệt đấy!” - một giáo viên ở khu nội trú bên cạnh giải thích. Thấy người lạ, các em tròn mắt nhìn khách. Tôi hỏi một học sinh nữ: “Em đi chợ nấu cơm mỗi tháng bao nhiêu tiền?”. Không phân vân, cô bé trả lời ngay: “Sáu chục ngàn đồng của huyện cấp để mua thức ăn, còn gạo thì ở nhà cung cấp”.
51 học sinh đang theo học cấp 2 ở trường THCS là con em hai thôn vùng xa Phú Hải, Phú Đồng. Do điều kiện đi lại khó khăn, nên phần lớn các em sau khi học xong tiểu học, muốn lên cấp 2 thì phải đến tận trung tâm xã. Đường đi từ hai thôn này đến xã phải mất nửa ngày đường. Vì vậy, từ năm học 2002 – 2003, huyện Đồng Xuân quyết định hỗ trợ chỗ ở và 40.000 đồng/ tháng/ học sinh ra các lớp THCS. Gần đây, huyện nâng mức hỗ trợ lên 60.000 đồng/ tháng/ học sinh. Mỗi ngày chỉ có 2000 đồng, nhưng với con em ở 2 thôn đặc biệt khó khăn này là một động lực rất lớn, nó góp phần thay đổi hẳn hành trình đưa cái chữ đến vùng đất gian khó. Thầy giáo La Thanh Đèo, Hiệu trưởng trường.
THUÝ HẰNG